Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau (còn gọi là Lâm viên 19-5) có tổng diện tích 18,2 ha, là công viên lớn nhất tỉnh Cà Mau, nổi tiếng với vườn chim giữa lòng TP có một không hai ở nước ta.
Ngày 28-11-2007, UBND TP Cà Mau đã ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau. Thế nhưng, chưa đầy nửa tháng sau đó, gần như toàn bộ khu đất công viên được giao cho Công ty TNHH Việt - Úc lập dự án đầu tư và đổi tên thành Khu Du lịch Việt Úc - Cà Mau.
Dự án “trùm mền”
Theo giấy chứng nhận đầu tư do ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ký ngày 12-12-2007, tỉnh giao cho Công ty TNHH Việt - Úc gần 15,8 ha đất Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau để đầu tư xây dựng các hạng mục: nhà hàng có quy mô phục vụ trên 600 khách, khách sạn 3 sao và khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp trên 110 phòng…
Tổng vốn đầu tư của dự án này là 80,5 tỉ đồng, thời gian hoạt động 50 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn được hưởng ưu đãi về thuế đất đai và một số loại thuế khác.
Các em nhỏ sẽ không còn tự do vui chơi trong công viên như thế này khi nó biến thành Khu Du lịch Việt Úc - Cà Mau
Cuối năm 2010, chấp nhận kiến nghị của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh đã giữ lại khu bảo tồn vườn chim và khu nhà sàn Bác Hồ với tổng diện tích khoảng 8 ha để thực hiện dự án Bảo tàng Cà Mau.
Phần còn lại hơn 10 ha gồm: khu vực chuồng thú; các hồ nuôi cá nước ngọt, cá sấu; vườn chim mini; hồ cảnh lớn có mô hình đảo Hòn Khoai; sân bãi, cây xanh…, tỉnh giao hết cho Công ty TNHH Việt - Úc.
Gần 4 năm kể từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư, đến nay dự án Khu Du lịch Việt Úc – Cà Mau vẫn giậm chân tại chỗ.
Trong khi đó, “lá phổi xanh” giữa lòng TP không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng. Hiện trạng Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau không khác gì mảnh vườn hoang phế.
Xem nhẹ lợi ích cộng đồng
Sự việc trên khiến người dân lo lắng, bức xúc. Một cán bộ hưu trí ở địa phương cho biết: “Công viên tức là khu vườn chung của cộng đồng, nay giao cho doanh nghiệp đầu tư dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đồng nghĩa với việc biến nơi công cộng thành “chốn riêng” của nhà đầu tư. Lẽ nào lợi ích của cộng đồng bị xem nhẹ hơn lợi ích của một doanh nghiệp?”.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định tỉnh không có chủ trương xóa sổ Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau để xây dựng nhà hàng, khách sạn.
Theo ông Hải, giấy chứng nhận đầu tư chỉ là thủ tục ban đầu, khi triển khai dự án, tỉnh sẽ xem xét từng hạng mục cụ thể, nếu thấy không phù hợp sẽ điều chỉnh lại. “Do công viên đã xuống cấp nhưng tỉnh không có kinh phí để cải tạo nên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư” - ông Hải nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau hiện đã không còn. Mặt khác, Khu Du lịch Việt Úc - Cà Mau bản chất là khu du lịch tư nhân. Dù nói thế nào thì việc UBND tỉnh Cà Mau lấy cái thuộc về cộng đồng để giao cho doanh nghiệp vì mục đích thương mại khó được người dân chấp nhận.
Bình luận (0)