Trời vừa sáng, khi ông Võ Văn Kèn (60 tuổi) - trưởng thôn tái định cư (TĐC) vạn đò Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế - vừa cập chiếc ghe vào bờ, bước vào nhà thì một số người dân đã ngồi chờ sẵn, tay cầm giấy tờ, hộ khẩu... để nhờ ông viết đơn giùm.
Như dân chuyên nghiệp
Chưa kịp rửa mặt, còn mang bộ áo quần tanh mùi cá, ông Kèn ngồi ngay vào bàn và bắt đầu công việc của một trưởng thôn. Ông bảo rằng phải làm sớm để người dân tranh thủ lên xã giải quyết công việc. Thế rồi từng người một nói mục đích, đưa giấy tờ để ông thảo đơn, chủ yếu là xin tách hộ, khai sinh cho con…
Sinh ra cùng vùng sông nước, 4 đời sống cảnh vạn đò trên sông Hương nhưng ông Kèn may mắn được cha mẹ cho đi học tới lớp 7 nên trở thành người biết chữ nhiều nhất thôn. Dù trình độ không cao nhưng như một người chuyên công văn, giấy tờ của ngành tư pháp, chỉ nghe trình bày yêu cầu là ông cặm cụi ngồi viết rồi đưa cho người dân điểm chỉ. “Dân ở đây trình độ còn thấp, rất nhiều người không biết chữ nên cứ liên quan đến giấy tờ là nhờ tôi giúp. Tôi làm riết thành quen” - ông Kèn cho biết.
Thôn Lại Tân có 337 hộ với 2.890 khẩu, trước đây sống lênh đênh trên những con đò nhỏ dọc các phường Vĩ Dạ, Phú Bình, Phú Hiệp (TP Huế) và được đưa về đây định cư từ năm 2009. Ông Kèn kể khi vừa từ dưới đò chuyển về Lại Tân ở, hầu như ngày nào trong thôn cũng xảy ra đánh nhau giữa các nhóm thanh niên vạn đò với người dân bản địa và lần nào cũng vậy, dù sáng sớm hay đêm khuya, ông cũng phải có mặt để can thiệp. Tuy nhiên, việc giải quyết mâu thuẫn đánh nhau không khổ bằng chuyện ông phải ngồi viết bản tự khai cho các thanh niên trong thôn mỗi lần bị công an mời lên làm việc. “Các thanh niên vạn đò đa số ít chữ. Công an yêu cầu viết bản tự khai thì tôi phải ngồi nghe chúng nó kể lại rồi cặm cụi viết cho từng đứa một, mà mỗi lần đánh nhau là lên đến vài chục đứa chứ không phải một vài đứa” - ông Kèn nhớ lại.
Bị vợ “từ chối” cũng gọi trưởng thôn
Tại khu TĐC vạn đò Lại Tân, người dân được chính quyền đưa vào ở trong các khu nhà liền kề. Nhà nhỏ, nhiều gia đình có 3-4 cặp vợ chồng, con cái sinh sống với nhau nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Khi thì nội chiến, khi thì ngoại chiến mà nguyên nhân nhiều lúc chỉ vì chuyện chăn gối.
“Có một đêm, trời mưa to lắm. Tôi chuẩn bị đi ngủ thì một chị chạy tới gõ cửa kể khổ, nói chồng gây chuyện vì chị ta từ chối không cho quan hệ” - ông Kèn kể. Ông tìm tới nhà thì thấy người chồng đang “vung rá đá kiềng”. Chuyện là sau khi nhậu say bét nhè, người chồng về nhà một hai đòi vợ đáp ứng nhu cầu. Thấy chồng mình nồng nặc bia rượu, người vợ từ chối thế là bị ông chồng sỉ vả đủ điều. Tức quá, chị vợ đôi co lại nên cuộc khẩu chiến nổ ra làm hàng xóm láng giềng cũng phát ức vì mất ngủ. “Những trường hợp trên không phải là hiếm ở thôn này. Khi thì vợ, lúc thì chồng tìm đến cậy nhờ, tôi phải đứng ra lựa lời khuyên giải để làm dịu ông chồng. Ngày hôm sau, đợi ông chồng hết say lại gọi tới giải thích tiếp” - ông Kèn nói.
Vác gia súc, rượu phạt đi chuộc tội ngoại tình
Ông Phạm Văn Lang - trưởng thôn Măng Đen, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi - cũng chuyên hòa giải chuyện vợ chồng nhưng chủ yếu liên quan đến việc “mèo mỡ” của các cặp vợ chồng trẻ.
Chúng tôi gặp ông Lang trong một buổi tiệc rượu hòa giải mối quan hệ vợ chồng giữa chị Phạm Thị Mén và anh Phạm Văn Bành. Sau khi nghe chị Mén trình bày chuyện chồng không lo làm ăn nuôi con mà cứ bỏ nhà đi với một phụ nữ khác, ông Lang đi vòng quanh con heo quay và ché rượu cần đặt giữa sàn nhà làm phép. “Từ nay, Bành không được phạm thói hư, tật xấu nữa, phải tự trách cái bụng của mình làm sai, có lỗi với vợ con… Bành phải có trách nhiệm nộp phạt cho làng một con heo và ché rượu cần để xóa đi tội lỗi của mình đã phạm. Sau khi nộp phạt xong, vợ chồng phải sống hài hòa, không được tái phạm chuyện cũ”. Sau tuyên bố của ông Lang, những người đến dự cùng vui vẻ tiệc rượu. “Hơn 10 năm làm trưởng thôn ở đây, tôi đã làm ông tơ bà mối cho hàng trăm cặp vợ chồng, hòa giải hàng chục cặp vợ chồng xích mích với nhau trong chuyện “mèo mỡ”. Thậm chí có trường hợp chồng giận vợ bỏ nhà đi vào Gia Lai, Kon Tum, mình cũng phải cất công đi tìm, vận động họ trở về với vợ con” - ông Lang kể.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-7
“Ngân hàng” tên sắp cạn
Không chỉ chuyện đơn từ, cứ mỗi lần có con, có cháu, người dân thôn Lại Tân lại tìm đến ông trưởng thôn Võ Văn Kèn cậy nhờ đặt tên. “Do quá đông con lại mù chữ nên họ chỉ đặt cho con mình những cái tên theo con vật cho dễ nhớ. Đến khi làm giấy khai sinh, tìm đến tôi, bây giờ “ngân hàng” tên của tôi sắp cạn rồi” - ông Kèn nói vui. Chị Huỳnh Thị Kim Oanh (31 tuổi), người được ông đặt tên, cho biết khi có con, chị cũng đến nhờ ông Kèn. “Hầu như đứa trẻ nào sinh ra trên sông nước ở Vĩ Dạ cũng do ông đặt tên cả, những cái tên rất ý nghĩa và không bao giờ trùng nhau” - chị Oanh cho biết.
Bình luận (0)