Trong khi Bộ Y tế vẫn khẳng định số ca mắc bệnh sởi đã giảm nhiều thì tại các bệnh viện (BV), bệnh nhân sởi vẫn ùn ùn nhập viện. Ngay cả số tử vong do biến chứng sởi, bác sĩ (BS) nắm rõ thì không dám nói vì “không có trách nhiệm công bố”, cơ quan có quyền công bố thì vẫn thấy dịch bình thường.
Quá tải
Những ngày qua, tại BV Nhi Trung ương, bệnh nhi mắc bệnh sởi đã “độc chiếm” Khoa Truyền nhiễm và nhiều phòng bệnh, phòng làm việc của BS Khoa Tâm bệnh, Đông y, Cấp cứu lưu... nhưng vẫn không thể giải quyết được tình trạng quá tải. Các bệnh nhi phải nằm ghép 2-3 cháu/giường. Kể cả giường bệnh nhân nặng cho trẻ thở máy cũng phải nằm ghép.
Các máy chụp X quang, siêu âm di động, máy thở ở các khoa khác được huy động ưu tiên cho bệnh nhân sởi biến chứng nhưng với 200-210 bệnh nhi sởi, trong đó 50% đang suy hô hấp, phải thở ôxy, thở máy thì số giường được chi viện vẫn như “muối bỏ biển”. 4 BS ở Khoa Truyền nhiễm, trong đó có cả trưởng khoa, đã phải dồn bàn làm việc vào kho chứa đồ để dành chỗ kê giường bệnh.
Quá tải giường bệnh đã tăng 2-3 lần nhưng quá tải lượng công việc thì đã tăng gấp nhiều lần vì nhiều bệnh nhân nặng. Tình trạng xáo trộn này đã kéo dài gần 2 tháng qua khiến các BS, điều dưỡng sắp không chịu nổi sức ép.
Tình trạng quá tải cũng diễn ra tại Khoa Nhi của BV Bạch Mai, nơi 20% bệnh nhân điều trị, cấp cứu là những bệnh nhân nhập viện do sởi. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, phải thốt lên: “Chưa khi nào quá tải như lúc này, bệnh nhân nằm tràn hành lang”. Khu vực sân chơi của trẻ cũng được trưng dụng kê thêm giường bệnh. Đêm 10-4, một bệnh nhi 12 tháng đã tuổi tử vong do biến chứng của sởi sau hơn 1 tuần điều trị.
BS Đỗ Thiện Hải, Phó Khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương, cho biết thông thường mỗi năm, BV này chỉ tiếp nhận khoảng 30-40 ca sởi. Vụ dịch năm 2009-2010 có khoảng 100 trường hợp. Cho nên việc khoảng 1.000 bệnh nhân sởi nhập viện điều trị chỉ trong 4 tháng qua là hiện tượng bất thường. Đó là chưa kể các trường hợp nhẹ, sau khi xét nghiệm máu xác định dương tính với sởi nhưng chụp X-quang không có tổn thương phổi, đều được cho về điều trị tại nhà.
“Trước đây, bệnh nhân sởi kể cả có viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên nhẹ, chỉ mất khoảng 5-7 ngày nằm viện là lành. Nhưng với các bệnh nhân biến chứng này, các cháu thường phải nằm viện 2-3 tuần” - BS Hải nói.
Trong khi nhiều BS điều trị nhận định dịch sởi đang diễn biến bất thường thì PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng không bất thường mà theo đúng chu kỳ 4-5 năm của dịch và quá trình tích lũy những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có tiêm nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh.
“Ẩn số” tử vong
Theo Bộ Y tế, việc không công bố dịch sởi là do không có đủ các điều kiện để công bố. Trong đó, yếu tố đầu tiên là số người mắc vượt quá số người mắc dự tính bình thường cũng như quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hiện mới chỉ có gần 2.500 trẻ mắc nên theo Bộ Y tế là “còn thấp hơn nhiều so với dịch năm 2009-2010 (hơn 8.200 trẻ mắc).
Tuy BV Nhi Trung ương đã đặt ra nhiều cảnh báo lo ngại về biến chứng lạ của dịch sởi năm nay và BV đã quá tải trầm trọng về bệnh sởi nhưng đại diện Bộ Y tế vẫn cho rằng dịch sởi bình thường, không có biến đổi gien khác biệt, không có sự gia tăng về độc lực.
Cách đây ít ngày, lần đầu tiên Bộ Y tế công bố về số ca tử vong do sởi là 25 nhưng con số thống kê từ các cơ sở điều trị cao hơn rất nhiều. Tại Khoa Nhi BV Bạch Mai đã có 3 trẻ tử vong do sởi. BV Nhi Trung ương cho biết có nhiều trẻ tử vong do sởi nhưng chính xác bao nhiêu thì không được quyền phát ngôn. Vì thế, hiện số trẻ tử vong do biến chứng của sởi vẫn là một ẩn số.
Theo ông Trần Đắc Phu, dịch bệnh tại các địa phương đã giảm mạnh, đặc biệt sau khi tổ chức tiêm vét vắc-xin phòng sởi. Dự kiến, bệnh sởi sẽ được kiểm soát trong một vài tháng tới.
Bình luận (0)