Sáng 6-9, tiếp xúc với các phóng viên, 3 thiếu niên người dân tộc Xê Đăng gồm Hồ Văn Bâng (SN 1994), Hồ Văn Điếu (SN 2000) và Hồ Văn Đôi (SN 2001), cùng ngụ nóc Tu Dí, thôn 4 xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa hết lo sợ.
Cả ba kể lại, cách đây khoảng 1 tháng rưỡi, một người phụ nữ tên Năm ở cùng thôn đến nhà thuyết phục đưa đi làm với lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”. Sau đó, Bâng, Điếu và Đôi được đưa đến làm việc tại trại gỗ của người đàn ông tên Phước (xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Khác với lời hứa, tại đây, cả ba phải làm những công việc nặng nhọc như vác gỗ, trồng keo, phát rẫy, nuôi heo…, với thời gian ít nhất 10 giờ/ngày. Lao động vất vả, ăn uống không đảm bảo nhưng khi làm được hơn 1 tháng, chủ trại gỗ không trả 3 triệu đồng tiền lương tháng như thỏa thuận mà hứa hẹn làm đến Tết mới trả.
Không chịu nổi cực nhọc, cả ba nhiều lần xin được nghỉ làm nhưng chủ trại gỗ không cho, thu hết điện thoại và dọa đánh đập nếu bỏ trốn.
Rạng sáng 4-9, sau khi lên phương án bỏ trốn, cả ba nấu cơm ăn rồi lẳng lặng băng rừng rời trại gỗ. Sau hơn 3 giờ trốn chạy, các thiếu niên này hỏi đường đi thì tình cờ gặp được một công an viên của xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức và được đưa về trụ sở công an, sau đó bàn giao cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Văn Thoại, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam, cho biết khi được đưa đến trung tâm, tinh thần ba thiếu niên này rất hoảng loạn. Hiện trung tâm vẫn đang chăm sóc để các em ổn định tinh thần, rồi bố trí phương tiện để đưa về địa phương. Theo ông Thoại, trung tâm sẽ đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc điều tra có hay không việc ép buộc trẻ vị thành niên lao động nặng như lời các em kể.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng phát hiện có nhiều thanh thiếu niên tại huyện miền núi Nam Trà My bị dụ dỗ đưa đi lao động nặng.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, cuối tháng 6, Phòng Cảnh sát ĐTTP về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Quảng Nam nhận được tin báo từ gia đình các em Hồ Văn Tuấn, Hồ Văn Giáp (cùng SN 2001; ngụ xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My; HS Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Trà My) cho biết các em được bà Nguyễn Thị Kim D. (SN 1967; quê tỉnh Thanh Hóa; ngụ xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) dẫn lên tỉnh Lâm Đồng làm việc với lời hứa hẹn mức lương cao nhưng lại bị bóc lột sức lao động trong khi gia đình không liên lạc được. Cùng đi với Tuấn và Giáp còn có Nguyễn Thành Quốc và Nguyễn Thành Tưởng nhưng 2 em này đã trốn được về nhà.
Vào cuộc xác minh, PC45 xác định các em được bà D. đưa vào tỉnh Lâm Đồng sau đó giao cho một công ty chuyên môi giới việc làm, công ty này tiếp tục giới thiệu các em cho các chủ sử dụng lao động khác để làm việc. Ngoài 2 em Tuấn và Giáp, PC45 còn phát hiện và “giải cứu” 5 trẻ em khác đang bị buộc phải lao động nặng nhọc.
Bình luận (0)