xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biển Đông là vấn đề toàn cầu

Phan Anh

Trong những năm gần đây, những tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông chẳng những gây ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân mà còn đe dọa nền hòa bình và quyền tự do hàng hải của các quốc gia trong khu vực

Sáng 25-7, tại TP HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã khai mạc hội thảo quốc tế về biển Đông với sự tham dự của nhiều học giả trong và ngoài nước.

Ngòi nổ của các quan ngại

Mở đầu hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhận định biển Đông là vùng biển có vị trí địa chiến lược quan trọng, là tuyến đường vận tải biển quốc tế nhộn nhịp nhất. Chính vì thế, những tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông trong những năm gần đây chẳng những gây ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân mà còn đe dọa nền hòa bình và quyền tự do hàng hải của các quốc gia trong khu vực. “Chúng ta cần nhanh chóng áp dụng những giải pháp thích hợp nhằm giảm căng thẳng và giải quyết những tranh chấp này để tránh dẫn đến nguy cơ bùng phát xung đột quân sự giữa các quốc gia trong khu vực” - ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại hội thảo sáng 25-7
Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại hội thảo sáng 25-7 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chính trị gia từng có 40 năm tham gia tại chính trường Ấn Độ - TS Pradhan, nguyên cố vấn an ninh quốc gia của thủ tướng Ấn Độ, nhận định xung đột đang ngày càng gia tăng và các quan hệ cũng bắt đầu căng thẳng do Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và muốn thể hiện ảnh hưởng của mình. “Trung Quốc đang muốn gì?”- ông Pradhan đặt vấn đề. Theo ông  Pradhan, những năm vừa qua, Trung Quốc tập trung xây dựng quân đội hùng mạnh, dùng công nghệ cao quấy nhiễu, củng cố lực lượng bờ biển, tạo một lực lượng hùng mạnh. Nếu quan sát, phân tích động thái của Trung Quốc, chúng ta thấy họ đang chơi trò chờ đợi (wait game), mai phục. Từ phân tích này, TS Pradhan khẳng định Trung Quốc chính là “ngòi nổ” dẫn đến các quan ngại bằng chính sách 2 mặt của mình: một mặt vẫn theo đuổi các chính sách đối ngoại với Việt Nam, Philippines và cả ASEAN; mặt khác tiếp tục bành trướng và chiếm các vùng lãnh thổ không thuộc về mình.

Đồng quan điểm, ông Võ Minh Tập, ĐHQG TP HCM, nhận định biển Đông là điểm nóng tiềm tàng của thế kỷ XXI, liên quan đến 3 phương diện chủ yếu: vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở các đảo; phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn; quyền tự do và an toàn hàng hải kéo theo những hiện trạng vô cùng phức tạp. “Giờ biển Đông không còn của các nước liên quan mà đã trở thành vấn đề toàn cầu bởi Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng ở đây một cách có hệ thống. Tuy giàn khoan Hải Dương 981 đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nhưng khó đoán được bước tiếp theo Trung Quốc sẽ hành động như thế nào vì họ thường sử dụng chiêu bài “lùi 1 bước tiến 3 bước”, làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng, phức tạp” - ông Võ Minh Tập phân tích. Chuyên gia Nga Evgeny Kanaev (Viện Quan hệ quốc tế Moscow) đưa ra bình luận hiện nay, diễn biến trên biển Đông rất khó đoán định cho nên Nga đã chuẩn bị tài liệu về ngăn ngừa các sự cố tại đây và quan tâm đến các xung đột ở khu vực này. Ông Evgeny Kanaev đặt vấn đề: “Nếu có xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam, Nga sẽ không nghiêng về bên nào vì cả hai nước đang là đối tác chiến lược của Nga trên nhiều lĩnh vực. Tất nhiên, Nga không thể làm hài lòng cả Bắc Kinh và Hà Nội nhưng hiện nay, Nga có các dự án năng lượng trên biển Đông nên rất quan ngại các xung đột tại đây”.

Liên Hiệp Quốc cần thể hiện vai trò

Trước những toan tính của Trung Quốc, theo nhiều đại biểu, nước này đang tìm mọi cách để hạn chế đa phương, đưa về song phương. Trung Quốc càng không muốn sự diện hiện của các nước phương Tây ở biển Đông, nhất là Mỹ. Trung Quốc cũng đang lợi dụng những điểm yếu trong mối quan hệ ASEAN, bẻ gãy liên kết trong ASEAN. “Trong thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã quan sát được những hoạt động hiếu chiến của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế cũng đã lên án và nỗ lực để bảo vệ an ninh khu vực, thông qua việc giàn xếp ký kết giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, nỗ lực của quốc tế cũng đã không được Trung Quốc tôn trọng. Trung Quốc đã lờ đi các khuyến nghị của các quốc gia, bằng chứng là nước này đã chiếm các bãi cạn ở biển Đông; tranh chấp trên biển Hoa Đông với Nhật Bản cũng đã xảy ra. Và căng thẳng lại leo thang cả ở các vùng biên giới với Ấn Độ” - TS Pradhan dẫn chứng. Ông Pradhan yêu cầu cộng đồng quốc tế thống nhất, đưa ra tiếng nói chung, đủ mạnh để những quốc gia vi phạm phải bị chế tài theo luật pháp quốc tế; đồng thời cần hỗ trợ, bảo vệ các nước nhỏ, yếu thế hơn trong đấu tranh với Trung Quốc.

Các diễn giả Trần Hữu Thùy Giang (ĐH Southerm Cross - Úc), Vũ Mạnh Cường (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), Đoàn Thi Quang (ĐH Queensland - Úc) cùng đồng ý với khuyến nghị của nhiều diễn giả quốc tế khi cho rằng vai trò của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cần được thể hiện rõ hơn. Thậm chí, có đại biểu đặt câu hỏi: Tại sao cho đến nay, các tranh chấp đã trở thành bàn đạp xâm phạm chủ quyền của một quốc gia (thành viên LHQ) mà LHQ vẫn chưa tham gia hoặc lên tiếng bảo vệ. Càng rõ ràng hơn khi xem xét đối với các quốc gia đã ký Công ước LHQ về Luật Biển thì rất nhiều quy định đã bị Trung Quốc vi phạm. Ông Võ Minh Tập kiến nghị không chờ đợi cộng đồng quốc tế, bản thân ASEAN cần đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, đối thoại với các nước lớn bên ngoài, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho giải quyết tranh chấp, xung đột; sử dụng sức ép quốc tế để yêu cầu Trung Quốc chấp nhận việc đưa tranh chấp trên biển Đông ra giải quyết ở các thiết chế toàn cầu.

Cục Hải sự Trung Quốc hôm 25-7 thông báo giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động gần 2 tháng tại Lăng Thủy thuộc Hải Nam. “Từ ngày 23-7 đến 30-9, giàn khoan Hải Dương 981 tác nghiệp tại khu vực cách Lăng Thủy 68 hải lý về phía Đông Nam” - thông báo nêu rõ.

 

Thi thiết kế khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Sáng 25-7 tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với các đơn vị đã tổ chức thi tuyển chọn phương án thiết kế công trình khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Khu tưởng niệm sẽ được xây dựng tại khu 2 thuộc Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) với tổng diện tích dự kiến khoảng 20.000 m2. Đây là công trình ghi danh, tưởng nhớ, tri ân 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến ngày 14-3-1988 để bảo vệ đảo Gạc Ma, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết đây là cuộc thi để tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma nên không có giải thưởng. “Công trình phải thể hiện được hình ảnh về sự hy sinh quả cảm, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc” - ông Đặng Ngọc Tùng nói.

Các tổ chức và cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia cuộc thi này, đăng ký từ nay đến ngày 25-8. Đầu tháng 11-2014, hội đồng tuyển chọn chấm giải và công bố kết quả.

 

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc:

Việt Nam đã thực hiện hiệu quả công cụ truyền thông

Hiện tại, Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) ra khỏi vùng biển Việt Nam và cuộc hội thảo quốc tế về tranh chấp biển Đông hôm nay là động thái cần thiết để tìm ra giải pháp cho những diễn biến sắp tới nhằm hối thúc Trung Quốc phải thay đổi cách hành xử trước những yêu cầu không ngừng từ phía Việt Nam. Bắc Kinh không thể duy trì việc từ chối thiết lập đường dây nóng hay các đề nghị đối thoại từ phía Việt Nam như trước đây.

Cả Việt Nam và Trung Quốc cần kiềm chế. Việt Nam cần duy trì sử dụng truyền thông, báo chí, các học giả uy tín để

đáp trả bất cứ cáo buộc nào từ phía Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất hiệu quả công cụ này cho tới nay và cần phải phát huy hơn nữa.

Ông David Brown, chuyên gia nghiên cứu độc lập (Mỹ):

Trung Quốc xây dựng giàn khoan trên tuyên bố bất hợp pháp

Chính phủ và báo chí Trung Quốc không ngừng thổi phồng trữ lượng dầu khí ở biển Đông để khuấy động dư luận. Năm 2010, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) nhận định trữ lượng dầu khí tại biển Đông chưa thể xác định, chỉ ước tính khoảng 16 tỉ thùng dầu và hơn 4 triệu tỉ lít khí tự nhiên. Trong khi đó, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) năm 2012 lại ước tính biển Đông có tới 125 tỉ thùng dầu và khoảng 14 triệu tỉ lít khí tự nhiên. Hiện biển Đông chưa thu hút nhiều công ty lớn đầu tư, khai thác bởi chưa có bằng chứng cụ thể và thuyết phục về trữ lượng dầu mỏ tại đây. Trung Quốc đang khát dầu mỏ để phục vụ cho nền kinh tế đang trỗi dậy. Năm 2012, nước này đã nhập khẩu 10% nhu cầu năng lượng; đến năm 2040, sẽ phải cần thêm 70% dầu mỏ từ bên ngoài. Vì vậy, Trung Quốc tìm mọi khả năng khoan dầu ở biển Đông, dễ nhận thấy nhất là việc họ xây dựng hàng loạt giàn khoan nhưng lại dựa trên những tuyên bố bất hợp pháp.

Phó Giáo sư Tuong Vu, Đại học Oregon (Mỹ):

Rất đáng tự hào

Trong khi Việt Nam hoan nghênh các giải pháp hòa bình nhưng phía Bắc Kinh lại không chịu xuống nước. Việc đưa vụ việc ra tòa án quốc tế của Việt Nam nếu có là một bước đi đúng hướng nhưng tôi cho rằng không nên quá lạc quan về khả năng chiến thắng. Điều cần thiết là phải chuẩn bị đầy đủ cho “cuộc chiến pháp lý” nhiều thử thách này.

Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam tích cực và rất đáng tự hào, chính điều đó đã giúp Việt Nam giành được những thắng lợi đáng nể. Nhưng đó là câu chuyện đã qua, đến lúc chúng ta cần phải để quá khứ ngủ yên để xây dựng sức mạnh mang tính thời đại và hướng về tương lai.

Thu Hằng (ghi)

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo