xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bầu Thơ - Người khởi đầu: Ràng buộc bằng tình

Thanh Hiệp

Bầu Thơ là niềm hãnh diện của giới làm bầu, không bóc lột anh em nghệ sĩ, đối đãi với họ bằng cái tình, chứ không bằng hợp đồng

Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga dưới sự điều khiển của bà Nguyễn Thị Thơ (bầu Thơ) đã mở đường cho việc trình diễn các vở lịch sử, dã sử Việt Nam và đề tài tâm lý xã hội cận đại về đời sống người Việt. Chiến lược bà chọn là nâng cao vị thế đoàn hát, mặt khác tạo lực đối trọng để luôn cạnh tranh trong sáng tạo.

Niềm hãnh diện của giới làm bầu

Khi soạn giả Hà Triều lâm bệnh nặng, dù đã giải tán đoàn hát nhưng bầu Thơ vẫn kêu Hải - người cháu nội, anh ruột của NSƯT Hữu Châu - đạp xe đến nhà biếu 10 lít gạo và một bì thư 50 đồng. Ông Ngũ Lang - con của soạn giả Hoa Phượng - cho biết: “Bầu Thơ chăm lo đến đời sống của soạn giả. Lúc còn sống, cha tôi vẫn thường nhắc nếu không có bà cứu giúp thì mẹ tôi đã qua đời trong một cơn bạo bệnh. Bầu Thơ là niềm hãnh diện của giới làm bầu, không bóc lột anh em nghệ sĩ, đối đãi với họ bằng cái tình, chứ không bằng hợp đồng”.

Bầu Thơ và NSƯT Thanh Nga trong một buổi khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân,
TP HCM)
Ảnh: 
TƯ LIỆU
Bầu Thơ và NSƯT Thanh Nga trong một buổi khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân, TP HCM) Ảnh: TƯ LIỆU

Với các soạn giả khác cũng thế, nhiều người sống “lang bạt kỳ hồ”, nay đây mai đó, bầu Thơ tạo điều kiện để họ mua nhà, mua xe, ổn định cuộc sống. Theo soạn giả Kiên Giang, bầu Thơ cứng rắn về mặt nguyên tắc nhưng lý và tình đâu ra đó. Nhờ vậy mà đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã tạo được danh mục kịch bản rất phong phú. Có thể kể ra hàng trăm kịch bản xã hội, hơn 30 tuồng lịch sử và dã sử Việt Nam của 27 tác giả đã từng hưởng lương thường trực của bầu Thơ.

Trước thời bầu Thơ, sân khấu cải lương có rất ít tuồng xã hội vì người ta cứ nghĩ cải lương thì chỉ có màu sắc, ông hoàng, bà chúa. Tuy nhiên, đến thời bầu Thơ, bà đi theo cách: Sân khấu phải thật và đẹp. Từ đó, bầu Thơ đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của sân khấu cải lương, đưa nó về với nội dung văn hóa dân tộc.

“Ngày nay, các nhà tổ chức chương trình trong làng giải trí, kể cả những giám đốc của sân khấu kịch xã hội hóa, mấy ai học đủ hết chiêu thức của bầu Thơ để áp dụng cho việc quản lý. Dù rằng thời đại khác nhau nhưng trên phương diện quản lý chung, theo đặc thù của sân khấu thì cái tình phải được đặt lên trên. Hiểu ý và làm đúng luật thì sẽ đạt hiệu quả” - soạn giả Kiên Giang nói.

Lấy lương tri soi rọi nghĩa nhân

Khi tái dựng hai vở Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa, NSƯT Hữu Châu quan tâm đến việc phục hiện cảnh trí, âm nhạc và phục trang. Bởi lẽ, về mặt trang trí sân khấu và phục trang của nghệ sĩ, bà nội của anh là người đầu tiên chịu chi số tiền lớn cho họa sĩ thực hiện. Mỗi vở đều được vẻ nhiều bối cảnh mới và phục trang thích ứng với nhu cầu mỹ thuật.

“Một lần, chị Thanh Nga đòi má tôi may 5 cái áo dài để mặc khi diễn vai The trong vở Nửa đời hương phấn thì bị từ chối ngay. Má tôi nói: Đâu phải đào chánh ra sân khấu mặc đồ thiệt đẹp là đúng, phải tùy theo vai, tùy theo hoàn cảnh. Vai The khi về quê thăm cha mẹ, mặc áo dài lòe lẹt không hợp” - NSƯT Bảo Quốc kể. Theo ông, cố NSƯT Thanh Nga chính là người nổi tiếng nhất trong gia tộc và chịu nhiều sự rèn giũa của bầu Thơ.

NSND Viễn Châu cho biết khi cải lương hưng thịnh, một số bầu gánh hát chạy theo lợi nhuận, thị hiếu, đẩy cải lương đi quá đà. Chính sự khinh xuất này đã làm cho khán giả trí thức than phiền khi đến xem một số đoàn vì đào kép ăn mặc lòe loẹt, cảnh trí không đúng hoàn cảnh, nghệ sĩ ca diễn theo kiểu vô câu vọng cổ vài trăm chữ, tuồng tích thì đủ kiểu, thiếu tính thẩm mỹ. Từ đó, người ta miệt thị “ăn mặc gì mà như cải lương”. “Bầu Thơ đau lắm, vì câu nói đó hàm ý phục trang không theo kiểu dáng của dân tộc nào, tầng lớp nào trong xã hội” - NSND Viễn Châu nói.

Theo NSƯT Bảo Quốc, khi ông được giao vai Hiệp sĩ mù trong vở diễn cùng tên, chuyển hẳn sang con đường diễn vai hài, bầu Thơ đã may cho ông một chiếc áo choàng gấm để mặc lúc chiến thắng trong vinh dự, mù nhưng giữ được đạo nhà, chứ không làm hư hại danh tiếng gia tộc. “Sân khấu phải đẹp và sang trọng. Con giữ cái áo này để cuối cảnh choàng vào, lúc đó khán giả sẽ nhìn thấy chàng hiệp sĩ đã không còn là một hiệp khách giang hồ mà đại diện cho chân lý: lấy lương tri soi rọi nghĩa nhân” - bầu Thơ dạy NSƯT Bảo Quốc.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-3

Kỳ tới: Khởi động giải thưởng danh giá

Những kỷ vật quý giá

Tiền sảnh của 4 suất diễn tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM) sẽ được NSƯT Hữu Châu trang hoàng không gian cải lương xưa, mời khán giả cùng hoài niệm về một thời đoàn Thanh Minh - Thanh Nga được khán giả yêu mến. Bên cạnh những bức ảnh xưa được anh thu thập trong nhiều thập niên qua, có một chiếc máy đánh chữ cũ kỹ. NSƯT Hữu Châu xúc động: “Đó là chiếc máy đánh chữ của ông nội tôi - Năm Nghĩa. Ông sáng tác tuồng trên chiếc máy này và trong đêm cuối cùng của cuộc đời, khi đang ngồi viết kịch bản để đoàn hát khai trương vở mới thì ông qua đời sau khi thổ huyết, ướt đẫm trang bản thảo. Với gia tộc tôi, bộ ván gỗ ông nội tôi thường ngồi xem đào kép tập tuồng và cái máy đánh chữ là gia tài rất quý. Hai kỷ vật nhắc nhở chúng tôi phải sống thật tử tế với nghề”.

Nhắc lại những ký ức đẹp, nghệ sĩ Thanh Tú kể: “Bầu Thơ và thầy Năm Nghĩa là những bậc trưởng lão trong nghề. Bà làm bầu, ông viết tuồng, sự hòa quyện trong từng cách nghĩ, cách làm đã định hướng một lối đi riêng cho sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga. Chiếc máy đánh chữ đó được dùng để gõ tên các nghệ sĩ khi về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Từ tấm hợp đồng vàng úa đơn sơ, tên tuổi các tài danh được dát vàng. Hợp đồng tăng lên gấp bội, nghệ sĩ mua nhà và sắm xe. Sau ngày đất nước thống nhất, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga được mở màn trình diễn… và tôi nhớ hoài tiếng gõ lóc cóc của chiếc máy chữ nặng tình nghệ sĩ”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo