Nhìn thấy tôi, anh gật đầu chào. Nụ cười trên môi anh thật tươi và anh cố nói cho tròn câu : "Co...n c..h...ào ch...ú". Đáp lại lời chào, nụ cười thân thiện, tôi đến ngồi gần bên anh và hỏi: "Hôm nay con có bài thơ nào mới không?". "Dạ ... c... ó!". Một chân anh dạo trên bàn phím. Màn hình thay đổi liên tục rồi dừng lại. "N...è c...h...ú".
Tôi liếc mắt nhìn vào. Một bài ngũ ngôn gồm 7 đoạn 26 câu. Bài thơ có tựa: "Tình thương yêu các anh chị dành cho em". Đoạn mở đầu: "Tòa huyện xử xong rồi / Nay lại đến tòa tỉnh / Cốt nhục với thâm tình / Thế nhân ơi có thấu?".
Anh là Phạm Thanh Tùng, 34 tuổi hiện cư ngụ tại KP Minh Long thị trấn Minh Lương (H. Châu Thành, Kiên Giang). Anh bị nhiễm chất độc da cam ngay trong bụng mẹ và mất sức lao động đến 85%.
Tùng hiện ở với người anh kế, Phạm Văn Sơn. Sơn là người kề cận từ lúc Tùng mới lọt lòng mẹ. Tất cả mọi sinh hoạt của một người bình thường Tùng đều không thể làm được và Sơn đã giúp. Từ vệ sinh đến ăn uống, từ quần áo đến đi đứng một tay Sơn lo toan. Rồi lớn lên, 2 anh em vẫn quấn quít bên nhau.
Từ nhỏ đến lớn, Tùng chưa hề đến trường. Làm sao mà đi học được vì Tùng không thể tự đứng lên. Ngồi đã không vững thì làm sao mà đến lớp, Sơn kể cho chúng tôi nghe về Tùng.
Tùng viết thơ bằng chân trên chiếc laptop
Khi Tùng lớn, mẹ tập cho Tùng quen với 24 chữ cái. Rồi cứ thế mà mò mẫm. Chẳng ai biết Tùng mò mẫm như thế nào, chỉ biết sau một thời gian Tùng tiếp cận được với sách báo. Tùng đọc rất nhiều sách am hiểu rất nhiều chuyện. Có thể nói, kiến thức của Tùng đến hôm nay rất rộng.
Rồi Tùng tập làm thơ. Những bài thơ lúc đầu còn vụng về rồi khá dần lên để đến hôm nay, Tùng đã có mặt trên thi đàn Việt Nam.
Đạt được những thành quả như thế phải nói đến nghị lực phi thường và bộ óc quá thông minh của Tùng. Truyện Tam quốc diễn nghĩa dài như thế mà Tùng cũng đọc để trong bài thơ trên Tùng có đoạn: "Như chuyện thời Tam quốc / Anh em nhà họ Tào / Tào Thực bảy bước ngâm / Giữ an toàn tính mạng".
"Câu chuyện thời Tam quốc mà Tùng viết trong bài thơ không khác gì chuyện anh em chúng tôi bây giờ". Sơn trầm giọng buồn buồn kể cho chúng tôi nghe một quá trình gian nan hai anh em phải vượt qua bởi những người anh người chị của mình gieo cho biết bao khổ ải ...
Sơn và Tùng đang vui bỗng dưng sa sầm nét mặt khi nhắc đến chuyện nhà. Sơn cho biết, tòa huyện vừa tuyên án xong. Các anh chị không hài lòng với bản án giờ đã kháng cáo lên tòa tỉnh.
Câu chuyện gia đình của Sơn và Tùng chấn động cả tỉnh Kiên Giang. Hôm ấy, hình ảnh phiên tòa, ở hàng ghế bị đơn, một người ngồi trên ghế bên cạnh một người tật nguyền phải ngồi dưới đất đã làm xúc động biết bao người.
Người ngồi bệt dưới đất là Tùng và bên cạnh là Sơn có mặt trong phiên xử vào đầu tháng 5 tại TAND huyện Châu Thành, Kiên Giang. Cả 2 anh em vướng vào tranh tụng mà đau lòng hơn hết, những người khởi kiện lại chính là anh chị ruột của mình.
Tùng và Sơn trong căn nhà trọ
Sơn cho biết những năm cuối đời mẹ đã phân chia số tài sản mình có cho tất cả các con. Anh chị nào cũng có phần đã nhận, đã sang tên sở hữu. Lúc mẹ còn sống không ai có ý kiến gì cả. Thậm chí, sau khi mẹ chết chôn cất xong anh em họp lai đọc di chúc của mẹ cũng không ai bày tỏ điều gì. Thế mà, hai năm sau đó lại xảy ra kiện tụng sau nhiều lần hòa giải bất thành.
Mảnh đất mẹ cho Tùng để cho thuê lấy tiền sinh sống thì giờ đây do tranh chấp người thuê đã trả lại. Căn nhà đang ở cũng không thể ở được nên anh em phải đùm túm thuê nhà ở trọ. Trước đây, Sơn làm nghề lái xe nhưng từ khi xảy ra chuyện, Sơn phải ở nhà lo cho em nên việc mưu sinh lại càng vất vả hơn. Sơn không bỏ em vì đây là một phần máu mủ của mình.
Nhiều năm nay, hai anh và 4 chị chưa một lần ghé lại thăm Tùng. Với một đứa em không nguyên vẹn hình hài như thế anh chị nào nỡ đi tranh giành chút quyền lợi về phần mình. Đúng với luân lý Á Đông, sau khi cha mẹ mất đi, các anh chị phải là những người lo cho em vậy mà giờ đây, sau phán quyết của tòa án cấp huyện, bác bỏ hoàn toàn những đòi hỏi phi lý, những người anh người chị đó tiếp tục kháng cáo lên tòa tỉnh.
"Câu chuyện nó như thế đó chú ơi. Chú thấy có giống Tào Phi bắt chẹt em dưới thời Tam quốc không? Vì sợ Tào Thực tranh ngôi của mình, Tào Phi đã tìm cách hại em. Do Tào Thực có tài thơ phú nên Phi ra điều kiện đi 7 bước làm một bài thơ. Thực làm được khiến Phi bất ngờ nói tiếp, 7 bước là còn chậm. Ta cần ứng khẩu ngay một bài lấy đề tài là anh em nhưng cấm không được dùng 2 chữ đệ, huynh. Không chần chừ, Tào Thực đọc ngay: Củi đậu bung hạt đậu / Đậu trong nồi khóc kêu / Cùng sinh chung một gốc / Bức nhau chi đến điều? (bản dịch của Tử Vi Lang). Hai anh và 4 chị vốn cùng chung một gốc mà bức con đến thế, chú nghĩ sao?". Tùng hỏi tôi. Biết trả lời sao với Tùng đây khi tiền bạc đã khiến họ quên cả tình nghĩa anh em.
Bình luận (0)