Sống trong yêu thương
Chị Lê Ngọc Xuân, con bà Bảy, cho biết: “Hai đứa con tôi đều xem Như Ý như em út trong gia đình, có trò nào vui hay có đồ ăn gì ngon, chúng cũng bảo phải để dành cho Như Ý”.
Như Ý vừa tròn 2 tuổi, bé có nước da trắng, lúc nào cũng bắt chị Xuân ẵm trên tay. Lâu lâu, Như Ý lại nói bập bẹ: “Cưng con đi mẹ!”. Chị Xuân xúc động: “Như Ý nói câu đó là muốn tôi hôn lên má nó. Vì thiếu vắng tình thương nên thấy các con gọi mẹ, ngoại..., Như Ý cũng tập nói theo”.
Một lúc sau thấy bà Bảy về, Như Ý liền chạy lại rồi quàng tay ôm cổ bà, hôn lên má. Bà Bảy bày tỏ: “Một đứa trẻ như thế không thương sao được? Đi đâu một lúc là tôi nhớ nó lắm”.
Trong tủ quần áo, đồ Như Ý rất nhiều, một phần do nhiều nhà hảo tâm ủng hộ. “Có một người tên Hương ở tận Hà Nội, thông qua báo chí, cô ấy biết đến Như Ý và thường xuyên gửi quần áo vào cho, rồi hỏi thăm sức khỏe của cháu. Người xa lạ còn vậy, thế mà mẹ nó nỡ hành hạ con mình…”, bà Bảy chua xót.
Những vết thương trên thân thể Như Ý đã lành lặn nhưng vẫn còn để lại sẹo. Vừa ôm bé trong lòng, bà Bảy kể: “Mỗi tối, Như Ý bắt tôi phải hôn lên mặt mới chịu ngủ. Còn việc ăn uống của cháu cũng dễ dàng, gia đình ăn gì thì cho cháu ăn đó. Để tăng cường sức khỏe, hàng ngày, tôi cho Như Ý uống thêm sữa”.
Ông Lê Thành Ân, chồng bà Bảy, cũng xem Như Ý như cháu ruột và yêu thương hết mực. “Ông ấy đi chài cá về là hỏi Như Ý ở nhà có bị muỗi chích không, ăn uống thế nào, có bị 2 đứa cháu ngoại đánh không… rồi lại ôm bé vào lòng như xa cách từ lâu lắm” - bà Bảy cho biết.
Như Ý cũng được cho đi học trường mầm non gần nhà và những cô dạy trẻ nơi đây đều quan tâm, chăm sóc ân cần đối với đứa trẻ bị mất mát tình yêu thương này.
Bà Đặng Ngọc Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu, cho biết: “Gia đình bà Bảy lo cho Như Ý rất đàng hoàng, yêu thương hết mực, và còn cho đi nhà trẻ. Hằng tháng, các đoàn thể ở địa phương vẫn đến thăm hỏi cháu. Ngoài ra, UBND xã làm hồ sơ để Như Ý nhận chế độ của trẻ mồ côi, hằng tháng được 360.000 đồng”.
Thu nhập của gia đình bà Bảy phụ thuộc vào tiền chài cá của ông Ân và chồng chị Xuân. Họ lênh đênh theo con nước, có khi tới nửa tháng mới về nhà. Trung bình, mỗi ngày số tiền bán cá cũng ngót ngét 500.000 đồng nên có thể lo cho gia đình đủ sống. Chị Xuân khẳng định: “Tuy không dư giả gì nhiều nhưng chúng tôi quyết lo cho Như Ý có cuộc sống đầy đủ”.
Sau 5 ngày TAND tỉnh Đồng Tháp xử mẹ Như Ý là Nguyễn Thị Xuân Lan 5 năm tù và cha dượng Lê Thành Tám 6 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích", bà ngoại và dì của bé đã đến xô xát với gia đình bà Bảy.
Bà Bảy tâm sự: “Ông ngoại Như Ý là anh ruột tôi, Lan là cháu tôi nhưng từ khi tôi nhận Như Ý về nuôi, họ xem tôi như người xa lạ vì cho rằng tôi chính là người tố giác để Lan đi tù. Nhưng giờ mọi chuyện đã qua, họ cũng không lui tới thăm cháu, xem cháu mình sống ra sao dù nhà anh tôi cách đây có vài trăm mét”.
Một điều làm bà Bảy lo lắng là sau khi mẹ Như Ý ra tù sẽ giành quyền nuôi dưỡng con. “Lá rụng về cội, đó là điều hiển nhiên, nếu Lan cho Như Ý tình yêu thương thật sự thì tôi cũng sẽ trả bé về cho mẹ. Tuy nhiên, chúng tôi sợ khi đó, Như Ý lại bị đánh đập như xưa thì sẽ không đành lòng”.
Theo bà Bảy, gia đình bà ở có đến 4 thế hệ, nên để Như Ý sống ở gia đình bà, bé sẽ có chị có em và mọi người nơi đây rất yêu thương cháu. “Tôi chỉ hy vọng là được nuôi Như Ý tới năm cháu 18 tuổi, dù gặp bất cứ khó khăn nào” - bà Bảy nhấn mạnh.
Chia tay gia đình họ, chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi bà Bảy cùng 3 cháu cùng quây quần đùa giỡn. Bé Như Ý ôm hôn chúng tôi và nói: “Bái bai cô!” làm mọi người có mặt ai cũng cười ngất.
Thật mừng vì Như Ý đã có một tổ ấm thứ hai, trong vòng tay của những người yêu thương bé thật sự!
Bình luận (0)