HTX có cũng như không
Sau đó, dư luận địa phương xôn xao việc ông Hồ Vũ Phong được trao giải. Để tìm hiểu thực hư, cuối tháng 11, phóng viên Báo Người Lao Động đến ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành- nơi có mô hình HTX Thanh Niên. Hầu hết người dân trong ấp Cái Ngang đều không biết HTX Thanh Niên. Mất khá nhiều thời gian, chúng tôi cũng tìm được nhà của chủ nhiệm HTX là ông Phạm Tấn Tài.
Theo ông Tài, đầu năm 2011, ông Hồ Vũ Phong có vận động 17 hộ dân ở đây thành lập HTX. Khi đó, những hộ này từ chối nhưng nghe ông Phong hứa vào HTX sẽ được hỗ trợ vay vốn nên họ đồng ý. Sau đó, HTX được thành lập lấy tên là Thanh Niên, ngành nghề kinh doanh là dịch vụ nuôi trồng thủy sản. Ông Tài được phân công làm chủ nhiệm HTX và từ đó, tổ chức này gần như không hoạt động. “Lúc mới thành lập, mỗi thành viên góp 2 triệu đồng. Số tiền này được xoay vòng cho các thành viên mượn khi kẹt vốn. Lúc đó, ông Phong có tham gia họp vài lần rồi biệt tăm luôn, sau này có mời họp cũng không đến. Năm rồi, giá cá rớt mạnh, xã viên gặp khó khăn, tôi tìm ông Phong nhờ đề xuất vay vốn nhưng ông cho biết liên minh HTX của địa phương hết vốn nên không thể vay” - ông Tài thuật lại.
Mang danh chủ nhiệm HTX bạc tỉ nhưng ông Tài sống trong ngôi nhà tạm bợ, lao động cật lực nhưng chỉ đủ nuôi vợ con và mẹ già. Trong khi đó, phần lớn thành viên của HTX cũng có cuộc sống khá khó khăn. Xã viên Hàn Quốc Trạng cho biết có 4 công đất, nhờ khai thác tối đa nên cũng khấm khá. “Tôi cũng như những xã viên khác, nuôi tôm và cá bống tượng kết hợp trồng khoai từ năm 1998. Từ khi tham gia HTX, chúng tôi vẫn mạnh ai nấy làm. HTX chỉ là hình thức, không mang lại kết quả gì. Trước khi tham gia HTX, tôi thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu đồng/năm. Sau khi tham gia HTX, thu nhập không thay đổi” - ông Trạng cho biết.
Ông Lâm Thanh Điền - Bí thư Chi bộ ấp Cái Ngang, cũng là xã viên của HTX Thanh Niên - khẳng định: “HTX Thanh Niên giống như tổ hùn vốn. Xã viên góp vốn để xoay vòng chứ không có hợp tác sản xuất, ăn chia lợi nhuận. Cuối năm 2013, do thấy không có lợi, xã viên rút vốn nên HTX ngưng hoạt động đến nay” - ông Điền nói.
“Ông Phong không giúp được gì”
Tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Vũ Phong vẫn khẳng định dù không là thành viên của HTX Thanh Niên nhưng ông có vai trò sáng lập và chỉ dẫn bà con phương cách làm ăn. “Tôi vận động bà con vào HTX, đồng thời có nhiều sáng kiến giúp họ tăng gia sản xuất, mang lại thu nhập ổn định”. Để chứng minh, ông Phong đưa cho chúng tôi báo cáo tổng kết hoạt động năm 2013 của HTX Thanh Niên. Theo đó, từ số vốn góp ban đầu 34 triệu đồng, qua 1 năm hoạt động, tổng thu nhập lên đến 1,295 tỉ đồng và dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ nâng lên 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, HTX đã giải quyết việc làm cho 34 lao động thường xuyên và khoảng 100 lao động thời vụ. Nhờ đó, tránh được tình trạng thanh niên bỏ quê đi nơi kháclàm thuê.
Trong khi đó, chủ nhiệm HTX Thanh Niên khẳng định: “Báo cáo là do ngoài xã làm sẵn, tôi chỉ việc đóng dấu và ký tên. Con số trên 1 tỉ đồng là có thật bởi đó là tổng thu nhập của 17 hộ. Từ khi thành lập HTX đến nay, chúng tôi vẫn tự thân vận động, ông Phong không giúp được gì. Chẳng hạn, mô hình nuôi tôm và cá, chúng tôi đã áp dụng hơn 10 năm, bà con tự nuôi và tự tiêu thụ. Mô hình trồng hoa màu trên bờ bao, tôi và những người ở đây sang địa phương khác học rồi về áp dụng. Ông Phong cả năm không ghé một lần thì làm sao giúp chúng tôi được” - ông Tài bức xúc.
Ông Nguyễn Lung Lăng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thành, cho biết qua mấy nhiệm kỳ làm lãnh đạo xã, ông cũng bất ngờ biết xã mình có HTX Thanh Niên làm ăn hiệu quả, đạt doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Ngày 2-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Đăng Khoa, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau, cho biết: “Sau khi anh Hồ Vũ Phong đoạt giải Lương Định Của, tôi có nghe dư luận bàn tán không tốt nhưng chưa rõ thực hư. Tôi sẽ làm việc với Thành đoàn Cà Mau và đề nghị làm rõ”.
Bị đề nghị giải thể
Theo báo cáo rà soát tình hình hoạt động kinh tế tập thể năm 2014 của Phòng Kinh tế TP Cà Mau, HTX Thanh Niên thuộc diện cần giải thể bởi hoạt động không hiệu quả. Theo đó, từ khi ra đời, HTX này không có dịch vụ, không có lãi, không liên kết doanh nghiệp... và không phù hợp với Luật HTX năm 2012.
Cùng với HTX Thanh Niên, ở xã Hòa Thành còn có 2 HTX bị đề nghị giải thể là HTX Gà Sạch và HTX Thuận Phát. Cả 2 HTX này cũng do ông Phong “sáng lập”.
Bình luận (0)