xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biển của ta, ai có quyền cấm!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Ý thức rõ càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới nên ngư dân Việt Nam đồng lòng khẳng định sẽ tiếp tục ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt dù sẽ khó khăn, vất vả hơn

Sáng 19-5 tại cửa biển Đà Diễn (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), 8 tàu cá chuẩn bị nhổ neo ra khơi. Đề cập việc Trung Quốc ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông kể từ ngày 16-5 đến 1-8, đứng trên mũi tàu PY-90144-TS, thuyền trưởng Lương Công Xuyên khoát tay: “Họ thích thì cứ cấm, còn mình vẫn cứ đi. Mình đánh cá trên biển của mình chứ có phải biển của họ đâu mà ngán!”.

Chẳng có gì phải sợ!

Qua máy bộ đàm, ngư dân Trần Văn Lý (phường 6, TP Tuy Hòa) cho biết tàu cá PY-92042 TS của ông đang đánh bắt trong vùng biển mà Trung Quốc có lệnh cấm. “Trung Quốc cấm nhưng tàu cá của họ cũng đang đánh bắt trên vùng biển cách tôi không xa đây. Tụi tôi quen rồi, chẳng có gì phải sợ. Biển mình thì mình khai thác” - ông Lý khẳng định.

Ngư dân Phú Yên chuẩn bị lên tàu ra khơi mặc cho lệnh cấm biển ngang ngược của Trung Quốc  Ảnh: HỒNG ÁNH
Ngư dân Phú Yên chuẩn bị lên tàu ra khơi mặc cho lệnh cấm biển ngang ngược của Trung Quốc Ảnh: HỒNG ÁNH

Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - cho biết lệnh cấm biển của Trung Quốc đối với ngư dân không có gì lạ. Cứ một vài năm họ lại cấm một lần. “Cái lệnh ấy được ban bố ra một cách vu vơ, chẳng ai quan tâm” - ông Thuẫn bày tỏ.

Sáng cùng ngày, tàu cá mang số hiệu QNg 96417-TS của ngư dân Dương Văn Giàu đã cập cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) sau chuyến đánh bắt trở về từ vùng biển Trường Sa. Vừa bán hải sản đánh bắt được cho thương lái, ông Giàu tranh thủ phân công thuyền viên sửa sang lại tàu, mua nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chuyến biển sau.

Nói về lệnh cấm biển của Trung Quốc, ông Giàu khẳng khái: “Lệnh cấm đó hết sức ngang ngược. Biển của ta, ai có quyền cấm! Trung Quốc càng lấn tới, ngư dân tụi tôi càng phải ra ra khơi, quyết tâm đấu tranh tới cùng, nếu không thì biển của mình sẽ bị Trung Quốc chiếm mất”.

Vẫn tiếp tục ra khơi

Cập đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sau gần 1 tháng đánh bắt ở biển Hoàng Sa, ngư dân Lê Văn Hạnh, chủ tàu cá QNg 96564 TS, tỏ ra rất bức xúc khi nghe tin Trung Quốc ngang ngược ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông. “Với tôi và ngư dân Lý Sơn, lệnh cấm này chẳng có ý nghĩa gì cả. Sau chuyến này, chúng tôi lại tiếp tục ra khơi. Ngư trường Hoàng Sa mãi mãi thuộc chủ quyền Việt Nam” - ông Hạnh nói.

Cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá của phía Trung Quốc hết sức phi lý, ngư dân Trương Văn Hay (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) quả quyết: “Chúng tôi không sợ gì cả mà vẫn tiếp tục ra khơi bám biển. Nếu chúng ta tỏ ra e sợ hay nhân nhượng thì Trung Quốc sẽ lấn tới thôi”.

Trở về đất liền sau chuyến biển 20 ngày, ông Bùi Xuân Thành (48 tuổi, ngụ xã Tam Quang, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam), chủ tàu cá QNa 91991 TS, cho biết cách đây không lâu, khi tàu ông đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc rượt đuổi. “Tàu mình nhỏ nên khi bị uy hiếp buộc phải chạy vòng vòng né tránh, đợi tàu Trung Quốc đi rồi mới tiếp tục quay lại đánh bắt. Biển của mình thì mình cứ đánh bắt, không gì phải sợ!” - ông Thành khẳng định và cho biết hôm nay (20-5) sẽ lại ra khơi.

Tăng cường bảo vệ ngư dân

Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam, lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông của Trung Quốc không chỉ chẳng làm ngư dân nao núng mà còn khiến họ càng quyết tâm bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa quyết liệt hơn. “Ngư dân cũng mong các cơ quan chức năng có biện pháp tăng cường lực lượng bảo vệ trên biển để bà con yên tâm đánh bắt” - ông Tấn nói.

Nhiều lần bị tàu Trung Quốc quấy rối khi đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Một - chủ tàu cá QNg 96569 TS, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn - nhận định sắp tới, việc làm ăn của ngư dân sẽ khó khăn hơn. Song, ông quả quyết: “Vì kế sinh nhai, vì chủ quyền biển đảo, ngư dân chúng tôi sẽ liên kết nhau tiếp tục vươn khơi bám biển, bám ngư trường truyền thống”.

Dù tỏ ra phớt lờ lệnh cấm biển phi lý của Trung Quốc nhưng ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết vẫn thường nhắc nhở ngư dân mỗi khi ra khơi thì đi theo tổ tàu thuyền để hỗ trợ lẫn nhau. “Chúng tôi đã cung cấp đường dây nóng của các lực lượng chức năng để ngư dân có tình huống gì sẽ liên lạc và nhận được sự hỗ trợ của lực lượng kiểm ngư cũng như cảnh sát biển. Ngư dân mình cứ yên tâm mà bám biển” - ông Phương quả quyết.

Theo ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên, lệnh cấm chỉ là bài thuốc thử của Trung Quốc. Họ xem cấm vậy ngư dân Việt Nam có sợ không, nếu sợ thì làm tới, độc chiếm biển Đông nhưng đã vấp phải tâm lý rất vững của bà con.

 

Ông Hoàng Đình Yên, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam:

Sớm có biện pháp ngăn chặn Trung Quốc

 

img

Hội Nghề cá Việt Nam đã chính thức có văn bản phản đối việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên khu vực biển Đông (trong đó có vùng biển Việt Nam) từ 12 giờ ngày 16-5 đến 12 giờ ngày 1-8.

Theo đó, Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định hành động này của Trung Quốc đã diễn ra trong nhiều năm, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngư dân Việt Nam. Lệnh cấm còn vi phạm quyền chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Hội Nghề cá Việt Nam đã thông báo cho ngư dân cứ tăng cường vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con khi tổ chức ra khơi nên đi theo tổ đội để có thể hỗ trợ lẫn nhau nếu sự cố xảy ra. Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, chấm dứt hoạt động nêu trên của Trung Quốc; đồng thời tăng cường lực lượng tàu thực thi pháp luật trên biển để bảo vệ ngư dân Việt Nam khi bị tàu Trung Quốc uy hiếp.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

Lệnh cấm vô giá trị!

img

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đưa ra theo kiểu áp đặt và vô lý đối với ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của nước ta. Việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm của họ lên nước khác là không có giá trị pháp lý.

Ngay sau lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố hướng dẫn ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, hoạt động đánh bắt cá bình thường trên ngư trường truyền thống của Việt Nam. Vùng biển của ta do ta làm chủ, không ai có quyền cấm đánh bắt.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo