Bước lên 100 bậc tam cấp ở gò A1 Khu Di chỉ khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi có cảm giác như lạc vào mê cung của các thần linh. Tại những đền, tháp, hình ảnh các vị thần được tái hiện dày đặc qua các bức tượng, vật thờ, phù điêu: Từ “Tam vị nhất thể” trong tôn giáo Bà la môn đến các vị thần, vũ nữ và thầy tu; bò thần Nandin, ngỗng Hamsa, voi Airavanta, khỉ Hanuman, trâu, ngựa, heo, chim, cá; các biểu tượng hoa sen, đinh ba, bánh xe luân hồi…
Đa dạng lịch sử, văn hóa
Tất cả đều phản ánh thế giới tâm linh huyền bí, sống động mà ở đó, yếu tố đa thần, phồn thực là nét chủ đạo, coi âm lực và dương lực là nguồn gốc của sự sống và sáng tạo. Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng Ban Quản lý di tích Cát Tiên, cho rằng thánh địa này là bằng chứng hùng hồn về một nền văn minh rực rỡ từng tồn tại dưới chân dãy Nam Trường Sơn cách nay nhiều thế kỷ.
Tư liệu khai quật khảo cổ cho thấy văn hóa Cát Tiên có quá trình lịch sử phát triển khá dài. Theo các nhà khảo cổ, Thánh địa Cát Tiên ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ giáo. Quá trình phát triển của văn hóa Cát Tiên có mối quan hệ gần gũi với văn hóa Chăm Pa ở Nam Trung Bộ và văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ. Những yếu tố văn hóa vật chất: gạch, ngói và các loại đồ gốm: bình, vỏ, vòi Kendi... lại ảnh hưởng từ văn hóa Chân Lạp; chưa kể các yếu tố văn hóa tinh thần phong phú như ngẫu tượng Linga - Yoni, hình ảnh những vị thần, linh vật…
Từ những yếu tố trên, sinh thời, GS sử học Trần Quốc Vượng đã nhận định di tích khảo cổ Cát Tiên có tính “đứng giữa” và “nó là chính nó”. Theo ông, ở phía Nam Chăm Pa còn có một “tiểu quốc” là vương quốc người Mạ, sống chủ yếu ở lưu vực Đồng Nai (thượng - hạ). Qua các cuộc khai quật, khảo cổ sau năm 1975, người ta lại biết về một nền văn hóa khác (khác Đông Sơn, khác Sa Huỳnh) phát triển trước và sau Công nguyên không kém phần rực rỡ. Tiểu quốc này nằm ở vùng Đồng Nai giáp ranh Bình Thuận, La Ngà (Đồng Nai), Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (Lâm Đồng) và lấy sông Đồng Nai là “xương sống”, trong đó tiêu biểu có Thánh địa Cát Tiên, thành Kèn (Biên Hòa), cảng Thị (Cần Giờ)…
Trên 265 mảnh vàng khai quật được ở Khu Di chỉ khảo cổ Cát Tiên thể hiện những chủ đề liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và các văn tự cổ. Từ những hiện vật đã tìm thấy, các nhà khoa học xác định đây là thánh địa Bà la môn giáo được kiến tạo trong khoảng thời gian từ thế kỷ VII đến thế kỷ XI, phân bổ trên một phạm vi rộng khoảng 120 km2.
Theo PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, Cát Tiên là di tích có nhiều hiện vật, chế tác từ nhiều loại chất liệu có giá trị nhất không những ở Ðông Nam Bộ mà cả vùng đất phương Nam.
“Đây là lần đầu tiên khu lò gạch cổ sản xuất quy mô lớn được phát hiện. Cái khuôn dùng để đúc những hiện vật bằng đồng mang ý nghĩa nghi lễ cũng là hiện vật mà trước đây chưa từng phát hiện trong các di tích ở Việt Nam. Lần đầu tiên ở Tây Nguyên tìm thấy di tích cư trú của con người thời đại đồng thau cách đây gần 4.000 năm. Điều đó chứng minh thung lũng màu mỡ này từ rất sớm đã thu hút được cư dân thời tiền sử đến khai phá…” - ông nhận xét.
Sự hấp dẫn kỳ lạ
Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị khảo cổ Cát Tiên” vào tháng 12-2014, bà Hồ Thị Thanh Bình, Bảo tàng Lâm Đồng, cho rằng Thánh địa Cát Tiên hội đủ những phẩm chất cơ bản của di sản văn hóa thế giới. Quần thể kiến trúc tháp, đền tháp, đền thờ, mộ táng đồ sộ từ hơn 10 thế kỷ trước nay được khai quật từ lòng đất đã là một sự hấp dẫn kỳ lạ, trở thành đối tượng nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thán phục của nhiều người…
“Công trình xây dựng khu bảo tồn và nhà trưng bày cổ vật đang được triển khai ở Thánh địa Cát Tiên, đáp ứng phần nào mong mỏi của giới nghiên cứu cũng như du khách trong và ngoài nước” - bà Bình nhận xét.
Trong hội thảo gần đây nhất diễn ra vào tháng 12-2016 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với chủ đề “Di tích khảo cổ Cát Tiên trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn 2030”, TS Phạm Hữu Mý, ĐHQG TP HCM, lại cho rằng Thánh địa Cát Tiên là do cư dân bản địa vùng này tạo nên, trong đó chủ yếu là đồng bào người Mạ.
“Nhân lúc Phù Nam suy sụp, bị Chân Lạp thôn tính và nhân Chân Lạp nội bộ bất đồng, tranh chấp, họ đã lập nên tiểu quốc của mình. Đó là tiểu quốc của người Mạ và họ là chủ thể của khu Thánh địa Cát Tiên. Khi phát triển lớn mạnh, người Mạ còn đến chiếm lĩnh và sinh sống ở những vùng đất ngày nay như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả TP HCM…” - TS Mý nêu giả thuyết.
Hàng chục năm qua, Thánh địa Cát Tiên đã thu hút nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khảo cổ hàng đầu Việt Nam đến nghiên cứu. Nhiều hội thảo khoa học và diễn đàn được mở ra nhưng chủ nhân và niên đại của di tích vẫn còn là điều bí ẩn. Có người bảo đây là vương quốc Mạ, người khác nói có thể là tiểu quốc của Phù Nam, lại có ý kiến cho rằng đây là một quốc gia từng tồn tại song song với Phù Nam, Chân Lạp…
Kỳ tới: Bài toán bảo tồn - khai thác
Thách thức giới khoa học, khảo cổ
Bên cạnh một vài vấn đề đã được mổ xẻ, nhiều yếu tố của Thánh địa Cát Tiên đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. “Mê cung thần linh” thuộc về quốc gia nào trong lịch sử và chủ nhân thực sự của nó là ai? Lý do nào khiến nó sụp đổ và chìm vào quên lãng? Hệ thống văn tự cổ mà người xưa đã viết trên những lá vàng được các nhà khảo cổ khai quật có ý nghĩa như thế nào…?
Những bí ẩn ấy không chỉ thách thức các nhà khoa học, khảo cổ trong và ngoài nước mà còn kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng, phán đoán của những người mê khám phá, tìm hiểu.
Bình luận (0)