Hiện trên thế giới, có nhiều phương pháp khử các ô-xýt ni-tơ thành ni-tơ và ô-xy (những khí không độc). Tuy nhiên, cái khó là, ở nước ngoài, các nhà khoa học thường hướng vào việc nghiên cứu các chất khử NO2 có đặc điểm là hoạt động được ở nhiệt độ thấp (khoảng 200o-300oC) nhưng trong điều kiện VN, các nhà máy thường sử dụng dầu FO, DO làm chất đốt. Thông thường, nhiên liệu không cháy hết 100% và thải ra các chất hy-dro các-bon như CO hoặc NO2. Trong thực tế, ở các lò thiêu, người ta còn thường tăng cao nhiệt độ để tăng hiệu suất đốt cháy và “vô tình” tạo ra nhiều ô-xýt ni-tơ trong khí thải.
Làm thế nào để xử lý có hiệu quả các chất khí thải độc hại này ở nhiệt độ cao? Đó là băn khoăn của TS Lê Văn Tiệp và các cộng sự. Trong khuôn khổ hợp tác giữa Phòng Xúc tác và Công nghệ môi trường (Phân viện Khoa học Vật liệu tại TPHCM thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia) với Phòng Thí nghiệm Réactivité de Surface – Đại học P.&M. Curie – Paris-Pháp phải mất hơn 2 năm (từ năm 2000 đến nay) TS Lê Văn Tiệp mới tìm ra được một chất có thể giải quyết được vấn đề trên. Theo TS Tiệp, chất xúc tác do nước ngoài chế tạo có đặc điểm là hoạt động được ở nhiệt độ thấp (200o-300oC) với mức độ xử lý khoảng 60%, nhưng chất xúc tác do ông và các cộng sự tìm ra có thể hoạt động tốt ở nhiệt độ 450oC với mức độ chuyển hóa hơn 90% CO thành CO2, NO2 thành ni-tơ và ô-xy.
Hiện TS Lê Văn Tiệp đang cùng các đồng nghiệp Pháp chuẩn bị công bố công trình này trên các tạp chí khoa học chuyên ngành ở Pháp trong vài tháng tới.
Phù hợp với Việt
TS Lê Văn Tiệp cho biết, đây là một chất rắn. Chất này được chế tạo từ các nguyên liệu trong nước, dễ tìm và giá rẻ. Chất này được đặt trong một ống kim loại và gắn vào ống khí thải của lò đốt nhà máy. Khí thải từ lò đốt của nhà máy thoát ra sẽ đi qua ống pô chứa chất xúc tác và được lọc sạch trước khi thải ra ngoài. Hiện ống pô này đã được lắp đặt thử nghiệm trong một số lò đốt rác y tế cho một số bệnh viện ở miền Tây như Bệnh viện Sóc Trăng, Bệnh viện Lao ở Mỹ Tho (Tiền Giang), Nhà máy Nông dược tỉnh Tiền Giang...
TS Tiệp cho biết, Phòng Xúc tác và Công nghệ môi trường sẵn sàng tham gia cùng TPHCM trong chủ trương giảm thiểu ô nhiễm môi trường TP. Về mặt chi phí, TS Tiệp cam đoan sẽ rẻ hơn khoảng 50% so với các hệ thống xử lý khí thải khác hiện đang được lắp đặt ở các cơ sở sản xuất trong TP. Về mặt tiện lợi, sau một thời gian chất xúc tác hấp phụ và xử lý khí độc, người ta chỉ cần tháo ống pô ra để phục hồi mà không cần phải thay thế chất xúc tác...
Đầu năm 1992, ông Tiệp đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris VI (Pháp) với đề tài về chuyển hóa mê-tan thành ê-ty-len và ê-tan làm nguyên liệu cho công nghiệp.
TS Lê Văn Tiệp sinh năm 1948. Sau khi tốt nghiệp ngành hóa Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1970, ông tình nguyện rời Hà Nội lên công tác ở Cao Bằng. Năm 1970-1978, ông được phân công dạy học. Tháng 3-1978, ông chuyển về Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia tại TPHCM cho đến nay.
Bình luận (0)