Hang Co Phương (còn có tên là Co Phường, người dân tộc Thái gọi là hang Cây Khế) thuộc bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trong chiến tranh, đây là căn cứ và là điểm trung chuyển lương thực, vũ khí của quân ta lên Thượng Lào và Tây Bắc phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Để chặn tuyến đường huyết mạch này, quân Pháp tìm đủ mọi cách chia cắt nên ra sức bắn phá.
Hang Co Phương, nơi các dân công hỏa tuyến anh dũng hy sinh ngày 2-4-1953
Ngày định mệnh
Nỗi ám ảnh về một thời khốc liệt vẫn hằn trong đôi mắt của cụ Hà Văn Nhậm, một nhân chứng sống của bản Sại.
“Khoảng 15 giờ ngày 2-4-1953, máy bay của Pháp thi nhau quần thảo, bắn phá. Xã Phú Lệ chìm trong lửa đạn. Sau những tiếng nổ rung trời, đất đá bắn tung tóe. Tiếng dân quân, bộ đội hướng dẫn người dân trốn bom đạn, tiếng la hét của những người bị thương vang vọng núi rừng. Sau khi thả 3 quả bom tàn phá Co Phường, máy bay rút đi. Chúng tôi chạy ra thì thấy hang đã sập” - cụ Nhậm kể.
Lúc này, trong hang có dân công hỏa tuyến của xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, mới lên nhận nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 15A đi Vạn Mai, tỉnh Hòa Bình. “Không biết lúc đó có bao nhiêu người đã chết, bị thương, chỉ nghe tiếng kêu cứu vọng ra. Nhân dân, bộ đội và dân công tập trung tìm mọi cách cứu nhưng vô vọng vì những khối đá nặng hàng trăm tấn bịt kín cửa hang, không có cách nào dịch chuyển được. Người dân chỉ còn cách cho thức ăn vào máng luồng rồi đưa vào hang. Khoảng 10 ngày sau, chúng tôi không còn nghe tiếng kêu cứu, lúc này mọi người biết chắc các anh chị đã tử nạn” - cụ Nhậm nhớ lại.
Nhắc về những dân công hỏa tuyến đã vĩnh viễn nằm lại trong hang Co Phương, người dân nơi đây ai cũng tiếc thương. Họ đều đang ở tuổi 18-20 và hầu như chưa ai lập gia đình. “Các anh chị ở đây rất tốt. Lúc rảnh rỗi, họ thường lên thăm bà con trong bản, dạy chữ cho các em nhỏ nên dân bản ai cũng quý, cũng thương. Hôm hay tin các anh chị bị vùi lấp trong hang đá, người dân chúng tôi khóc thương và vô cùng căm thù quân xâm lược” - một cụ trong bản cho biết.
Trong ngày định mệnh đó, trong hang có 12 người nhưng 1 đã may mắn sống sót do đang ra sông gánh nước. Ngày chúng tôi tìm về bản Sại, dân ở đây kể lại người này đã mất cách đây nhiều năm. Khi còn sống, rất nhiều lần bà tìm đến hang Co Phương ngồi khóc một mình.
Ông Nguyễn Văn Thoa (trái) kể lại những kỷ niệm về người chị gái dân công đã hy sinh tại hang Co Phương Ảnh: Tuấn Minh
Mãi mãi tiếc nhớ
Hơn 60 năm qua đi, hang Co Phương vẫn còn đó, trầm mặc tựa mình vào dòng sông Mã hùng vĩ. Cửa hang chỉ là một hốc đá nhỏ nhưng bị bịt kín bởi những tảng đá lớn. Nơi đây đã chôn vùi thân xác của những dân công hỏa tuyến thanh xuân. Nấm mồ nơi họ ngã xuống dài 60 m, rộng 40 m với các phiến đá lớn chồng xếp lên nhau, xung quanh núi và đồi đất. Càng đi sâu vào bên trong, hang càng hẹp.
Trong chuyến đi này, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Văn Thoa (ngụ thôn Nguyên Thịnh, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa), là em trai của liệt sĩ Nguyễn Thị Mứt, đang lên Co Phương dâng hương. Ông Thoa nhớ lại ngày đó ông chỉ khoảng 5 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu hết những nỗi đau khi mất người ruột thịt.
“Chị Mứt rất xinh xắn, chiều nào cũng bồng tôi đi chơi. Trong nhà, chị là người thương tôi nhất. Hôm chị xin tham gia dân công hỏa tuyến, bố mẹ không muốn cho đi vì chị mới 21 tuổi, sức khỏe yếu và chưa lập gia đình. Tuy nhiên, chị vẫn kiên quyết đi. Một tháng sau, gia đình nhận được tin chị mãi mãi không về…” - ông Thoa bồi hồi.
Thăm gia đình chính sách, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Sáng 26-7, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP HCM đã long trọng kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM - ông Trần Trung Dũng - cho biết từ đầu năm 2012 đến nay, TP đã xây dựng 148 căn nhà tình nghĩa, 52 căn nhà tình thương; sửa chữa 656 nhà ở cho các gia đình chính sách với kinh phí hơn 16 tỉ đồng; tặng 488 sổ vàng tình nghĩa với 631 triệu đồng; vận động hơn 12 tỉ đồng quỹ đền ơn đáp nghĩa; tìm kiếm và quy tập 75 hài cốt liệt sĩ đưa về các nghĩa trang... Trước đó, đoàn lãnh đạo Đảng và chính quyền TP HCM đã dâng hương, dâng hoa tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi, Nghĩa trang Liệt sĩ TP... Tại TP Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy, đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo của TP đến huyện Thanh Trì thăm, tặng quà mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Tham và ông Nguyễn Văn Đĩnh (thương binh hạng 3/4) cùng các gia đình chính sách.
Ph.Anh-L.Duy |
Hơn 50 người tử nạn Năm 2012, hang Co Phương được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Ông Hà Văn Tuyên, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Quan Hóa, cho hay con số chính xác về người tử nạn ở khu vực hang vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo những người cao tuổi ở địa phương, có khoảng hơn 50 người chết ở cả trong và ngoài hang, bao gồm TNXP, dân công và người dân. Trong số những người thiệt mạng, hiện 16 TNXP đã được công nhận là liệt sĩ. Phương án di dời đá để tìm hài cốt liệt sĩ ở trong hang đã được đề cập nhưng do việc tìm được hài cốt và xác định danh tính sẽ gặp nhiều khó khăn nên thân nhân các liệt sĩ tạm đồng ý giữ nguyên. |
Bình luận (0)