Một đêm khuya đầu tháng 8-2010, dưới cơn mưa tầm tã, chị N.T.T.H (ngụ đường Trần Thánh Tông, phường 15, quận Tân Bình - TPHCM) lầm lũi đạp xe rảo khắp các tiệm net ở gần đó và quận Gò Vấp để tìm con trai tên là T.M.C. Chị H. không nhớ nổi đây là lần thứ mấy chị lui tới các tiệm net để tìm con.
Không nên để trẻ chơi game bạo lực hoặc chơi game trong thời gian quá lâu. Ảnh: Tấn Thạnh
Nước mắt người mẹ
Dừng xe trước cửa một tiệm net trên đường Huỳnh Văn Nghệ (quận Tân Bình), chị H. bần thần vì không tìm thấy con. Biết chuyện, tôi đến động viên chị H., chị liền khóc òa vì tủi thân. “Ba thằng C. quanh năm chỉ biết lo làm ăn và nhậu nhẹt. Nó bỏ học chơi game, ổng cũng mặc; khi biết nó ở lại lớp, ổng cứ nhằm tôi mà chửi. Tôi mà không kiếm được nó về thì không yên với ông ấy”.
Năm C. lên lớp 7, chị H. bắt đầu đưa đón con đi học hằng ngày. Đến cổng trường, chờ mẹ quay xe đi là C. phóng ngay ra tiệm net gần đó. Cuối năm học, cả nhà đau khổ vì C. ở lại lớp nhưng riêng C. thì vui ra mặt.
Mấy tháng hè là chuỗi ngày C. mài đũng quần để luyện game ở các tiệm net. Để con bớt bỏ nhà đi, chị H. nối mạng internet cho C. chơi ở nhà.
Tuy nhiên, chị chỉ cầm chân con được vào ban ngày, còn buổi tối, khi cha trở về trong tình trạng sặc mùi bia rượu thì C. liền bỏ ra tiệm net gần đó để tránh bị cha đánh.
Bất đồng quan điểm trong việc dạy con, tình cảm vợ chồng chị H. cũng rạn nứt, dù sống chung nhà nhưng nguội lạnh như người xa lạ.
Con dọa giết cha
Ông L.N, một cán bộ hưu trí quê tại TP Đà Nẵng, từng đeo bám ở các tiệm net quanh Trường ĐH Bách khoa TPHCM và Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam - nơi từng tổ chức các khóa cai nghiện game online.
Con trai ông - L.T.T - một thời là niềm tự hào của gia đình khi thi đậu cùng lúc 3 trường ĐH song bây giờ, ông N. không muốn ai nhắc đến T. nữa. Sau nhiều lần vào TPHCM tìm con, ông “tóm” được T. đang vùi đầu luyện game trong một tiệm net, sau đó đưa T. đến trung tâm cai nghiện.
Người cha già chưa kịp mừng thì cậu con trai đã biến mất sau khi lừa lấy của ông 400.000 đồng để trả nợ hàng quán. Trở ra Đà Nẵng, ông N. tuyên bố... từ con.
Vợ chồng bà Đ.T.L.A (thợ may) và ông N.Đ.Q (tài xế) ở quận Phú Nhuận - TPHCM cũng lục đục vì sự ngang ngược của N.Đ.Đ.T - đứa con trai mới học lớp 8. T. nghiện game online đến mức hoang tưởng nên thường xuyên giở thói côn đồ với những người thân trong gia đình.
Một lần, T. dùng gạch đập nhiều cái vào đầu cậu em trai, nếu không được người lớn phát hiện và can ngăn kịp thời thì có thể đã xảy ra hậu quả đau lòng.
Thấy tình hình bất ổn, vợ chồng bà A. - ông Q. “cưỡng chế” T., đưa vào Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam nhờ tư vấn cai nghiện. Tại đây, trước mặt các thầy cô, T. chỉ vào mặt cha và tuyên bố xanh rờn: “Tôi mà lớn lên thì ông... chết với tôi”. Bất bình trước sự hỗn hào của T., anh Nguyễn Thành Nhân, giám đốc trung tâm, đã dạy cho game thủ nhí này “bài học đầu tiên” bằng một cú tát thẳng cánh!
Theo sát con mỗi ngày
Theo bà Lê Thị Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Phương Đông, trong lúc xã hội chưa có biện pháp ngăn chặn game online hữu hiệu thì các bậc cha mẹ phải che chắn cho con em để ngăn chặn hậu quả. Mặc dù rất bận việc nhưng bà Thanh luôn để mắt tới cậu con trai đang học lớp 10.
“Nếu mình không chịu khó kèm sát thì con cái sẽ mặc sức chơi game và chuyện nghiện game trước sau gì cũng đến. Ở nhà tôi, máy vi tính được đặt tại một phòng chung và không được đóng cửa ra vào. Mỗi khi con hoàn thành các bài học thì tôi mới cho chơi game nhưng không quá 2 giờ/lần” - bà Thanh cho biết.
Trong thực tế, không ít bậc cha mẹ cũng dành nhiều sự quan tâm cho con như bà Lê Thị Thanh, song cũng còn nhiều gia đình bỏ mặc mọi sinh hoạt của con. Phần lớn họ bị động khi con tiếp xúc với game online và bất lực khi con bị nghiện “ma túy số”. |
Kỳ tới: Cha mẹ là lá chắn
Bình luận (0)