Thế nhưng, dường như nhập siêu chưa được kiểm soát. Tình trạng nhập siêu của Việt Nam, nhất là từ Trung Quốc, ngày càng đáng lo ngại. Hồi chuông này đã được gióng lên cách đây nhiều năm nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cảnh tỉnh, thậm chí tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Đã hơn 25 năm kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới về kinh tế, Việt Nam nhập siêu triền miên, ngoại trừ năm 1992 xuất siêu được 40 triệu USD. Hầu hết hàng nhập khẩu là nguyên phụ liệu cho gia công, xuất khẩu và hàng tiêu dùng. Cũng có những giai đoạn nhập siêu giảm nhưng chẳng thể lấy đó làm mừng vì khi ấy sản xuất trong nước ngưng trệ, sức mua thấp và xuất khẩu suy giảm nên nhập khẩu ít đi. Những giai đoạn còn lại, nhập siêu đều tăng phi mã.
Kim ngạch nhập khẩu lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu ít là bởi 2 lý do chính. Một là, hàng xuất bán (được làm từ nguyên phụ liệu nhập khẩu) chủ yếu là gia công, có giá trị thấp. Hai là, sản phẩm nhập khẩu là hàng tiêu dùng. Từ đó thấy rằng năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp nước ta còn rất yếu ớt; thị trường trong nước trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm nhập ngoại, chứng tỏ sản xuất trong nước yếu kém, thiếu hẳn những ngành phụ trợ cho sản xuất - xuất khẩu.
Ở một đất nước từ “ngày xưa đã có bờ tre xanh”, sao cây tăm tre, chiếc rổ rá cũng phải nhập khẩu để dùng?! Mà nào chỉ tăm tre, đến khoai lang, nấm mối..., những thứ ở xứ ta hễ ra ngõ là gặp, vậy mà cũng mua của Trung Quốc! Việt Nam xuất siêu sang EU nhưng nhập siêu chủ yếu từ ASEAN và các nền kinh tế APEC, trong đó lớn nhất là Trung Quốc - những khu vực, quốc gia không đem lại cho chúng ta công nghệ hiện đại. Trung Quốc hiện cung ứng đến khoảng 1/4 đầu vào cho nền kinh tế Việt Nam. Nguyên phụ liệu từ Trung Quốc vẫn rất cần cho sản xuất của Việt Nam nên hiện chưa thể thôi nhập siêu từ nước này mà phải xây dựng kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc.
Trước hết là phải nâng năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước bằng yếu tố khác biệt về chất lượng, sự hợp lý về giá và tính khoa học trong tổ chức phân phối, bán hàng. Một điều nữa không khó làm là xây dựng được thêm nhiều thương hiệu quốc gia, nhà nước phải hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài. Căn cơ hơn là cách mà nhiều quốc gia phát triển đã thực hiện thành công đó là chuyển đổi mạnh mẽ mô hình gia công, lắp ráp sang mô hình tích hợp công nghệ trong sản xuất ở hầu hết các ngành nghề nhằm tăng giá trị sản phẩm, tối ưu hóa lợi nhuận. Một điều cũng quan trọng không kém nữa là khơi gợi tinh thần dân tộc và ý thức tự cường trong mỗi con người qua hành vi tiêu dùng.
Sự lệ thuộc luôn là mối nguy đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Khi đã lệ thuộc về kinh tế thì dễ dẫn đến những sự lệ thuộc khác. Phải hạn chế hết mức sự lệ thuộc để tránh bất trắc, rủi ro và tạo đà phát triển.
Bình luận (0)