xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bí mật mộ “đô đốc Tây Sơn”

Bài và ảnh: QUỐC HẢI

Trong gia phả dòng tộc cũng như trên văn bia của ngôi mộ cổ đều ghi chức vụ của người quá cố là “đại đô đốc”. Căn cứ vào sử sách cũng như những vết tích trong mộ đều cho phép suy đoán ông từng là một vị quan thời Tây Sơn. Song, thực hư cần được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ

Việc phát lộ một ngôi mộ cổ lập vào thế kỷ 18 tại ấp An Bang, phường Thanh Hà, TP Hội An - Quảng Nam mới đây đã khơi dậy sức sống và lòng tự hào cho cả dòng họ Nguyễn Đức với gần 1.000 con cháu đang cư trú trên đất Quảng Nam.

Cuộc truy tìm ngược dòng lịch sử về ngôi mộ cổ- mà nhiều ý kiến cho rằng của một vị đô đốc thời Tây Sơn- thật ly kỳ, khi người ta phát hiện ngày càng nhiều giá trị văn hóa cộng đồng tộc họ được bảo lưu nguyên vẹn qua thời gian ở đây.


Mộ cổ trong cồn cát


Đầu tháng 4-2009, thực hiện việc di dời mồ mả để giải phóng mặt bằng xây dựng Cụm Công nghiệp Du lịch và Dịch vụ Thanh Hà, con cháu tộc Nguyễn Đức tiến hành đào xuất lộ quy mô khu mộ của tổ tiên. Ông Nguyễn Đức Dũng, một người cháu chắt của tộc Nguyễn Đức, cho biết: “Ngôi mộ ấy của cụ tổ Nguyễn Đức Lễ, nằm trên một cồn cát có tên gọi là cồn Ông Đô, bị đất cát lấp hoàn toàn, ngoại trừ tấm bia hậu thổ nằm bên trái”.


Nơi ngôi mộ cổ an táng xưa là ấp An Bang, làng Thanh Hà, tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Phía Tây Bắc của khu mộ là khu di tích khảo cổ An Bang; không xa về phía Nam là vị trí mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu vết tháp Chăm vào năm 1989. Xung quanh khu mộ còn có nhiều ngôi mộ khác được hình thành từ thế kỷ 18 đến những năm cuối thế kỷ 20.


Trong quá trình đào cải táng, con cháu tộc Nguyễn Đức phát hiện ngôi mộ có quy mô khá lớn. Tường xung quanh mộ rộng gần 200 m2 được xây bằng gạch, vữa, vôi dày 60 cm nhưng đã bị hư hại nặng nề, phía Bắc có dấu vết bình phong. Nền mộ không còn nguyên vẹn, nhiều nơi xuất lộ đá lát bằng sa thạch màu xám tím.

Nấm mộ hình chữ nhật rộng 195 cm x 88 cm, nằm cách tường trong tính từ hướng Bắc 370 cm, xây bằng gạch, vữa, vôi và được giật thành 3 cấp. Tấm bia đặt cách nấm mộ 20 cm về phía Nam, làm bằng đá cẩm thạch màu trắng, hình chữ nhật, kích thước 66 cm x 38 cm; mặt bia đề chữ Hán, trán và viền để trơn; chân bia gắn vào bàn đá chân quỳ bằng sa thạch màu xám tím...

img
Khu mộ rộng gần 200 m2  của “đô đốc Tây Sơn”  Nguyễn Đức Lễ tại Thanh Hà, Hội An - Quảng Nam


Thật lạ là giữa tấm bia đá cẩm thạch và áo bia làm bằng gạch, vữa, vôi lại có thêm một tấm bia khác làm bằng sa thạch màu xám rộng chừng 38 cm x 60 cm, song không còn nguyên vẹn, gắn chặt vào áo bia. Tấm bia này không có viền và chân, trên mặt đề chữ Hán. Cả hai tấm bia có chất liệu, hình thức lẫn nội dung khác nhau nhưng đều ghi dựng vào năm Mậu Ngọ.

Tấm bia bên ngoài do hai ông Nguyễn Đức Hóa và Nguyễn Đức Thường lập, bia bên trong do ông Nguyễn Đức Hiên lập. Văn bia do ông Hiên lập đề chức vụ của ông Nguyễn Đức Lễ là “Ngự đạo thị lân vệ Đại đô đốc tặng phong Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Phó thống lãnh”.

Theo nội dung văn bia do ông Hiên lập, sinh thời ông Nguyễn Đức Lễ giữ chức Đại đô đốc của đội quân Ngự đạo thị lân vệ; khi qua đời được gia phong Phụ quốc Thượng tướng quân Phó thống lãnh...


Phát hiện chuyện này, con cháu tộc Nguyễn Đức dừng ngay việc cải táng, huy động thêm nhân lực đào phát lộ tất cả các nền móng xung quanh, nhờ người biết chữ Hán phiên dịch, đồng thời báo cáo với Trung tâm Quản lý - Bảo tồn di tích Hội An.

Ông Nguyễn Đức Dũng khẳng định: “Đây là ngôi mộ của cụ tổ Nguyễn Đức Lễ được con cháu hương khói quanh năm, danh tánh ghi rõ trong gia phả. Tuy nhiên, việc có tới 2 tấm bia mộ khiến chúng tôi nghĩ còn nhiều điều chưa biết về dòng tộc nên huy động con cháu và nhờ cơ quan chức năng tìm hiểu”.


Lật lại gia phả


Chúng tôi đến nhà thờ tộc Nguyễn Đức ở khối phố 4, phường Thanh Hà, TP Hội An và rất thích thú khi thấy tại đây còn lưu giữ nguyên vẹn 3 bộ gia phả lập vào các năm Cảnh Thịnh thứ 4, Gia Long thứ 16 và Tự Đức thứ 34.

Cụ Nguyễn Đức Truyện, năm nay ngoài 80 tuổi, người lưu giữ gia phả, giải thích: “Cụ tổ Nguyễn Đức Lễ là người lập gia phả đầu tiên vào năm Cảnh Thịnh thứ 4, tức năm Bính Thìn 1796. Tộc chúng tôi xem đây là báu vật nên truyền giữ rất cẩn thận”.


Căn cứ vào nội dung văn bia và 3 bộ gia phả, cho thấy ông Nguyễn Đức Hóa và Nguyễn Đức Thường là con trai của ông Nguyễn Đức Hiên. Người quá cố nằm trong mộ, tức ông Nguyễn Đức Lễ, là thân phụ ông Nguyễn Đức Hiên. Thân sinh của ông Lễ là ông Nguyễn Đức Tường. Ngoài ông Lễ, ông Nguyễn Đức Tường còn có 2 người con trai nữa...

img
Có tới 2 tấm bia lập vào các thời điểm khác nhau trên mộ cổ


Nếu ông Nguyễn Đức Lễ lập gia phả đầu tiên vào năm 1796, niên đại Mậu Ngọ ghi trên tấm bia mộ của ông - do con trai là ông Nguyễn Đức Hiên lập-  không thể trước năm 1798. Do đó, có thể suy đoán tấm bia do ông Hiên lập có niên đại Mậu Ngọ 1798; tấm bia do 2 ông Nguyễn Đức Hóa và Nguyễn Đức Thường lập có niên đại Mậu Ngọ 1858.

Chất liệu bia, hình thức và nội dung văn bia cũng chứng minh điều này, vì chúng khác nhau nên không thể lập cùng thời điểm mà phải cách một khoảng thời gian theo can, chi ghi trên bia mộ là 60 năm. Nếu tấm bia do ông Hiên lập có niên đại 1858 thì tấm bia do ông Hóa và ông Thường lập phải là năm 1918. Đây là điều vô lý, vì theo gia phả, năm 1817, ông Nguyễn Đức Hiên đã qua đời, năm 1918 ông Hóa và ông Thường cũng không còn sống.


Trong gia phả năm do ông Nguyễn Đức Thường lập vào năm Gia Long thứ 16, chức vụ của ông Nguyễn Đức Lễ được ghi là Đại đô đốc Đại tướng quân. Điều này cũng trùng hợp với văn bia trên một ông Nguyễn Đức Lễ do ông Nguyễn Đức Hiên lập.


Làm quan thời nào?


Ông Võ Hồng Việt, cán bộ khảo cổ của Trung tâm Quản lý – Bảo tồn di tích Hội An, lý giải: “Trước đây, việc gia phong chức vụ cho các vị quan sau khi mất rất phổ biến dưới thời phong kiến. Vì thế, nhiều khả năng ông Nguyễn Đức Lễ là một vị võ quan thời Tây Sơn.

Trường hợp này cũng tương tự trường hợp mộ đô đốc họ Nguyễn ở Bắc Sơn Phong - Hội An (Đặc tiến vệ quốc Đại tướng quân Đại đô đốc Tự ngọc hầu), cũng được xem là một vị võ quan thời Tây Sơn. Vì thế theo chúng tôi, quan trọng nhất là xác định niên đại của ngôi mộ và danh tính của người quá cố bên trong”.


Khả năng ông Nguyễn Đức Lễ làm quan dưới triều Nguyễn là hầu như không thể. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong sách Quan chức nhà Nguyễn của tác giả Trần Thanh Tâm xuất bản năm 2000, không thấy chức vụ nào của triều Nguyễn trùng với chức vụ ghi trên bia của ông Lễ.

Ông Tống Quốc Hưng, cán bộ nghiên cứu Hán Nôm của Trung tâm Quản lý – Bảo tồn di tích Hội An, cho rằng chức vụ của người quá cố ghi trên bia mộ này phải là chức vụ trước triều Nguyễn, nghĩa là thuộc thời các chúa Nguyễn hoặc Tây Sơn. Theo một số tài liệu, thời các chúa Nguyễn có chức Thống lãnh, song chúng tôi chưa tìm thấy chức Đô đốc.

Trong khi đó, chức Đô đốc thường được dùng vào thời Tây Sơn và vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

Mặt khác, nếu ông Nguyễn Đức Lễ làm quan dưới thời các chúa Nguyễn thì không có lý do gì khiến ông Nguyễn Đức Hóa và Nguyễn Đức Thường phải lập tấm bia khác vào năm 1858 với nội dung không đề cập gì đến các chức vụ của ông nội mình để che tấm bia do ông Nguyễn Đức Hiên lập trước đó.

Việc lập một tấm bia mới với nội dung khác để che tấm bia cũ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đối với trường hợp này, nhiều khả năng đó là nguyên nhân chính trị.


Căn cứ vào những điều này, các nhà chuyên môn suy đoán nhiều khả năng ông Nguyễn Đức Lễ đã làm quan, chức đô đốc dưới thời Tây Sơn. Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, để gia tộc tránh bị các vua triều Nguyễn truy sát, con cháu tộc Nguyễn Đức đành phá bỏ phần kiến trúc nổi trên ngôi mộ và san lấp nấm mộ của ông Lễ. Sau này, vào năm 1858, khi tình hình đã bớt căng thẳng, con cháu trong tộc Nguyễn Đức mới phát lộ ngôi mộ và lập tấm bia mới đặt che trước tấm bia cũ để ngôi mộ khỏi bị thất lạc.

Bảo vệ nguyên trạng ngôi mộ cổ

Như vậy, còn nhiều vấn đề về văn hóa, lịch sử liên quan đến ngôi mộ “đô đốc Tây Sơn” này cần được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, con cháu trong tộc Nguyễn Đức ở Quảng Nam đều tin tưởng rằng cụ tổ của mình - ông Nguyễn Đức Lễ- chắc chắn là một vị quan đô đốc thời Tây Sơn.

Cụ Nguyễn Đức Truyện hồ hởi: “Gia tộc chúng tôi thật sự vui mừng khi TP Hội An đã có quyết định bảo vệ nguyên trạng ngôi mộ này. Giờ đây, con cháu đã được biết nhiều hơn về cha ông của mình. Những ngày qua, nhiều người xa gần đã tập trung về đây bàn luận, truy tìm bí ẩn ngôi mộ cổ. Âu đó cũng là phước đức mà cha ông chúng tôi để lại cho con cháu”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo