Trước buổi làm việc, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đi khảo sát khu xử lý rác của công ty.
Tại buổi làm việc, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phía công ty và UBND TP HCM trả lời câu hỏi: "So với lúc làm dự án công ty đã làm được gì; điều gì chưa làm được, điều gì chưa làm đúng? TP làm đúng được gì? chưa làm đúng cái gì?".
Video clip Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thăm Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam
Bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó Tổng giám đốc VWS, cho biết những gì đã cam kết với TP công ty đã thực hiện xong. "Còn vấn đề phân loại rác tại nguồn chưa thực hiện, khu cây xanh cách ly vẫn chưa thực hiện" - bà Phương nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết vấn đề cây xanh cách ly nhiều năm rồi chưa làm được do vướng giải tỏa 700 hộ dân. Về phân loại rác tại nguồn vẫn chưa thực hiện.
Với quy mô của dự án có diện tích 128 ha, vốn đầu tư thực tế gần 150 triệu USD, công xuất xử lý 10.000 tấn rác mỗi ngày, vì vậy có thể xử lý tốt khi tiếp nhận thêm 3.000 tấn rác/ngày theo yêu cầu của thành phố. Theo đó, ngoài khu chôn lấp rác công nghệ cao, VWS đã đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy sản xuất phân compost từ rác hữu cơ, nhà máy phân loại rác tái chế, nhà máy sản xuất điện bằng khí gas thu được từ khu chôn lấp rác công suất 12MW… Đến nay, Khu liên hợp đã tiếp nhận và xử lý an toàn gần 25 triệu tấn rác, góp phần bảo vệ môi trường cho TP và các khu vực lân cận.
Đã hơn 10 năm có mặt tại TP HCM, để đáp ứng ngày càng cao và thích nghi với môi trường tại TP, mới đây VWS đã trình với lãnh đạo TP nhiều kế hoạch.
Theo đó, VWS sẽ triển khai sản xuất năng lượng từ chất thải, với quy trình kết hợp từ nhiên liệu tái tạo CNG (khí nén thiên nhiên) và điện năng để mang lại lợi ích cho người dân. Điều này, không chỉ đảm bảo sức khỏe cộng đồng, cải thiện môi trường mà còn góp phần phát triển kinh tế.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm VWS ngày 27-5
Bên cạnh đó, mô hình đốt mà VWS đang hướng đến cũng không nằm ngoài mục đích sản xuất điện từ khí thải. Theo VWS, công nghệ đốt từ chất thải phát điện không chỉ góp vào lưới điện quốc gia mà còn giảm diện tích chôn lấp và sản xuất nhiên liệu tái tạo. "Nó sẽ giúp hạn chế bãi chôn lấp, chuyển đổi thành năng lượng tái tạo ổn định và phát triển kinh tế"- bà Phương cho hay.
VWS sẽ dùng rác hỗn hợp, có nhiều tạp chất chưa qua phân loại để đốt, sản xuất các sản phẩm với công suất 1.000-1.500 tấn/ngày. "Phần chôn lấp khi xử lý công nghệ này chỉ còn dưới 5%"- bà Phương nhận định.
Theo bà Phương, các chuyên gia cũng sẽ thiết kế khu vực xây dựng trạm trung chuyển khép kín để vận chuyển rác từ Đa Phước về khu Công nghệ môi trường xanh Long An bằng xà lan chuyên dụng để xử lý sau năm 2020. Theo dự kiến, VWS cũng sẽ thiết kế các ô chôn lấp trong bãi rác Đa Phước thành một khu thể thao phức hợp bao gồm sân golf, sân tennis, sân bóng, công viên sinh thái… nâng cao giá trị khu vực và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân TP sau năm 2020…
Bình luận (0)