Lần đầu tiên đến với Trường Sa, ông Đào Xuân Quý, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Kon Tum, cho biết những điều mắt thấy, tai nghe đã đưa ông đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. “Các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đã vượt qua thời tiết khắc nghiệt, sự xa cách đất liền để giữ được sự lạc quan, yêu đời, tinh thần kỷ luật cao trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Các anh rất linh hoạt, bản lĩnh, sẽ không có kẻ thù, âm mưu thâm độc nào đánh bại được các anh” - ông Quý nói.
Chỗ dựa vững chắc của ngư dân
Hầu hết các đảo nổi ở Trường Sa là nơi tiếp tế nước ngọt, điểm trú ẩn cho tàu thuyền ngư dân khi thời tiết xấu. Ở các đảoTrường Sa Đông, Đá Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây…, hằng năm cung cấp hàng chục ngàn mét khối nước ngọt cho ngư dân, lực lượng cứu hộ. Đây cũng là nơi chăm sóc sức khỏe cho những ngư dân khi chẳng may bị bệnh hay gặp nạn trên biển.
Theo thượng tá Phạm Văn Lý, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, trong 6 tháng đầu năm 2015, có 852 lượt ngư dân đánh bắt cá tại khu vực của đảo. Đảo đã cung cấp 3.000 lít nước ngọt, 80 kg rau xanh, khám chữa bệnh và cấp thuốc cho 41 lượt ngư dân bị ốm đau trong lúc đánh bắt hải sản; góp phần giúp bà con bám biển, khai thác hải sản hiệu quả.
Máy bay hạ cánh xuống đường băng trên đảo Trường Sa Lớn
Tại đảo Đá Tây có hồ Đá Tây với thềm san hô bao quanh dài 5,7 km, rộng 3 km, sâu từ 5-15 m; cửa luồng sâu tiện cho tàu thuyền ra vào neo đậu tránh gió bão cũng như cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá. Tại đảo này đang xây dựng thêm âu tàu rộng 13 ha đủ cho khoảng 200 tàu cá neo đậu. Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây là nơi cung ứng lương thực, thực phẩm, dầu, nước ngọt và các hàng hóa khác, đặc biệt là sửa chữa máy móc hư hỏng cho ngư dân miễn phí.
Trường Sa Lớn là một hòn đảo lớn của quần đảo Trường Sa. Trên đảo có đường băng cho máy bay lên xuống, nhiều phương tiện hiện đại để hỗ trợ ngư dân. Đặc biệt, đây cũng là nơi tiếp nhận cấp cứu thành công nhiều ngư dân mắc bệnh nặng đột ngột hoặc bị thương khi đang khai thác hải sản trên biển.
Luôn cảnh giác với kẻ địch
Ở Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ luôn quán triệt các chỉ thị, mệnh lệnh về công tác sẵn sàng chiến đấu, tổ chức luyện tập thường xuyên, trực chiến, kịp thời phát hiện các mục tiêu trên không, trên biển. Thiếu tá Hoàng Thanh Tú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông, cho biết trong năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015, các chiến sĩ trên đảo đã phát hiện 410 lượt mục tiêu hoạt động trên không, trên biển; trong đó có cả tàu hải vận, tàu cá và tàu chấp pháp của Trung Quốc.
Hôm đoàn chúng tôi có mặt ở thị trấn Trường Sa, lúc mọi người đang giao lưu trong hội trường thì bất chợt từ loa phát thanh, khẩu hiệu mạnh, rõ, ngắn gọn vang lên: “Tất cả vào vị trí sẵn sàng chiến đấu! Máy bay lạ xuất hiện hướng… giờ...”. Ngay lập tức, các chiến sĩ ai vào vị trí nấy, chăm chú theo dõi mục tiêu, sẵn sàng chiến đấu.
Đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và cơi nới trái phép
Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, cho biết đó là một chiếc máy bay do thám của Trung Quốc bay gần vào không phận của ta. Nếu máy bay cố tình vi phạm không phận Việt Nam sẽ bị cảnh báo và bắn hạ khi cần thiết… “Sẵn sàng chiến đấu, luôn đối mặt với đối phương trong bất cứ tình huống nào trên bầu trời và dưới mặt biển là nhiệm vụ hằng ngày của chúng tôi” - ông Hòa nói.
Tại đảo chìm Len Đao, nhìn qua ống nhòm thấy rất rõ đảo Gạc Ma - hòn đảo của ta bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1988. Tại đây, Trung Quốc đang cơi nới, mở rộng trái phép.
Chỉ huy trưởng đảo Len Đao cho biết dù nằm ngay cạnh đối phương nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao không hề nao núng tinh thần, thường xuyên nêu cao cảnh giác, xử lý khôn khéo, đúng đối sách, đập tan mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Những chú chó trên đảo Len Đao cũng được huấn luyện để sẵn sàng bảo vệ biển đảo. Khi chúng tôi lên thăm, trên đảo có gần chục chú chó to cao lực lưỡng nằm phơi nắng bên chân cầu cảng, tất cả đều hiền lành, gặp ai cũng vẫy đuôi thân thiện. Tuy nhiên, theo các chiến sĩ, khi đêm xuống, các chú chó bắt đầu nhiệm vụ cảnh giới, báo động khi có mục tiêu lạ xuất hiện và không buông tha kẻ lạ xâm nhập đảo trái phép.
Trường Sa giúp tôi trưởng thành
Sĩ quan thông tin, trung úy Đào Văn Hòa (28 tuổi, quê Hải Dương) công tác tại đảo Trường Sa Đông. Tốt nghiệp đại học năm 2011, Hòa đăng ký ra Trường Sa công tác. Trong 4 năm, Hòa đã công tác ở 3 đảo: Phan Vinh, Đá Tây và Trường Sa Đông. Nói về việc gắn bó với Trường Sa, Hòa tâm sự: “Tôi muốn ra đảo để có điều kiện rèn luyện và trưởng thành. Môi trường công tác ở đây giúp tôi trau dồi kiến thức, học hỏi được nhiều điều từ thực tế và trong công tác chỉ huy.” Hòa cho biết thời hạn phục vụ tại Trường Sa sắp hết nhưng nếu có điều kiện, anh vẫn muốn được quay lại vùng đảo này.
Kỳ tới: Còn nợ với Trường Sa
Bình luận (0)