Ngày 3-5-2012, trong khi làm việc trên tàu cá NAHAM #3 của Đài Loan, 3 anh Nguyễn Văn Xuân (SN 1981; ngụ phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Hạ (SN 1981; ngụ xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) và Phan Xuân Phương (SN 1989; ngụ xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) cùng 23 thuyền viên nước ngoài khác bị cướp biển Somalia bắt cóc, đòi tiền chuộc. Ba lao động này do Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) đưa đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.
Gần 4 năm trôi qua, người nhà của các thuyền viên này hiện vẫn không biết họ còn sống hay đã chết. Ông Phan Xuân Linh, bố của thuyền viên Phan Xuân Phương, lo lắng: “Sau khi bị cướp bắt 1-2 ngày, Phương gọi về cầu cứu trong tuyệt vọng. Cháu nói đang bị cướp xích và không biết ở đâu, bọn chúng bảo nếu không gửi tiền chuộc thì chém chết. Nói được mấy câu thì điện thoại tắt, không liên lạc lại được”.
Theo ông Linh, tháng 7 và tháng 12-2012, ông lại 2 lần nhận được điện thoại kêu cứu của con. Phương nhờ gia đình nói với công ty đưa anh đi xuất khẩu lao động là cuộc sống của anh hết sức khổ cực, không biết bị giết lúc nào nên mong các bên liên quan đưa tiền chuộc cho bọn cướp biển để chúng thả. “Giờ không biết con tôi ở đâu, còn sống hay chết. Vì quá lo lắng nên vợ tôi tai biến nằm liệt giường mấy năm nay” - ông Linh xót xa.
Đó cũng là tình cảnh của chị Nguyễn Thị Quỳnh, vợ thuyền viên Nguyễn Văn Xuân. “Nhà nghèo, 2 vợ chồng vốn làm không đủ nuôi 3 đứa con nên chúng tôi vay mượn để anh ấy đi xuất khẩu lao động. Ai ngờ, anh mới đi được một thời gian thì bị cướp biển bắt. Gần 4 năm qua, không đêm nào mẹ con tôi ngủ yên vì không biết anh đang bị giam giữ ở đâu, còn sống hay mất” - chị Quỳnh nghẹn ngào. Bà Nguyễn Thị Thủy, mẹ thuyền viên Nguyễn Văn Hạ, cũng tỏ ra tuyệt vọng: “Năm 2013, Hạ gọi điện về cầu cứu, nói nếu gia đình không gửi tiền chuộc thì một tuần nữa bọn cướp sẽ bắn. Từ đó tới nay, gia đình không có tin tức gì về cháu cả”.
Bặt tin các thuyền viên, người thân của họ nhiều lần ra Hà Nội cầu cứu Vinamotor cũng như cơ quan chức năng nhưng kết quả nhận được chỉ là lời hứa “cứ tiếp tục chờ đợi” và im lặng.
“Dù đã hơn 70 tuổi, sức yếu nhưng lo lắng cho tính mạng của con nên tôi vẫn 3 lần vượt mấy trăm cây số ra Hà Nội tìm đến Vinamotor để hỏi. Ra đến nơi, tôi muốn gặp giám đốc, phó giám đốc để hỏi cho rõ nhưng không thể gặp được. Họ bảo gia đình về tiếp tục chờ, công ty sẽ phối hợp giải quyết. Về nhà, chờ không thấy tin tức con, nóng lòng, gia đình lại gọi điện hỏi nhưng lần nào họ cũng chỉ hứa rồi đâu lại vào đấy” - ông Linh bức xúc.
Từ khi anh Hạ bị cướp biển bắt cóc, gia đình cũng đã 6 lần ra Hà Nội gửi đơn cầu cứu Vinamotor và các ngành chức năng. “Lần nào cũng vậy, họ bảo gia đình cứ về nhà chờ đợi. Gia đình đã quá mỏi mệt, giờ con tôi ở đâu, sống hay chết, chúng tôi muốn biết rõ” - bà Nguyễn Thị Thủy bày tỏ.
“Không được phép trả lời”
Chiều 18-3, phóng viên Báo Người Lao Động liên lạc với bà Nguyễn Thị Lan Hương, phụ trách Phòng Thuyền viên và Thị trường của Chi nhánh Xuất khẩu lao động thuộc Vinamotor. Tuy nhiên, bà Hương từ chối cung cấp thông tin. “Em thuộc chi nhánh nên không được phép trả lời” - bà Hương lý giải.
Bình luận (0)