Hôm 6-5, ông Nguyễn Thọ Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Thương mại Vận tải Mỹ Hưng, sử dụng thuê bao số 09823xxxxx của mạng Viettel, đã liên lạc với phóng viên Báo Người Lao Động để bày tỏ bức xúc vì ông không hề sử dụng dịch vụ internet 3G trên điện thoại mà vẫn bị nhà mạng này tính cước một cách vô lý.
Khiếu nại cụ thể, trả lời lấp lửng
Theo ông Trường, ngày 13-2, ông đến Chi nhánh Viettel tại TP HCM làm thủ tục đăng ký dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming) vào mạng của Singapore trước khi sang nước này công tác. Sau chuyến đi từ ngày 14 đến 16-2, ông Trường nhận được hóa đơn thanh toán cước điện thoại từ nhà mạng Viettel lên tới 2.640.957 đồng chỉ cho 3 ngày sử dụng, trong đó cước truy cập data 3G lên tới 559.757 đồng. Ông Trường một mực khẳng định chỉ liên lạc bằng điện thoại về Việt Nam chứ hoàn toàn không truy cập mạng internet 3G. Nhưng khi xem lại bảng in cước phí chi tiết, ông Trường mới tá hỏa với những lần truy cập internet hết sức vô lý. Cụ thể, liên tục từ lúc 18 giờ 43 phút đến 23 giờ 52 phút ngày 14-2, ông bị nhà mạng tính truy cập đến 50 lần. Tương tự, trong ngày 15-2, từ 0 giờ 2 phút đến 21 giờ 2 phút, nhà mạng tính ông truy cập đến 55 lần(!). “Tôi sang Singapore 2 ngày để công tác chứ đâu phải để lên mạng với gọi điện thoại mà Viettel tính cước của tôi nhiều đến vậy. Nhất định có sự nhầm lẫn nào đó” - ông Trường bức xúc.
Ông Trường cho biết do thấy việc tính cước quá vô lý nên ông đã khiếu nại đến nhà mạng Viettel đề nghị làm rõ việc ông đã mua gói cước 3G với mức 70.000 đồng/tháng. Khi sang Singapore, điện thoại của ông không hề bật 3G, không truy cập internet trong 2 ngày nhưng ở đâu lại “mọc lên” số lần truy cập khủng như vậy?
Thay vì phải giải đáp những thắc mắc của thuê bao, ngày 11-4, ông Lê Đức Tuyến, Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel tại TP HCM, lại có văn bản thông báo với ông Trường rằng công ty đã đối chiếu, rà soát dữ liệu từ đối tác và khẳng định kết quả trên hóa đơn của ông Trường là hoàn toàn chính xác. Cũng trong văn bản này, ông Tuyến không đề cập việc thuê bao khiếu nại về những bất hợp lý mà ai cũng dễ dàng thấy khi lượng truy cập internet liên tục trong 2 ngày mà chỉ trả lời rất chung chung về giá cước roaming.
Không xài vẫn tính cước
Một trường hợp khác là ông Hồ Chí Thánh (ngụ số 9 Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP HCM) cũng khiếu nại về việc tính cước internet 3G của nhà mạng.
Ông Thánh cho biết trước giờ vẫn dùng gói cước 3G FCU 70 của MobiFone, giá cước 70.000 đồng/tháng. Chu kỳ tính cước hằng tháng vào ngày 28. Tuy nhiên, đến ngày 28-3, khi kết thúc chu kỳ tính cước của tháng cũ, do chưa đăng ký sử dụng tiếp nên nhà mạng MobiFone ngưng cung cấp dịch vụ. Ngày 2-4, ông Thánh vào trang web MobiFone để đăng ký sử dụng tiếp dịch vụ 3G thì một thông báo xuất hiện với nội dung “tin tài khoản đã bị trừ 70.000 đồng”. Ông Thánh cảm thấy vô lý vì trong vòng 5 ngày (từ 28-3 đến 1-4) MobiFone không cung cấp dịch vụ 3G nhưng vẫn trừ cước phí. Ông thử hủy gói cước cũ để đăng ký mới thì bị trừ thêm 70.000 đồng nữa. Như vậy, mặc dù không sử dụng dịch vụ 3G từ ngày 28-3 đến 2-4 nhưng ông Thánh vẫn bị tính cước đến 2 lần. Không đồng ý với cách trừ tiền oan, ông Thánh gọi điện thoại vào tổng đài giải đáp thông tin của MobiFone. Tại đây, một nhân viên của MobiFone cho biết do ông đã đăng ký dịch vụ 3G và sau đó tự hủy rồi đăng ký lại nên phải chịu mất phí 2 lần. Việc này hệ thống của MobiFone đã tính đúng và không hoàn trả tiền cho khách hàng.
Theo ông Thánh, khi nhà mạng không cung cấp dịch vụ thì họ không thể tính tiền, đó là quan hệ sòng phẳng chứ không dựa vào máy móc để khẳng định rằng hệ thống tính thì không sai. “Họ nói hệ thống của MobiFone đã tính đúng không khác gì đánh đố khách hàng vì khách hàng làm sao kiểm chứng?” - ông Thánh đặt vấn đề.
Lâu nay, không riêng gì MobiFone, các mạng di động khác cũng đều dựa vào máy móc mà tính sai tiền cho khách hàng không phải là ít. Mặc dù bị mất tiền một cách oan uổng, phần lớn khách hàng vẫn phải chịu thua nhà mạng bằng cách “bấm bụng” trả tiền nếu không muốn bị cắt liên lạc.
Nhà mạng im lặng
Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với Viettel và MobiFone để tìm câu trả lời về trường hợp của những khách hàng song đã nhiều ngày trôi qua, 2 nhà mạng vẫn chưa phản hồi chính thức.
Có hay không việc 2 nhà mạng “ăn gian” cước của khách hàng là câu hỏi đặt ra không chỉ từ 2 trường hợp điển hình này mà còn là dấu hỏi lớn của hàng triệu “thượng đế” hằng ngày vẫn đang sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng của nhà mạng với giá cả ngày càng tăng nhưng chất lượng thì lại đi xuống.
Bình luận (0)