Một trong những biểu hiện mới nhất của căn “bệnh lạ” xăng dầu là chuyện các doanh nghiệp xăng dầu nói có thể hạ giá xăng thêm khoảng 1.000 đồng/lít song cơ quan quản lý Nhà nước chỉ “quyết” giảm 600 đồng/lít. Xưa nay doanh nghiệp thường chỉ muốn tăng giá nhiều và giảm giá ít hơn yêu cầu hay quyết định của cơ quan quản lý nên việc doanh nghiệp nói sẵn sàng có thể giảm hơn nữa thì quả là chuyện lạ.
Chuyện lạ trên đây xuất phát từ cơ chế điều hành giá xăng dầu dựa chủ yếu trên Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Còn nhớ khi Nghị định 84 ra đời cách đây gần 3 năm, một quan chức của Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 84 - đã hào hứng cho rằng nghị định này sẽ giúp điều hành mặt hàng xăng dầu theo nguyên tắc thị trường song vẫn bảo đảm hài hòa lợi ích của cả 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thế nhưng, thực tế gần 3 năm qua cho thấy mọi chuyện không như dự liệu ban đầu. Nói là hài hòa lợi ích của cả 3 bên song thực ra lợi ích của người tiêu dùng luôn xem ra có phần nhẹ hơn cả. Trong khi đó, cơ quan quản lý cũng tỏ ra lúng túng và khó khăn để điều hành giá xăng dầu sao cho hài hòa một cách tương đối lợi ích của cả 3 bên.
Cái khó nhất, đồng thời cũng bị người dân kêu ca, phàn nàn nhiều nhất là sự thiếu minh bạch của giá xăng dầu. Như bất cứ mặt hàng nào khác, nếu thị trường xăng dầu thực sự minh bạch và cạnh tranh thì người dân sẵn sàng chấp nhận mua giá cao trong trường hợp đó thực sự là giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, tiếng là có hơn chục doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu song thực chất thị trường này trong nước chỉ do vài “ông lớn” nhìn nhau mà “phát giá”.
Trong một thị trường bị thứ độc quyền như vậy chi phối thì cơ chế điều hành lúng túng, khó khăn là điều tất yếu. Vì vậy, quản lý Nhà nước nên làm sao phá thế độc quyền để hình thành một thị trường thực sự bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh hơn là cứ loay hoay mãi với kiểu “điều hành giá” để rồi càng muốn “điều hành” càng khó.
Bình luận (0)