xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bí thư chống tham nhũng

Nam Phương – Khánh Linh

Từng bị kẻ xấu, xã hội đen mang dao đến nhà chửi bới, đe dọa; bị nói xấu, bị tố cáo sai sự thật, bị lăng mạ... nhưng ông không hề chùn bước mà lại càng quyết tâm hơn trên con đường chống nạn tham nhũng

Ông là Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy - Hà Nội, người vừa được vinh danh trong Đại hội Thi đua yêu nước tổ chức mới đây tại thủ đô.

 
Bị mời ra khỏi cuộc họp
 
Đầu năm 2005, phường Nghĩa Đô nổi lên vụ việc người dân bất bình với nạn tham nhũng trong quản lý sử dụng đất đai  ở địa phương. Công dân  liên tục kiến nghị, đấu tranh với việc bán đất, lấn chiếm đất.
 
Họ đề nghị khôi phục, gìn giữ các di tích, đồng thời đấu tranh với những sai phạm ở địa phương. Cho đến Đại hội lần thứ 21 (năm 2005) của Đảng bộ phường Nghĩa Đô, có 14 vụ việc nổi cộm được giao cho ban chấp hành khóa mới giải quyết. Nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo từ phường lên quận đã có kết luận thanh tra nhưng vẫn không xử lý nổi.
 
Không để mất niềm tin của người dân, nhận thức trọng trách được giao, ông Bình đã kiến nghị với lãnh đạo phường tập trung chỉ đạo việc giải quyết các vụ việc tồn đọng về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.
 
Với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, vị bí thư Đảng ủy phường ngày đêm trăn trở nghĩ cách làm sao để chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, giải tỏa những bức xúc cho bà con.
 
Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, phanh phui chuyện đất đai là vô cùng nhạy cảm nhưng ông Bình vẫn quyết tâm đeo đuổi. Cái khó bắt đầu lộ diện, khi chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường và chủ nhiệm HTX né tránh, đùn đẩy, thậm chí câu kết, bao che cho tiêu cực, tham nhũng.
 
Vì thế, những vụ việc tồn đọng chẳng những không được xử lý kịp thời mà còn phát sinh những sai phạm mới. Ông Bình ráo riết chỉ đạo và thường xuyên báo cáo lên Quận ủy Cầu Giấy để xin ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, ý kiến và những lời tâm huyết của ông Bình đã không nhận được sự ủng hộ lúc đó.
 
Thấy không ổn, ông Bình viết thư kiến nghị gửi Thành ủy Hà Nội. Biết chuyện, Quận ủy Cầu Giấy gọi ông lên chất vấn, cho rằng viết thư vượt cấp, sai nguyên tắc. Ngày 24-10-2008, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy ký quyết định buộc ông Bình nghỉ điều hành hai chức danh bí thư Đảng ủy và chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô.
 
Ngày 6-11-2008, theo chỉ đạo của Quận ủy, Đảng ủy phường Nghĩa Đô có cuộc họp bất thường bàn về công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Phó bí thư phụ trách Đảng ủy được chỉ đạo không mời ông Bình.
 
 
img
Ông Phạm Thanh Bình kể lại chuyện chống tham nhũng tại Đại hội Thi đua yêu nước vừa tổ chức ở Hà Nội. Ảnh: Phương Linh

 
Được tin, chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nghĩa Đô và các đảng viên trong phường tới động viên ông Bình. Họ an ủi: “Việc không mời anh họp là không đúng. Anh cứ đến họp, có gì ta đưa ra công luận chuyện này”. Nghe vậy, ông Bình thấy có lý và quyết định đến họp.
 
Cuộc họp hôm đó diễn ra khá căng thẳng. Bí thư Quận ủy Cầu Giấy cùng Ban Thường vụ đến dự và chỉ đạo. Ngay khi cuộc họp bắt đầu,  quyền Bí thư Đảng ủy phường thẳng thừng: “Đảng ủy có 15 đồng chí, thường vụ chỉ mời có 14 người. Đồng chí Bình không được mời nên không được dự họp”. Bí thư Quận ủy Cầu Giấy lớn tiếng: “Đề nghị hội nghị làm đúng nguyên tắc. Đồng chí Bình không được mời phải ra khỏi phòng họp”.
 
Thế nhưng ngay lúc đó, các đảng viên dự họp cho rằng theo giấy mời, Đảng ủy họp bàn về công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ, trong khi ông Bình là Đảng ủy viên, bí thư Đảng ủy đã 3 năm và nội dung cuộc họp không có gì phải bí mật; bí thư Quận ủy xử lý như thế là không có tình đồng chí...
 
Bí thư Quận ủy Cầu Giấy buộc phải để ông Bình dự họp. Cuộc đấu tranh mở màn trực diện đã có kết quả khả quan. Và, những con người tâm huyết, dám đối đầu với tệ tham nhũng như ông Bình được người dân tin yêu. Sau chuyện ấy, các đoàn thể và người dân phường Nghĩa Đô đã có văn bản đề nghị Quận ủy Cầu Giấy giữ nguyên chức vụ của ông Bình để ông công tác hết nhiệm kỳ nhưng đề nghị này không được chấp thuận.
 
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, xung quanh ông Bình có rất nhiều người tốt ủng hộ và các cấp, các ngành từ Hà Nội đến Trung ương đã bắt tay vào xác minh, xử lý những vấn đề tiêu cực ở phường Nghĩa Đô. Điều đó giúp ông vững vàng đối mặt với những hành vi tham nhũng.
 
Bị đe dọa, nói xấu
 
Sự việc sau đó trở nên căng thẳng hơn. Ông Bình kể lại: “Tôi từng bị kẻ tham nhũng, xã hội đen mang dao đến tận nhà chửi bới, đe dọa, ép ra ngoài nói chuyện, rồi bị nói xấu tại các hội nghị, bị tố cáo sai sự thật, bị lăng mạ trong các cuộc tiếp xúc với cử tri... Nhà những anh em đồng đội chống tiêu cực, tham nhũng với tôi cũng bị người ta ném chất thải vào nhiều lần”.
 
Với nghị lực của một đảng viên, sau một thời gian kiên trì bền bỉ đấu tranh với tệ tham nhũng, cuối cùng lẽ phải đã chiến thắng. Vụ việc được làm sáng tỏ, Thành ủy Hà Nội lúc ấy đã thi hành kỷ luật và thuyên chuyển bí thư Quận ủy, trưởng Ban Tổ chức quận Cầu Giấy; những cán bộ sai phạm đều bị xử lý, đất đai sử dụng sai mục đích đều được thu hồi.
 
 
img
Ông Phạm Thanh Bình (bìa phải) trong một cuộc họp về phòng chống tham nhũng ở địa phương. Ảnh: P.L
 
 
Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng để làm trong sạch bộ máy Đảng và chính quyền ở phường Nghĩa Đô đã giành được thắng lợi. Đến tháng 11-2010, nhiều diện tích đất đai là tài sản quý giá của Nhà nước thời gian qua bị lấn chiếm, chiếm dụng đã có quyết định thu hồi.
 
Ông Phạm Thanh Bình, người đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, đã được phục hồi toàn bộ chức vụ và danh dự cá nhân. Trở lại vị trí Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô, ông sống trong niềm tin yêu của người dân và sự ngưỡng mộ của đồng chí, nhiều người tâm huyết trong cuộc đấu tranh đầy cam go này.
 
Ông Bình tâm sự: “Khi ấy, tôi còn bị nhiều người đến nhà lăng mạ, ép ra khỏi nhà để nói chuyện. Ban đêm, họ ném chất thải bẩn vào nhà. Họ cho người nói xấu tại các cuộc họp, kích động viết đơn thư tố cáo tập thể sai sự thật. Nhưng tôi tin vào Đảng, tin vào lẽ phải và tin tưởng cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhất định thành công”.

Không chùn bước

Ông Phạm Thanh Bình tâm sự: “Tham nhũng như “giặc nội xâm”, nếu mình không chống được thì có tội với Đảng, với nhân dân và Tổ quốc.
 
Vì vậy tôi nghĩ rằng những người chống tiêu cực, chống tham nhũng là những người yêu nước nhất.
 
Mình không đấu tranh bảo vệ được uy tín và sự trong sạch của Đảng thì mất lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến công cuộc tiến lên CNXH mà biết bao thế hệ tiền bối đã đổ xương máu bảo vệ và xây dựng”.
 
Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, ông Bình được vợ con rất ủng hộ và cảm thông.
 
Họ hiểu rõ việc làm đúng đắn của ông. Biết là con đường chông gai nhưng ông Bình vẫn không từ bỏ.
 
Theo ông, làm bí thư mà không gương mẫu đi đầu thì ai sẽ theo! Trước những hành vi của kẻ tham nhũng, ông không sợ hãi vì tin mình làm đúng và có chỗ dựa vững chắc.
 
Khi bị khủng bố tinh thần và bị xã hội đen có hành động trả thù, ông thấy mình càng cần phải làm cho sự việc được rõ trắng đen để chứng minh việc mình làm là đúng.
 
Ông nói: “Tôi không hề chùn bước khi chống tham nhũng. Tôi sẽ đi đến cùng trong mỗi sự việc đấu tranh và sẽ không bao giờ buông xuôi. Còn tuổi tác và sức khỏe thì tôi sẽ tiếp tục sát cánh với anh em để chống tham nhũng”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo