xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bí thư Thăng: TP HCM không phải muốn làm "vương quốc riêng"

Thế Dũng

(NLĐO)- Chiều 20-2, Chính phủ chính thức trình cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù cho TP HCM với mức thưởng không quá 30% số vượt trong thu ngân sách


Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trình bày thêm về đề xuất chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách đối với TP HCM - Ảnh: Chụp qua màn hình

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trình bày thêm về đề xuất chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách đối với TP HCM - Ảnh: Chụp qua màn hình

Chiều nay 20-2, tại phiên họp thứ 7 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày dự thảo về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP HCM (dự thảo nghị định).

Về phía TP HCM có Bí thư Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị định, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (UBTC-NS) Nguyễn Đức Hải cho biết sau khí có dự thảo, Thường trực UBTC-NS đã tổ chức họp Thường trực Ủy ban mở rộng, họp phiên toàn thể Ủy ban với sự tham dự của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, UBND TP HCM và một số cơ quan của QH. Về việc này, UBTC-NS nhận thấy việc thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 18-11-2002 và Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị; Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2004 và Nghị định số 61/2014/ về một số cơ chế, chính sách tài chính -ngân sách đặc thù đối với TP HCM. Sau hơn 12 năm thực hiện, cơ chế, chính sách TC-NS đặc thù đối với TP HCM đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huy động nguồn lực đầu tư, phát huy vai trò của TP HCM là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Mặt khác, thực hiện Luật NSNN năm 2015, một số quy định tại Nghị định số 124/2004 và Nghị định số 61/2014 đã không còn phù hợp, cần sửa đổi để bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đồng thời, thực hiện Kết luận số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thành phố trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, UBTC-NS cho rằng, việc Chính phủ xây dựng Nghị định mới quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP HCM là hoàn toàn cần thiết.

Nội dung đáng chú ý của dự thảo nghị định là về mức thưởng vượt thu, Chính phủ đề nghị trong trường hợp tăng thu ngân sách trung ương (NSTW) từ các khoản thu phân chia trên địa bàn, thành phố được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu NSTW trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.

Tuy nhiên, UBTC-NS đề nghị bỏ cụm từ “một phần” để thực hiện theo quy định hiện hành cho phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 59 của Luật NSNN năm 2015 (không quá 30% số tăng thu).

Về bổ sung có mục tiêu, Chính phủ đề nghị “TP HCM được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu NSTW một phần không quá 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia…”.

Về vấn đề này, UBTC-NS đề nghị bỏ cụm từ “một phần” và để không giảm mức bổ sung có mục tiêu cho thành phố thì nên tiếp tục giữ nguyên như quy định tại Nghị định 61 là “Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu NSTW không quá 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia…”. Vì nếu chỉ “một phần” của 70% tăng thu NSTW do Thủ tướng Chính phủ giao thì thấp hơn quy định theo Nghị định số 61 hiện hành. Việc giữ nguyên quy định về mức bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu NSNN cho TP HCM cũng tương thích với mức bổ sung có mục tiêu cho Thủ đô Hà Nội như UBTVQH đã quyết định.

Tuy nhiên, UBND TP HCM đề nghị sửa “Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu NSTW tương ứng một phần không quá 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia…” và “thành phố được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu NSTW trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước”.

Về quy định quỹ dự trữ tài chính thành phố, Luật NSNN năm 2015 quy định phải trích 50% kết dư ngân sách thành phố hàng năm vào quỹ dự trữ tài chính. Chính phủ đề nghị cho phép thành phố có quyền quyết định mức trích từ nguồn kết dư ngân sách thành phố vào quỹ dự trữ tài chính phù hợp với nhu cầu dự trữ tài chính và khả năng cân đối thực tế của ngân sách thành phố.

Về vấn đề này, UBTC-NS nhận thấy trong thời gian qua, thực hiện quy định của Luật NSNN hiện hành, số dư quỹ dự trữ tài chính của TP HCM mới bảo đảm khoảng 10% so với quy định của pháp luật. Số dư của quỹ không đạt do cân đối ngân sách thực tế của TP còn khó khăn. Do đó, để tạo điều kiện có thêm nguồn lực trong điều hành và cũng không để tồn đọng nguồn dự trữ tài chính lớn khi giới hạn vay nợ của TP đã gần mức trần cho phép, đa số ý kiến trong UBTC-NS tán thành với đề nghị của Chính phủ. Theo đó, thành phố có quyền chủ động quyết định mức trích, nhưng phải bảo đảm tối thiểu 30% từ nguồn kết dư ngân sách thành phố vào quỹ dự trữ tài chính.

Còn về bội chi ngân sách thành phố, UBTC-NS nhất trí với Chính phủ về các nội dung: ngân sách TP HCM được bội chi; mục đích sử dụng bội chi cho đầu tư phát triển; hạn mức bội chi do QH quyết định hàng năm; nguồn bù đắp bội chi từ vay trong nước và ngoài nước. Những quy định trên là phù hợp với Điều 7 của Luật NSNN năm 2015.

Đối với mức dư nợ vay, Chính phủ đề nghị quy định mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của ngân sách thành phố vượt quá quy định này, Chính phủ sẽ trình QH xem xét, quyết định”.

UBTC-TCNS tán thành với quy định này, vì thực tế cho thấy TP HCM có đóng góp đáng kể, trên 30% tổng thu nội địa của NSNN và 50% tổng thu cân đối xuất nhập khẩu của cả nước, nên có nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn trong khi mức vốn đầu tư phát triển do NSTW hỗ trợ 5 năm tới sẽ giảm mạnh do áp dụng các tiêu chí, định mức mới về phân bổ vốn đầu tư nguồn NSTW, do đó, nguồn lực cần thiết để triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cấp bách là rất khó khăn. Vì vậy, UBTC-NS cho rằng, quy định như trên sẽ tạo điều kiện cho TP HCM được hưởng mức vay nợ và cơ chế hỗ trợ của NSTW tương đương với cơ chế đã được UBTVQH quyết định cho Thủ đô Hà Nội.

Về huy động vốn đầu tư đối với một số công trình, dự án quan trọng, có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi, kiến thiết thị chính do TP HCM quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Chính phủ đề xuất UBND thành phố báo cáo Chính phủ trình QH quyết định hỗ trợ từ NSTW cho thành phố để triển khai thực hiện theo từng dự án.

Đa số ý kiến trong UBTC-NS nhất trí với đề xuất này, vì cho rằng, TP HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 1/3 số thu NSNN, có số thu điều tiết rất cao về NSTW (chỉ được hưởng 18%/năm), nên việc đầu tư một số công trình quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trên cả nước, song đòi hỏi nguồn lực lớn, vượt quá khả năng cân đối của NSĐP thì ngân sách trung ương cần chia sẻ, hỗ trợ để thành phố thực hiện. Cơ chế ưu đãi này cũng tương đương với ưu đãi về hỗ trợ cho các dự án đầu tư áp dụng đối với Thủ đô Hà Nội theo quy định của Luật thủ đô.

Đa số ý kiến trong UBTC-NS cho rằng, TP HCM là trung tâm kinh tế lớn, phát triển nhanh và năng động, có tiềm năng hấp dẫn thu hút đầu tư và các nguồn vốn, do vậy, cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ để tạo thêm kênh huy động nguồn vốn đầu tư, ngoài việc ưu tiên bố trí vốn ODA thì cần ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi và cho phép thành phố áp dụng hình thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư để bổ sung nguồn lực cho TP HCM.

Về dự thảo nghị định, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết qua nghiên cứu, UBND TPHCM nhận thấy cả 13 điều của dự thảo này vẫn trong khuôn khổ pháp lý hiện hành, chưa thấy rõ nét về tính đặc thù, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP HCM.

Ông Nguyễn Thành Phong dẫn chứng nội dung dự thảo nghị định chủ yếu quy định các nội dung mang tính phổ biến của Luật NSNN 2015, chỉ điều chỉnh những nội dung của Nghị định 124, và Nghị định 61 cho phù hợp với Luật Ngân sách 2015 thậm chí có nội dung còn thắt chặt hơn so với quy định của Nghị định 124 và Nghị định 61. Cụ thể, dự thảo này quy định trong trường hợp tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia trên địa bàn, thành phố được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu NSTW trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước. Về bổ sung có mục tiêu: Chính phủ đề nghị “Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu NSTW một phần không quá 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia…”.

Vì vậy, người đứng đầu UBND TP HCM đề nghị quy định: “Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu NSTW 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia…” và “thành phố được thưởng 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu NSTW trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước”.

Về mức dư nợ vay, Chính phủ đề nghị quy định: Mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của ngân sách thành phố vượt quá quy định này, Chính phủ sẽ trình QH xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP HCM dư nợ này có tính thêm cả vay của nhà nước về cho vay lại. Nếu tính thêm cả các khoản này thì dư nợ vay của TP sẽ sát hoặc vượt mức được phép. Dự thảo quy định trường hợp một số dự án… thủ tục trình QH không hề đơn giản, QH một năm chỉ họp 2 kỳ sẽ rất khó khăn.

Vấn đề quan trọng nhất là làm rõ tính tự chủ về ngân sách địa phương, cơ chế cho chính quyền địa phương huy động các nguồn tài nguyên ngân sách tự quyết định các khoản chi thuộc ngân sách địa phương nhưng với những nội dung nêu trong dự thảo nghị định thì dù nghị định này có được ban hành thì TP HCM vẫn không có cơ chế nào để khai thác nguồn lực, tăng nguồn thu chủ động, nhất là huy động nội lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

"Các quy định nêu tại dự thảo nghị định không thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 16, ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị” - ông Phong nhìn nhận.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý về đề xuất của TP HCM là được thưởng vượt thu không quá 30% chứ không dùng khái niệm "một phần". "Chiếm 1/3 tổng thu nhà nước mà được giữ có 18% thì là không đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển và tạo động lực cho TP phát triển mạnh, tăng thu mạnh hơn nữa" - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng cần có cơ chế đặc thù để tạo động lực cho TP HCM tăng nguồn thu hơn nữa. "Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ cù thế không nhất thiết phải đợi UBTVQH quyết định vì 2 nghị định đã lạc hậu, lại thêm luật ngân sách là rào cản thì nghị định mới này phải có đột phá"- bà Nga nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đồng ý mức thưởng thu ngân sách của TP HCM cần phải "thưởng ngay" và phải chốt "không quá 30% chứ không phải một phần".

Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng bày tỏ TP HCM rất mong muốn làm thế nào thu vượt ngân sách, đóng góp nhiều cho ngân sách.

"Tỉ lệ 30-70% không phải là quan trọng nhất mà có 30% thì NSTW đã tăng lên rồi nên không có chuyện bội chi ngân sách cả nước. TP HCM thu có tăng thì trung ương được 70, còn thành phố chỉ 30% thôi"- ông Đinh La Thăng giãi bày.

"TP HCM đang chuẩn bị một đề án là TP HCM không chỉ tăng ngân sách một con số là sẽ tăng trưởng kinh tế hai con số, nhưng muốn vậy TP phải được chủ động hơn về nhiều mặt, trong đó cả về tài chính, về tổ chức và cả về biên chế. Phải có sự tự chủ lớn nhất cho TP, không phải TP muốn "vương quốc riêng" đâu mà mong muốn tự chủ nhiều hơn để làm ra nhiều tiền hơn"- ông Đinh La Thăng chia sẻ.

Ngoài ra, Bí thư Đinh La Thăng cũng đề nghị cho phép TP HCM được vay không quá 90% mức dư nợ vay của ngân sách thành phố vì khả năng trả nợ của TP là có.

Chốt lại nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đồng ý với các đề xuất của Chính phủ và TP HCM là được thưởng tối đa 30% từ nguồn thu ngân sách tăng thêm. Còn về đề xuất được vay không qúa 90% mức dư nợ vay của ngân sách thành phố, ông Phùng Quốc Hiển cho biết trước chỉ được vay 70% và sau này tuỳ tình hình thực tế sẽ quyết định sau.

Cần thêm nhiều cơ chế đặc thù khác cho TP HCM

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đồng ý phải chốt "không quá 30% chứ không phải một phần". “Về dư nợ vay của TP HCM là cơ chế “vay đặc thù”, nhưng đợi đến “xuân thu nhị kỳ” (2 kỳ họp QH) thì có làm khó không? Chúng ta nên nhìn tổng thể, không nên nhìn những vấn đề quá cụ thể” – ông Phan Thanh Bình kiến nghị.

Mạnh dạn hơn, GS. Phan Thanh Bình mong muốn TP HCM được phép thí điểm xây dựng mô hình mới như hướng tới trở thành một trung tâm dịch vụ tài chính.

Thể hiện sự “cởi mở” hơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nói: “Nên nghiên cứu cho phép TP HCM có cơ chế huy động sức dân, huy động nguồn lực trong dân hiện rất lớn. Nên chăng tạo điều cho TP HCM làm thí điểm, sau này làm rộng ra”.

Cơ bản đồng tình với các đề nghị của TP HCM, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, để tạo động lực phát triển, ngoài chính sách tài chính cần có những chính sách khác như đất đai, đầu tư, thu hút đầu tư…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo