Hoa màu thành...thức ăn cho bò
Con đường lộ lởm chởm men theo những triền núi đến huyện Tri Tôn băng qua những cánh đồng đỏ ối trơ rạ đã gặt xong, thỉnh thoảng xen kẽ những thửa ruộng lúa chết khô khốc. Ông Lương Văn Tám, một nông dân ở ấp Tà Dung (xã Lương Phi, Tri Tôn), đứng giữa đám ruộng bần thần: “Lúa mới trổ bông thì gặp nắng hạn chết khô, hơn một tháng nay không có lấy một giọt mưa”. Ông Tám cho biết cả ấp hơn trăm hộ đều bỏ hoang ruộng đồng vì không có nước, trồng cây gì cũng chết.
Tại ấp Sà Lôn cũng có hàng chục héc ta rau màu bỏ phế vì thiếu nước, dưa leo và đậu xanh sắp thu hoạch chỉ còn trơ những cành trụi lá. Anh Dương Văn Bé, một nông dân trong ấp, kể: Nhà anh trồng 3 công dưa leo sắp thu hoạch thì gặp nắng hạn, cây rụng lá chết dần, anh phải thu hoạch dưa non. “Trái dưa non cũng teo tóp, khô queo không ăn được, phải mang cho bò ăn, xót lắm”- anh Bé than thở. Anh Bé cho biết hàng chục hộ dân trong ấp mất trắng hoa màu vì hạn hán. Hoa màu sắp thu hoạch nay chỉ còn làm thức ăn... cho bò.
Anh Võ Văn Vô, kỹ thuật viên nông nghiệp xã Lương Phi, cho biết trên địa bàn xã hiện có hơn 30 ha đất ruộng chưa có hệ thống thủy lợi. Tất cả diện tích này phụ thuộc vào nước trời nhưng mấy tháng nay chẳng thấy mưa. Đã tới vụ hè nhưng các hộ dân không thể gieo hạt vì hạn hán kéo dài, khả năng bỏ vụ là rất lớn. Không riêng gì huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên cũng có nhiều tuyến kênh cạn nước, không thể cung cấp cho hệ thống thủy lợi nội đồng.
Nước sinh hoạt tăng giá vùn vụt
Bà con nông dân hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cho biết, nắng năm nay gay gắt quá nên nhiều giếng đào đã cạn, phải đi vài cây số mới tìm được giếng còn nước gánh về dùng. Mỗi ngày có hàng trăm người lặn lội đi lấy nước từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Hộ nào không thể đi lấy nước thì phải thuê người đi lấy với giá 2.000 đồng/20 lít. Bà Đặng Thị Hưởng, 76 tuổi, ở ấp Sóc Tức, xã Lê Trì (Tri Tôn) than thở: “Tháng trước mấy giếng nước gần còn nước, bây giờ khô mất rồi, phải đi xa hơn tìm nước. Già yếu không đi được nên phải thuê, khổ quá”.
Cơn khát len lỏi vào cả thị trấn Tri Tôn, người dân phải bỏ tiền mua từng can nước. Đầu đường lên ngọn núi Tô là một giếng nước tập kết hàng chục xe kéo chứa đầy can nhựa. Vài chục người chọn bán nước làm nghề sinh nhai. Họ lấy nước bán cho dân sống ở những nơi chưa có nước máy trong thị trấn. Anh Hùng, một người bán nước có thâm niên, cho biết: “Tháng trước làm nghề này khá lắm, dân thị trấn khát nước nhiều, không kịp bán. Bây giờ có nhiều người cạnh tranh hơn nhưng mỗi ngày cũng kiếm được 30.000-40.000 đồng”.
Hiện nay, tất cả các cư dân vùng Bảy Núi đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hơn 500 hộ dân khu vực núi Cấm, núi Dài và hàng ngàn hộ dân ở các xã Núi Tô, An Tức, Ô Lâm, thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn), An Hảo (Tịnh Biên) phải thường xuyên mua nước. Giá nước ngọt liên tục tăng và hiện đã ở mức 70.000 đồng/m3, vượt quá khả năng của nhiều hộ dân. Trong khi đó, theo dự báo của Chi cục Khí tượng Thủy văn An Giang, mùa khô năm nay sẽ khắc nghiệt và kéo dài hơn mọi năm.
Bình luận (0)