Sáng 8-3, từng chuyến bè, mủng của ngư dân thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa tấp nập cập bến chở đầy tôm cá, gương mặt ai cũng phấn khởi. Đây là chuyến đi biển đầu tiên sau 10 ngày người dân ngừng ra khơi, kéo nhau lên các cơ quan công quyền đòi quyền lợi.
Chưa hết băn khoăn
Dù những khúc mắc của ngư dân đã được Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến giải tỏa trong buổi đối thoại sáng 7-3 nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Ngư dân Vũ Đình Sáu (ngụ thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư) rất phấn khởi khi nghe lời hứa của bí thư. Theo ông, để người dân neo đậu tàu thuyền, đánh bắt ở vùng biển của mình là phù hợp với tập quán và đặc thù nghề nghiệp của dân địa phương. “Điều này giúp ngư dân không mất công ăn việc làm và yên tâm bám biển” - ông Sáu phấn khởi.
Dù vậy, nhiều ngư dân vẫn cho rằng Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cần nêu rõ hơn về việc có nhất trí cho dân 4 xã, phường được giữ lại khoảng 1.000 - 1.500 m bờ biển để neo đậu tàu, thuyền hay không. “Bí thư không nói rõ ràng nguyện vọng của bà con là muốn giữ lại một phần bờ biển mãi mãi mà nói cứ làm bình thường khiến chúng tôi cũng chưa yên tâm” - ông Cao Văn Năm (ngụ phường Bắc Sơn) băn khoăn.
Tại xã Quảng Cư - nơi có nhiều ngư dân theo nghề đánh bắt gần bờ nhất của thị xã Sầm Sơn - các ngư dân cho biết sẽ không nhận tiền đền bù, không muốn đổi nghề. Bởi lẽ, phần lớn họ đã nhiều tuổi, muốn kiếm việc khác cũng khó, lại thiếu vốn đóng tàu lớn vươn khơi và quan trọng là không có kinh nghiệm, kỹ thuật đánh bắt xa bờ.
“Chúng tôi chỉ muốn chính quyền để lại một đoạn bờ biển như nguyện vọng. Nếu được, bà con sẽ sắp xếp, dọn dẹp bờ biển cho sạch đẹp, phù hợp với việc cải tạo bờ biển của địa phương để không ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch” - ông Ngô Hữu Giáp (ngụ xã Quảng Cư) mong mỏi.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, khẳng định việc cải tạo bãi biển Sầm Sơn vẫn diễn ra bình thường theo dự án nhưng sẽ không ảnh hưởng đến việc neo đậu, khai thác thủy sản của ngư dân. Theo ông Tuấn, sau cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với ngư dân, Thị ủy Sầm Sơn cũng đã giao cho UBND thị xã xây dựng phương án trình UBND tỉnh xem xét rồi sau đó bàn bạc, tìm sự đồng thuận. Phương án xây dựng phải phù hợp với điều kiện khai thác của người dân và phát triển du lịch của địa phương.
“Trục lợi” chính sách hỗ trợ?
Nhiều ngư dân giãi bày bức xúc với phóng viên trước việc nhiều người không đi biển, thậm chí đã bỏ nghề từ rất lâu nhưng thấy UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành chính sách hỗ trợ thì lại mang những chiếc bè, mảng hư hỏng, thậm chí mua lại của bà con, đem ra bãi biển dựng nhằm “trục lợi”.
“Những ngư dân chân chính như chúng tôi không chấp thuận chuyển nghề nhưng những người đó đồng ý rất nhanh. Nếu cấp trên về kiểm tra, chúng tôi sẵn sàng chỉ rõ từng trường hợp” - ông Ngô Hữu Giáp phản ánh.
Bà Ngô Thị Ngọc - trưởng thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư - cho biết có nghe thông tin này, trong thôn cũng có khoảng trên 10 hộ. Số liệu bà không nắm nhưng bên an ninh thôn điều tra và báo hiện đã cao hơn nhiều so với trước đây là 222 bè, mủng. Hiện trong thôn chưa có ai ký nhận tiền hỗ trợ mà vẫn kiên quyết bám nghề.
Theo ông Lê Trọng Hinh, Trưởng Phòng Kinh tế - UBND thị xã Sầm Sơn, báo cáo từ các xã, phường cho thấy số liệu bè, mủng đã tăng lên rất nhiều, ban đầu chỉ có 705 chiếc thì nay đã lên hơn 800 chiếc. “Tại xã Quảng Cư, có rất nhiều số liệu khác nhau. Lúc đầu chỉ 280 chiếc nhưng sau khi có quyết định hỗ trợ của tỉnh, số liệu đã tăng lên 418, gần đây nhất là 458” - ông Hinh cho hay.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án quy hoạch “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương” vào tháng 10-2015 với tổng mức đầu tư 315 tỉ đồng do Tập đoàn FLC thi công, quản lý theo hình thức BOT. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào giữa tháng 4-2016 để kịp phục vụ cho mùa du lịch. Khi hay tin UBND tỉnh Thanh Hóa giao dự án cho FLC, hàng ngàn ngư dân đã kéo lên trụ sở UBND thị xã Sầm Sơn, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa phản đối vì lo sợ mất kế sinh nhai.
Bình luận (0)