Rất đông ngư dân tập trung tố cáo Trung Quốc, nhất là cật lực lên án hành vi đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. “Việc làm của Trung Quốc gây ra khó khăn cho việc đánh bắt tại ngư trường truyền thống của chúng tôi. Không những thế, tàu của Trung Quốc còn trắng trợn dùng vũ lực tấn công tàu đánh cá của ngư dân” – một ngư dân nói. Ngư dân Huỳnh Văn Diệp (trú thôn Sâm Linh Tây) khẳng định không hề nao núng, ông sẽ quyết tâm ra khơi bám biển. “Hành động của Trung Quốc là quá ngang ngược. Biển của mình thì mình đánh bắt, sao phải sợ!” – ông Diệp nói.
Ông Huỳnh Văn Thanh (39 tuổi, trú tại thôn Sâm Linh Đông), thuyền trưởng tàu cá QNa 90190 (công suất 165 CV, hành nghề lưới vây) vừa bị Trung Quốc tấn công vào ngày 4-5, cho biết đang tiếp tục sửa chữa tàu để ra khơi trong thời gian sớm nhất. Ông Thanh kể, khoảng 14 giờ hôm 4-5, tại tọa độ 15,25 vĩ độ bắc, 111,13 kinh độ đông, thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam (cách giàn khoan HD 981 của Trung Quốc khoảng 6 hải lý), khi tàu ông trên đường trở về đất liền thì bất ngờ 2 tàu sắt rất lớn của Trung Quốc xuất hiện. Ngay sau đó, cả 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 46041 và 21101 áp sát vào tàu cá của ông rồi sử dụng vòi phun nước công suất lớn bắn vào. Nằm trong thế bị 2 con tàu lớn kẹp chặt, không thể tiến hoặc lùi, thuyền trưởng Thanh cùng 12 thuyền viên đã khẩn trương đóng toàn bộ cửa trên tàu rồi chui xuống hầm máy để tránh trú. “Hai tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước biển vào tàu chúng tôi khoảng 15 phút thì ngừng. Sau đó, họ kéo tàu chúng tôi khoảng 3 hải lý xuống phía nam thì thả” - ông Thanh kể lại. Mặc dù đã đóng kín cửa tàu cá, nhưng do bị ngấm nước trong thời gian khá lâu nên toàn bộ hải sản phơi khô đánh bắt được cùng nhiều thiết bị như: máy định vị, bộ đàm, máy dò ngang… đều bị ướt, hư hỏng. “Tưởng tàu Trung Quốc đã buông, chúng tôi nhanh chóng cho tàu vào đất liền thì tiếp đó, một tàu quân sự Trung Quốc chạy với tốc độ cao đuổi theo. Rất may, thuyền chúng tôi đã thoát được” – ông Thanh kể.
Theo thuyển trưởng Thanh, tại khu vực tàu cá của ông bị tấn công bằng vòi rồng có rất nhiều tàu Trung Quốc hoạt động, trong đó có khoảng 50 tàu cá, 1 tàu cứu hộ, 10 tàu hải quân và 1 tàu hải giám. Đây không phải lần đầu, tàu ông Thanh bị tàu Trung Quốc uy hiếp. Tháng 5-2013, tàu ông đã bị một chiếc trực thăng quân sự của Trung Quốc mang mã số 703 bay sát đe dọa. “Hành động của Trung Quốc chỉ khiến chúng tôi thêm căm hờn và càng quyết tâm ra khơi bám biển. Dù có lo lắng nhưng biển mình thì mình cứ đi, biển của mình thì mình cứ hiên ngang mà ra khơi. Nếu sửa xong, ngày 17-5 tới đây, tôi sẽ tiếp tục bám biển…” - ông Thanh quả quyết.
Ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam, cho biết đã tiếp nhận thông tin về việc tàu ông Thanh bị tấn công, đơn vị đang chuẩn bị đến thăm hỏi, tặng quà động viên cho tàu của ông Thanh. “Tôi cảm thấy rất lo lắng cho ngư dân trước hành động hung hãn của Trung Quốc. Quan điểm của hội là kịch liệt lên án hành động của Trung Quốc, chúng tôi đề nghị phía Trung Quốc xem lại cách làm sai trái để rút khỏi vùng biển Việt Nam. Hội nghề cá tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển đánh bắt trong ngư trường thuộc chủ quyền của mình” – ông Tấn cho biết.
Bình luận (0)