Kết quả khảo sát và phân tích số liệu từ hơn 192 quốc gia cho thấy hơn 8 triệu tấn rác nhựa được đổ xuống các đại dương mỗi năm, tương đương 16 túi nhựa trên một mét đường bờ biển.
Cảnh báo cần thiết
Năm quốc gia gây ô nhiễm nhựa nghiêm trọng nhất là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. Khoảng 1/3 tổng lượng rác nhựa do Trung Quốc thải ra và 10% từ Indonesia, Việt Nam cũng “góp” 6%.
“Nếu 5 quốc gia này quản lý được 50% lượng chất thải của họ, chẳng hạn như đầu tư hệ thống hạ tầng quản lý, thì tổng lượng rác thải không được quản lý của toàn cầu sẽ giảm 1/4” - Science công bố. Bởi lẽ, các quốc gia ô nhiễm nhựa hàng đầu chưa hẳn là những nước có lượng rác thải nhiều nhất mà nguyên nhân quan trọng hơn là do họ chưa có hệ thống quản lý, tái sử dụng hợp lý nguồn rác thải.
Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng thông tin mà Science công bố không có số liệu cụ thể từ Việt Nam và không biết họ lấy từ nguồn nào nên không thể bình luận được gì.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường - đây là nghiên cứu theo một hệ phương pháp thống nhất toàn cầu trong khuôn khổ của GPA (Chương trình Hành động toàn cầu quản lý ô nhiễm biển, đất liền). Việt Nam là thành viên của GPA và Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối.
“Đây là một tín hiệu đáng lo lắng về vấn đề suy giảm chất lượng môi trường biển Việt Nam bởi năm 2012, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức đánh giá chất lượng môi trường của đại dương tại 73 vùng biển. Theo đó, Việt Nam đứng ở vị trí 50 trong thang điểm 100, 70% số quốc gia dưới mức 50 điểm.
Vì vậy, Việt Nam cần xem công bố của Science như một cảnh báo cần thiết để đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý môi trường biển, nhất là trong bối cảnh khu vực biển Đông đang nỗ lực tìm một cơ chế chung để thúc đẩy hợp tác về môi trường biển như là một biện pháp góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực này” - ông Hồi nói.
70% là nguồn thải từ đất liền
Tính chuẩn xác của số liệu này đến đâu còn rất nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà khoa học trong nước nhưng ô nhiễm biển đang ngày càng trầm trọng hơn là điều ai cũng có thể nhận ra. Các bãi biển đẹp, nổi tiếng về du lịch như Phú Quốc, vịnh Hạ Long… đang bị nhiễm đục và rác thải tấn công, thậm chí nhiều nơi du khách than phiền nước biển gây ngứa.
Thời gian qua, liên tục xảy ra nhiều vấn đề liên quan đến môi trường biển như: dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển Vũng Tàu; hàng tấn nghêu, ốc chết trôi dạt vào bờ biển Hà Tĩnh. Thống kê sơ bộ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy từ năm 1992 đến nay, xảy ra 130 vụ tràn dầu trên biển, sông Việt Nam gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường.
Năm 2010, GPA đã chọn Việt Nam để thử kiểm kê tổng thể tải lượng các chất gây ô nhiễm biển và vùng cửa sông ven bờ từ nguồn đất. Kết quả cho thấy khả năng gây ô nhiễm biển từ vùng biển ven bờ là 30% và 70% là do các nguồn thải từ đất liền.
Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, các báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam đều thể hiện xu hướng gia tăng ô nhiễm biển cùng với sự gia tăng của các hoạt động sản xuất, phát triển. Vấn đề này được chứng minh qua các hiện tượng: thủy triều đỏ, ô nhiễm kim loại nặng, dầu tràn, hóa chất bảo vệ thực vật, rác thải biển…
“Thế nhưng, vấn đề môi trường biển nói chung và ô nhiễm biển nói riêng vẫn chưa được đề cập đúng tầm của nhiệm vụ quản lý nhà nước. Các hệ thống quan trắc, cảnh báo ô nhiễm biển tuy đã thiết lập từ năm 1995 nhưng chưa đủ hiện đại và đại diện cho không gian biển quốc gia, chưa kịp thời cảnh báo những vấn đề môi trường nảy sinh và tác động của nó đến kinh tế - xã hội biển và ven biển.
Ngoài ra, hoạt động kiểm kê định kỳ và kiểm soát nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa rõ đơn vị nào phải chịu trách nhiệm. Do đó, việc ứng phó với tình trạng ô nhiễm biển hiện nay vẫn rất thụ động, chỉ quan tâm khi có tình huống cụ thể xảy ra” - ông Hồi phân tích.
Lôi cuốn toàn xã hội tham gia
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho biết hiện nay, Chính phủ đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo nhiệm vụ thể chế hóa và cụ thể hóa việc tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường biển nói chung, kiểm soát ô nhiễm biển nói riêng. Bên cạnh việc giảm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, luật pháp và chính sách biển quốc gia trong thời gian tới phải lôi cuốn được toàn xã hội tham gia, trong đó cộng đồng người dân hoạt động kinh tế ven biển và trên biển phải thực sự nhập cuộc.
“Quản lý ô nhiễm biển phải tuân thủ nguyên tắc “chăm sóc môi trường từ đầu”, “lấy phòng ngừa là chính” và phải tăng cường xử lý tại nguồn, thậm chí từ các hành động thực hiện ở giai đoạn sớm của quá trình phát triển, như: chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, các dự án cụ thể và các hoạt động sản xuất” - PGS-TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.
Bình luận (0)