xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biệt đãi người có công

Văn Duẩn - Quang Vinh - Hồng Ánh

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, sự tri ân của Đảng, nhà nước, nhân dân ta đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc

Theo ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện cả nước có hơn 8,8 triệu người có công (NCC) với cách mạng, trong đó có 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lan rộng

Thực tế cho thấy NCC đã được quan tâm và hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi. Chỉ tính riêng kinh phí chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp, năm 2012 nhà nước đã chi 25.640 tỉ đồng, năm 2013 là trên 29.000 tỉ đồng. Như vậy, so với chuẩn trợ cấp xã hội là 270.000 đồng thì mức chuẩn ưu đãi NCC là 1.220.000 đồng, cao gấp 5 lần. Ngoài ra, nhà nước đã chi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng các công trình phục vụ NCC, hàng ngàn tỉ đồng để hỗ trợ về nhà ở, ưu đãi giáo dục cho NCC với cách mạng và thân nhân của họ.

Con đường bê-tông do thương binh Ngô Văn Nhặt vận động xây dựng ở tỉnh Phú YênẢnh: HỒNG ÁNH
Con đường bê-tông do thương binh Ngô Văn Nhặt vận động xây dựng ở tỉnh Phú YênẢnh: HỒNG ÁNH

Các chế độ, chính sách đối với NCC ngày càng được hoàn thiện, bám sát thực tế. Hệ thống cơ sở sự nghiệp, trung tâm khoa học - sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho NCC từng bước được đầu tư xây dựng. Các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng luân phiên thương binh, NCC được sửa chữa, nâng cấp. Phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng không ngừng được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, 95% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống nơi cư trú. Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” gần 1.500 tỉ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Cả nước hiện có 59.000 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, gần 4.000 mẹ còn sống, đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời. Việc xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC đã trở thành phong trào và được các cấp ủy Đảng, chính quyền đưa vào kế hoạch phấn đấu của địa phương, cơ sở. Hiện cả nước đã có 96% xã/phường được công nhận là xã/phường làm tốt công tác này.

Cũng theo Bộ LĐ-TB-XH, dù đã có nhiều cố gắng song trong quá trình thực hiện vẫn còn có những NCC chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chế độ, chính sách, thậm chí hưởng sai chính sách. Vẫn còn có nơi, có chỗ đời sống của một bộ phận NCC còn khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng trước đây do không còn sức lao động, không có nguồn thu nhập ổn định, sự giúp đỡ của xã hội chưa đủ để giúp họ vượt qua những khó khăn.

Trong dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định về mức hỗ trợ quà tặng cho NCC với cách mạng, tổng kinh phí được phê duyệt là 374 tỉ đồng.

Chiến thắng mọi nghịch cảnh

Quảng Nam là một trong những địa phương có số lượng thương binh nhiều nhất nước, số NCC chiếm đến 20% dân số toàn tỉnh. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam cho biết hiện toàn tỉnh có 22.500 người được xác nhận là thương binh, trong đó gần 16.000 thương binh đang được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước với mức từ 822.000 đồng/tháng đến 3,913 triệu đồng/tháng. Đại diện sở này cho rằng hiện tại mức tối thiểu trợ cấp cho thương binh cao hơn chuẩn nghèo nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thường nhật nên tăng số tiền trợ cấp để các thương binh có thể bảo đảm cuộc sống.

Ông Nguyễn Xuân An, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam, đánh giá: Nhiều chủ trương của nhà nước rất đúng đắn nhưng quá trình thực hiện còn nhiều bất cập. Trong kháng chiến, nhiều người lao vào chiến trường, không tiếc máu xương, không hề tính toán. Thế nhưng, trong thời bình, khi làm các chế độ thì đòi hỏi quá nhiều thủ tục rườm rà, thiếu thực tế. Ví dụ, thương binh cần cả hồ sơ gốc gồm xác nhận thương tích, giấy xuất viện… thì khó tìm vì những người tham gia chiến đấu nếu mà nghĩ để sau này được hưởng chế độ thì họ đã không bao giờ dám ra chiến trường. Yêu cầu có vết thương thực thể cũng bất cập. Nhiều người trúng bom bị thương, không có vết thương thực thể nhưng mỗi khi trái gió trở trời, họ chịu nhiều đau đớn.

Theo ông An, dù cuộc sống của phần đông thương binh vẫn còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn cố gắng vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực cho cộng đồng. Tại hội nghị biểu dương NCC với cách mạng tiêu biểu toàn quốc vừa qua, trong số 184 người được biểu dương, tỉnh Quảng Nam cũng có 3 thương binh tiêu biểu góp mặt.

Tỉnh Phú Yên hiện có trên 3.300 thương binh, trong đó thương binh nặng loại 1/4 là 81 người. “Trước đây, khi chế độ cho thương binh còn thấp, nhiều thương binh có hoàn cảnh khó khăn nhưng nay đời sống của họ đã đổi khác, không còn trường hợp nào thiếu ăn” - ông Lê Đức Tịnh, Phó Phòng NCC Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, nhìn nhận.

Theo ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, trước đây, khi thực hiện chủ trương của Bộ LĐ-TB-XH trong việc đưa thương binh nặng về lại với gia đình, tỉnh Phú Yên không tránh khỏi lo lắng vì các khâu chăm sóc cho thương binh không được chu đáo. Nhưng nhờ vậy, nhiều người khi trở về với gia đình đã không ngồi chờ sự hỗ trợ của nhà nước mà chủ động vươn lên trong cuộc sống, đóng góp tích cực cho xã hội. Trong những điển hình mà Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên tuyên dương có thương binh Ngô Văn Dụ (70 tuổi) ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, là điển hình mẫu mực về làm kinh tế giỏi của tỉnh. UBND tỉnh Phú Yên cũng đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho thương binh hạng 2/4 Ngô Văn Nhặt cùng vợ là bà Lê Thị Chè, thương binh hạng 4/4 ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, vì đã bỏ tiền túi hàng chục triệu đồng và vận động thêm từ nhiều nguồn để xây con đường bê-tông rộng 2,5 m, dài hơn 160 m cho thôn Mỹ Thành, xã Hòa Mỹ Tây.

Theo ông Lưu Công Thục, Trưởng Ban Tuyên giáo - Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên, phần lớn thương binh ở tỉnh không được học hành nhiều. Khi trở về với cuộc sống, họ phải làm lại từ đầu trong khi sức khỏe không tốt nên những tấm gương vượt khó làm giàu đều rất đáng nể phục. 

Ngọn nến lòng

Những cuộc chiến khốc liệt với sự hy sinh anh dũng của hàng triệu liệt sĩ mãi mãi in sâu trong tâm tưởng từng người dân. Mỗi ngọn đồi, mỗi cánh rừng, từng con sông, từng dòng suối hay bất cứ nơi nào trên khắp non nước này còn thấm đẫm máu đào và đang lưu giữ trong lòng đất một phần thịt xương của các anh hùng liệt sĩ sẽ không thể và không bao giờ phai trong lòng những người Việt Nam hôm nay.

Nhiều cựu binh từng vào sinh ra tử suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, vào mỗi dịp 27-7 hằng năm đều về thắp hương ở các nghĩa trang và luôn trăn trở, thậm chí cảm thấy có một phần thiếu sót vì trên những tấm bia mộ của đồng đội còn nhiều tấm chưa được ghi tên. Họ đã không cầm được nước mắt khi nghĩ đến đồng đội còn nằm đâu đó dưới lòng đất lạnh. Băn khoăn ấy tựa vết dao cứa lòng.

Những ngọn nến được thắp lên để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ rồi sẽ tắt. Chỉ có những ngọn nến trong lòng người mới luôn cháy mãi và rực sáng lửa tri ân.

Lê Trường

 

Không được lãng quên!

 

Ông Nguyễn Cống (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam), thương binh hạng 4/4, vượt khó vươn lên làm giàu 
Ảnh: QUANG VINH
Ông Nguyễn Cống (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam), thương binh hạng 4/4, vượt khó vươn lên làm giàu Ảnh: QUANG VINH

 

Nhiều người lâu nay có lẽ vẫn nghĩ rằng chiến tranh đã lùi xa, giờ chỉ còn chuyện làm giàu, chuyện phát triển. Nhưng hóa ra chiến tranh vẫn hiện hữu. 39 năm qua, kể từ ngày chúng ta thống nhất 2 miền Nam - Bắc, máu của đồng bào ta, của các chiến sĩ ta vẫn đổ xuống trên mỗi tấc đất biên cương, nơi mỗi hòn đảo và vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Một số đông lớp trẻ bây giờ thạo game và mạng xã hội, thạo tiếng Anh nhưng lại không thuộc lấy mươi dòng lịch sử, không biết cha ông đã mở cõi, đã hy sinh chiến đấu chống các thế lực ngoại xâm thế nào. Trong đời sống thường ngày, nhiều người không hiểu tại sao có những cựu binh đang sống cùng gia đình ở các vùng khác nhau, kể cả những người ăn không no, mặc không ấm nhưng lại nuôi trâu, nuôi lợn, nuôi cá, chăn gà, tích góp lấy chút tiền rồi lặn lội về lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Chỉ những người lính đã đi qua chiến tranh mới hiểu tâm trạng ấy, hiểu những hành động tưởng chừng như kỳ quặc ấy!

Có những trang sử dân tộc rất quật cường và anh dũng nhưng vì những lý do nào đó đã bị che khuất ở các giai đoạn khác nhau. Có những hy sinh, mất mát to lớn vì sự nghiệp chung nhưng không phải khi nào cũng được nhìn nhận, đền đáp. Trong chiến tranh, đôi khi hàng trăm người đã ngã xuống âm thầm, còn vòng nguyệt quế lại chỉ dành cho một đôi người, thậm chí tạo cho ai đó vinh thân phì gia mà quên đi quá khứ, quên đi sự hy sinh của bao người khác...

Họ đã ngã xuống cho đất nước đứng lên. Vì thế, không ai được phép quên họ!

Tiến sĩ Bùi Anh Thủy

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo