xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bệnh viện công - tư: Khó chia sẻ!

NGUYỄN THẠNH - NGỌC DUNG

Các bệnh viện tư tố cáo bệnh viện công dù quá tải nhưng vẫn rất hạn chế chuyển bệnh nhân vì ngại chia sẻ lợi ích

Sáng 14-3 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị về “Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện (BV) nhà nước và BV tư nhân thực hiện đề án giảm tải BV của Chính phủ” với sự tham gia của gần 40 BV tư nhân ở phía Bắc. Trước đó, một hội nghị tương tự cũng được tổ chức tại TP HCM nhằm tìm ra hướng phối hợp cùng giảm tải BV.

Trả tiền dịch vụ vẫn nằm hành lang

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận quá tải BV rất trầm trọng khi tại nhiều cơ sở y tế công lập, một giường bệnh vẫn có từ 2-3 bệnh nhân. “Ngay cả những khoa điều trị theo yêu cầu, khu dịch vụ của BV công cũng không còn giường, bệnh nhân phải nằm hành lang. Trong khi đó, đa số BV tư có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tốt, chuyên môn cao, y - bác sĩ tận tâm, mô hình quản lý hiện đại, giá thành không cao… nhưng lại vắng bệnh nhân” - bà Tiến nói.

Dẫn chứng hàng loạt nghịch lý về BV công - tư, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết 10 năm qua (2004 - 2014), số lượng BV tư nhân tăng gấp 4 lần, từ 40 BV lên 170 BV. Tuy nhiên, tổng số giường bệnh ở các BV tư nhân mới chỉ chiếm 4,2% tổng số giường bệnh trên toàn quốc.

Tỉ lệ bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các BV tư chỉ chiếm từ 6%-7% tổng số bệnh nhân đến điều trị nội, ngoại trú hằng năm của cả nước. Đặc biệt, công suất sử dụng giường bệnh của các BV tư đạt 40%-60%, trong khi BV công là 90%-110%.

Tại TP HCM, đơn cử quá tải tại BV công như: BV Chợ Rẫy công suất giường bệnh 135%, có khoa tới 170%; BV Ung Bướu TP HCM tỉ lệ quá tải ở Khoa Nội là 350%, 1 giường nhưng nằm chung từ 4-5 bệnh nhân...

Các bệnh nhân nằm chen chúc ngoài hành lang Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCMẢnh: NGUYỄN THẠNH
Các bệnh nhân nằm chen chúc ngoài hành lang Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCMẢnh: NGUYỄN THẠNH

Sợ đụng quyền lợi nhóm

Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc BV Hợp Lực (Thanh Hóa), cho biết một số BV công dù quá tải nhưng vẫn không muốn chuyển bệnh nhân sang BV tư vì sợ đụng quyền lợi nhóm. Đồng quan điểm, đại diện của BV Cửa Đông (Nghệ An) cho rằng vì gắn với quyền lợi nên rất khó có chuyện BV công chuyển bệnh nhân cho BV tư.

Nhiều ý kiến từ khu vực BV tư khẳng định có rào cản vô hình nhưng rất bền vững, đó là các BV công không muốn chia sẻ lợi ích. “Khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ BV công đang quá tải có muốn chia bớt số lượng bệnh nhân cho nơi khác hay không. Trên thực tế, vì phải tự chủ tài chính nên cho dù đã quá tải, BV công vẫn muốn nhận càng nhiều bệnh nhân càng tốt để cân đối thu - chi” - đại diện một BV công nhận định.

Thừa nhận có hiện tượng “rào cản ngầm” đang tồn tại giữa BV công với BV tư, ông Lương Ngọc Khuê khẳng định Bộ Y tế sẽ ra chính sách quyết liệt để giảm tải BV công, xây dựng đề án hợp tác công - tư theo nguyên tắc đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu. Tuy nhiên, ông Khuê cũng đề nghị các BV tư cần nâng cao năng lực thiết bị, nhân lực để tạo được sự tin cậy từ người bệnh.

Rào cản giá viện phí

Một trong những vấn đề mà dư luận lo ngại về tính khả thi trong hợp tác giữa BV công và tư là giá dịch vụ khám chữa bệnh của BV tư cao hơn BV công.

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết đến năm 2018, các BV công mới áp dụng giá viện phí tính đúng, tính đủ còn tại thời điểm này, giá viện phí mới chỉ tính 3/7 yếu tố. Trong khi đó, các BV tư hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên được  tự công bố giá thu bù chi. Do vậy,  các BV công - tư khi hợp tác cần phải đưa ra một mức giá phù hợp, có lợi cho bệnh nhân.

Nhìn nhận vấn đề giá dịch vụ y tế cao cũng là rào cản đối với người bệnh có thẻ BHYT, ông Vũ Thế Hùng, BV Đa khoa Tràng An (Hà Nội), cho rằng người bệnh có thẻ BHYT khám chữa bệnh tại các BV tư chỉ được thanh toán 30% tổng chi phí, tương ứng với những bệnh nhân vượt tuyến. Do đó, nếu trường hợp bệnh nhân phải chi trả từ 80-90 triệu đồng cho các phẫu thuật lớn, sẽ buộc phải cân nhắc lựa chọn BV công hay tư.

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chế độ BHYT, BHXH Việt Nam - cho biết rất khuyến khích y tế tư nhân đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Ông Sơn đề nghị Bộ Y tế có tiêu chí xếp hạng BV tư, đừng để long đong theo kiểu đầu năm xếp hạng 2, cuối năm lại xuống hạng 4 bởi xếp hạng BV quyết định mức giá dịch vụ, danh mục thuốc được BHYT thanh toán, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ việc BV tư đang gặp khó khăn trong xây dựng thương hiệu vì ra đời sau. Giá dịch vụ y tế tư nhân cao hơn vì phải lo trả lương cho nhân viên, tiền thuê đất đai, mặt bằng, đầu tư ban đầu. Mặt khác, y tế tư nhân còn hạn chế về phát triển kỹ thuật, trang thiết bị. Theo bà Tiến, Bộ Y tế sẽ có cơ chế để các BV công đầu ngành chuyển giao kỹ thuật cho BV tư, tăng sự lựa chọn từ người bệnh. “Tới đây, một số BV công sẽ thí điểm viện phí tính đúng, tính đủ 100% chi phí như BV tư. Đặc biệt, các BV công phải vay vốn mua máy, tự quản lý vận hành, hạn chế việc phối hợp với tư nhân đặt máy chia chác lợi nhuận” - bà Tiến nói. 

Quy định gây khó cho hợp tác công - tư

Theo PGS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, vướng mắc lớn nhất hiện nay khi triển khai mô hình hợp tác giữa các BV công - tư là giờ làm việc của bác sĩ.

Bác sĩ BV công trong giờ hành chính không thể đi làm việc ở BV tư, trong khi nhu cầu của BV tư cũng tập trung trong giờ làm việc. “Đã có một số bác sĩ tại BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM bị Sở Nội vụ “tuýt còi” do vi phạm quy định giờ giấc nói trên” - ông Bỉnh dẫn chứng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo