Phóng viên: Việc công khai danh tính người mua dâm được đề cập từ nhiều năm qua, mới đây, TP Hà Nội lại đề xuất tiếp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thời gian qua chưa thực hiện được giải pháp này do không khả thi. Vậy theo ông, nguyên nhân là gì và có nên thực hiện đề xuất này?
- TS Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, đây là vấn đề khó do tính chất và phương thức hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi; hơn nữa, nó còn bị chi phối bởi đạo đức, lối sống của một nhóm người lười lao động, đua đòi, muốn kiếm nhiều tiền bằng mọi cách, kể cả bán thân. Ngoài ra, một phần còn do tình trạng thiếu hoặc không có việc làm. Vì vậy, công khai danh tính người mua dâm là rất cần thiết. Việc này lâu nay chưa thực hiện được vì chúng ta chưa tuân thủ pháp luật và tổ chức triển khai không triệt để. Từ lâu, tôi đã đề xuất công khai danh tính người mua dâm để bảo đảm công bằng trong xử lý giữa người mua và người bán vì có cung mới có cầu và ngược lại.
Có ý kiến cho rằng việc công khai danh tính người mua dâm sẽ phá vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến tương lai con cái của họ?
- Việc công khai danh tính được áp dụng có thể dẫn đến các hệ lụy xã hội khác như ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tương lai của những đứa trẻ hoặc sự kỳ thị của làng xóm, cơ quan, đồng nghiệp… vì hành vi của người mua dâm là trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục. Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt hoặc tan vỡ vì chính bản thân họ không chung thủy, không tôn trọng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Vì vậy, tôi rất ủng hộ công khai danh tính người mua dâm.
Công khai danh tính người mua dâm có vi phạm quyền nhân thân và có giảm được tệ nạn mại dâm không, thưa ông?
- Tôi không nghĩ vi phạm quyền thân nhân vì các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng... Như vậy, việc giữ bí mật đời tư là quyền công dân và quyền con người được pháp luật ghi nhận. Nhưng một hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng thì không thể áp dụng quy định này. Điều 38 Bộ Luật Dân sự cũng đã dự liệu về vấn đề này và cho phép việc công bố thông tin tư liệu về đời tư của cá nhân theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Do vậy, công khai danh tính người mua dâm là hoàn toàn phù hợp với pháp luật, không vi phạm quyền nhân thân. Nếu công khai danh tính người mua dâm chắc chắn sẽ giảm được tệ nạn mại dâm.
Theo ông, có nên hợp pháp hóa hoạt động mua bán dâm ở Việt Nam không vì thực tế, có cầu thì mới có cung?
- Chúng ta đã bàn nhiều đến vấn đề có nên hợp pháp hóa hoạt động mua bán dâm nhưng đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục và chưa được xã hội thừa nhận. Do vậy, việc công khai hình thức mua bán dâm còn khó trong tâm thức, trong suy nghĩ của mọi người. Theo tôi, chúng ta chưa nên hợp pháp hóa hoạt động mua bán dâm.
Không thừa nhận hình thức mại dâm thì phải áp dụng các biện pháp để ngăn chặn như kết hợp xử phạt nặng với công khai danh tính người mua dâm. Đồng thời, gia đình, xã hội, nhà trường, các tổ chức chính trị - xã hội đồng hành thực hiện công tác giáo dục, truyền thông rộng rãi có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà nước có chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập. Chính quyền các cấp phải làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, tình trạng việc làm, nghề nghiệp, di chuyển dân cư và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn; có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nạn mại dâm. Gia đình phải quản lý tốt các thành viên trong gia đình.
Liên quan đến đời tư phải thận trọng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (V19) - Bộ Công an, cho biết mua dâm là hành vi vi phạm hành chính và việc xử phạt như thế nào phải tuân thủ theo tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo TS Quân, thời gian qua, đã có nhiều hướng đánh giá khác nhau trong việc xử lý đối với người bán dâm và mua dâm. Những người muốn răn đe mạnh luôn đề nghị công khai danh tính người mua dâm. “Nhưng nhìn chung, theo quy định của pháp luật, cái gì liên quan đến bí mật cá nhân, đến quyền con người thì phải do luật quy định. Nếu Hà Nội có đề xuất với Quốc hội như vậy khi xây dựng Luật Phòng chống mại dâm thì còn phải trải qua trao đổi nghiệp vụ tại rất nhiều cấp, ngành liên quan và đánh giá tác động nhiều mặt. Trước mắt, các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm hành chính phải theo đúng tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật này không quy định thì chưa thể làm được. Chúng ta phải nhìn nhận rằng việc gửi thông báo công khai danh tính như vậy sẽ tác động đến rất nhiều mặt nên phải nghiên cứu, cân nhắc thận trọng, để tránh lợi bất cập hại” - ông Quân nói và cho biết sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì tất cả các luật khác có độ “vênh”, trong đó có cả Pháp lệnh về phòng chống mại dâm, cũng phải được sửa đổi để phù hợp với tinh thần của luật này.
Trong khi đó, một lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Tư pháp cho biết đến nay chưa nắm được đề xuất của Hà Nội nhưng trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian tới chưa có luật về phòng chống mại dâm. Chính vì thế, đề xuất của Hà Nội gửi Quốc hội, nếu được đưa ra xem xét thì cũng phải sau vài năm nữa.
Ông Lê Đức Hiền, Cục phó Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết việc công khai danh tính người mua dâm là một trong các giải pháp trong số rất nhiều giải pháp được các địa phương đề xuất. Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ ghi nhận và yêu cầu xem xét kỹ lưỡng.
Theo ông Hiền, việc này liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý khác, cần phải được nghiên cứu, tiếp thu. Trên thế giới, hầu hết các quốc gia cũng không sử dụng biện pháp này. Ông Hiền khẳng định công khai danh tính người mua dâm không phải là vấn đề quá mới. Nó được tranh luận từ trước đó song việc này rất tế nhị và phải nghiên cứu tác dụng cũng như hệ lụy của nó. “Trên thực tế, công khai danh tính người mua dâm ngoài răn đe cũng tính đến các hệ lụy khác. Cần phải xem mặt được, mặt mất một cách thấu đáo. Sẽ như thế nào nếu hệ quả của nó gây ảnh hưởng xấu tới xã hội khi xuất hiện danh tính người mua dâm khắp nơi? Nếu cần thiết phải làm thí điểm để đánh giá thì mới ủng hộ hay không ủng hộ được” - ông Hiền thận trọng.
T.Kha - N.Quyết
Bình luận (0)