Ngày 29-6, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại theo hợp đồng dịch vụ. Nguyên đơn là bà Hứa Thị Cẩm Tú (SN 1975, ngụ thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), bị đơn là Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Cần Thơ. Bà Tú là bệnh nhân bị bác sĩ của BVĐK TP Cần Thơ cắt nhầm 2 quả thận cách nay gần 6 năm mà Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin.
Chủ tọa phiên tòa này là thẩm phán Nguyễn Chế Linh, Phó Chánh án TAND quận Ninh Kiều.
Bệnh 1, cắt 2
Theo nội dung đơn khởi kiện, ngày 1-12-2011, bà Tú bị đau vùng bụng nên đến BVĐK TP Cần Thơ để khám. Kết quả chụp CT của bệnh viện cho thấy thận phải của bà Tú tốt, còn thận trái ứ nước độ III-IV, có sạn buộc phải mổ. Ngày 6-12-2011, bà Tú được chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước. Trong quá trình mổ đã xảy ra tai biến nên bác sĩ Trần Văn Nguyên (Trưởng Khoa Ngoại thận-Tiết niệu của BVĐK TP Cần Thơ) chuyển sang mổ hở và cắt hết 2 quả thận của bệnh nhân này. Những ngày sau đó, bệnh nhân Tú bị biến chứng phù nề, tình trạng sức khỏe xấu đi nên đi siêu âm thì tá hỏa khi phát hiện không còn quả thận nào.
Chồng của bà Tú tại tòa
Vụ việc được báo chí phản ánh và Bộ Y tế đã vào cuộc. Sau đó, bà Tú được chuyển ra Bệnh viện Trung ưng Huế tiếp tục điều trị và được ghép một quả thận.
Kết luận của Viện Pháp y quốc gia cho thấy mặc dù được ghép một quả thận nhưng sức khỏe của bà Tú suy giảm đến 81%. Hiện tại, sức khỏe của bà Tú rất yếu và không thể đến tham dự phiên tòa được. Thế nhưng, BVĐK TP Cần Thơ không thừa nhận sai sót và không đồng ý bồi thường thiệt hại nên bà Tú đã khởi kiện.
Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ nhìn từ xa
Theo đó, bà Tú yêu cầu BVĐK TP Cần Thơ phải bồi thường thiệt hại một lần với số tiền 707 triệu đồng (làm tròn), gồm các khoản: Chi phí phát sinh cứu chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế là 61 triệu đồng; thu nhập thực tế bị mất từ ngày phẫu thuật đến ngày phiên tòa sơ thẩm diễn ra là 193 triệu đồng; thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc là ông Nguyễn Thiện Trí (chồng bà Tú) là 55 triệu đồng (chỉ tính từ ngày phẫu thuật đến ngày khởi kiện là 6-7-2013); khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm là 87 triệu đồng; chi phí cho một người thường xuyên chăm sóc người bị thương tật 81% là 193 triệu đồng; khoản trợ cấp hàng tháng cho bà Tú suy giảm khả năng lao động là 105 triệu đồng và chi phí hàng tháng thuê xe ôm 2 lần đi tái khám sau phẫu thuật ghép thận là 13 triệu đồng.
Ngoài ra, bà Tú còn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại mỗi tháng do mất khả năng lao động từ tháng 7-2017 là 7,6 triệu đồng/tháng.
Tai biến y khoa nên không bồi thường?
Tại tờ trình ngày 28-10-2013 gửi TAND quận Ninh Kiều và biên bản hòa giải cùng ngày thì phía bị đơn cho rằng trường hợp của bà Tú không phải là sai sót chuyên môn mà là do tai biến bất khả kháng. Vì thế, bị đơn nhất quyết không bồi thường.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn
Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của bị đơn là luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) còn cho rằng cũng nhờ ghép một quả thận nên sức khỏe của bà Tú tốt hơn rất nhiều so với lúc vào viện. "Tôi khẳng định rằng, với tai biến này, BVĐK TP Cần Thơ, Bệnh viện Trung ương Huế và Bộ Y tế đã thực hiện ca ghép thận cho bà Tú là thành công nhất từ trước đến nay, là rất tuyệt vời. Sau khi ghép thận, bà Tú thuộc loại bệnh nhân số 1 của BVĐK TP Cần Thơ. Nếu bà Tú có đến tái khám 5 lần/tháng thì bệnh viện cũng sẵn sàng miễn phí"- ông Nguyễn Trường Thành cho biết.
Đại diện nguyên đơn (trái) và đại diện bị đơn (phải)
Thậm chí, ông Nguyễn Trường Thành còn dẫn chứng rằng một huấn luyện viên bóng đá người Áo khi sang Việt Nam làm việc thì phát hiện bị hư 2 quả thận phải cắt bỏ hết. Một người Việt Nam hiến quả thận khác, bây giờ ông ấy vẫn sống bình thường, vẫn còn làm huấn luyện viên và còn khỏe hơn là giữ lại 2 quả thận. Thậm chí vị huấn luyện viên này khi về nước còn gửi lời cảm ơn rất nhiều đến Việt Nam. Trong khi đó, bà Tú sau khi được ghép lại một quả thận thì quay sang đòi bồi thường, đòi truy cứu trách nhiệm hình sự. Đấy là việc làm không thể chấp nhận được. Do vậy, đại diện phía bị đơn yêu cầu HĐXX xem xét bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ngoài ra, đối với khoản yêu cầu bồi thường thực tế bị mất của người chăm sóc bà Tú và chi phí cho một người thường xuyên chắm sóc người bị thương tật 81%, ông Nguyễn Trường Thành còn cho rằng Luật Hôn nhân – Gia đình quy định rõ vợ chồng phải yêu thương, chăm sóc lẫn nhau thì tại sao ông Trí chăm sóc vợ mình lúc bị bệnh lại đòi tiền bồi thường (!?).
Lập luận trên của ông Nguyễn Trường Thành đã bị luật sư bảo vệ phía nguyên đơn là ông Lê Quang Vũ (Văn phòng Luật sư Người Nghèo thuộc Đoàn Luật sư TP HCM) dẫn chứng bằng Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để phản bác lại. Theo đó, nghị định này quy định chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị thì được bồi thường.
Tại tòa, đại diện VKSND quận Ninh Kiều cũng đồng ý với lập luận của luật sư bảo vệ nguyên đơn. Tuy nhiên, một số yêu cầu như trợ cấp hàng tháng, chi phí phát sinh khi cứu chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế (do bệnh viện đài thọ) và bồi thường thiệt hại mỗi tháng đã bị đại diện VKS bác.
Mặc dù yêu cầu HĐXX bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn nhưng phía bị đơn cho rằng tập thể BVĐK TP Cần Thơ sẽ đóng góp hỗ trợ cho gia đình bà Tú 50 triệu đồng để làm vốn.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên buộc phía bị đơn có trách nhiệm bồi thường một lần cho nguyên đơn số tiền 302.400.000 đồng. Ngoài ra, bị đơn còn phải bồi thường mỗi tháng 5,8 triệu đồng cho nguyên đơn.
Sau khi phiên tòa kết thúc, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn Thiện Trí, cho biết chấp nhận kết quả của phiên tòa hôm nay. Bởi theo ông, tòa tuyên phía bị đơn có lỗi trong vụ án này khiến ông cảm thấy hài lòng và càng tin tưởng hơn vào sự công minh của pháp luật.
Bình luận (0)