Hai người con của anh Nguyễn Văn Bảy và chị Huỳnh Thị Tín, trú khối 8, phường Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam có số phận trái ngược nhau. Chị Huỳnh Thị Tín nhớ lại: “Năm cháu Phi 3 tuổi, trong một lần bị ngỗng rượt, cháu về nhà khóc rồi đột nhiên đánh vần rành rọt từ ngỗng. Tối hôm đó, tôi để ý thì thấy cháu đánh vần theo các chữ hiện ra trong chương trình thời sự”. Cháu Phi sinh ngày 8-5-2003, hiện nay, mặc dù chưa đi học ngày nào, nhưng cháu có thể đọc viết thông thạo, nhận diện chính xác các từ viết tắt như QĐ-UBND, CHXHCNVN, TTg,... Theo gia đình, cháu Phi rất thích xem chương trình thời sự trên tivi và đặc biệt xác định rất chính xác tên tuổi, chức vụ của các vị nguyên thủ quốc gia thường phát biểu trên truyền hình, hoặc các bình luận viên bóng đá. Năm ngoái, nghe bé Diệu học lớp 3 nhà hàng xóm học bảng cửu chương, cháu cũng nhẩm theo và bây giờ cháu Phi đã đọc thuộc lòng, có thể giải toán nhân hai con số rành rọt. Anh Nguyễn Văn Bảy, cha của cháu Phi, cho biết: “Có lần tôi viết đơn xin việc, đưa cho con thử đọc. Ai ngờ từ đó đến nay, mỗi lần cháu vui là đọc lại ra rả nguyên văn lá đơn xin việc của tôi!” . Khi chúng tôi bảo Phi thử đọc “Năm điều Bác Hồ dạy”, chỉ sau hai lần đọc qua, Phi đã có thể học thuộc lòng.
Nhưng người anh của Phi lại không may mắn như vậy. Năm 1999, trong cơn lũ nhấn chìm Cẩm Kim, thị xã Hội An, gia đình anh Bảy, chị Tín phải sơ tán qua phường Thanh Hà, tài sản trôi theo con lũ, đứa con đầu Nguyễn Văn Trung bỗng nhiên lại mắc chứng sốt bại não. Cháu Phi lại rất ít ăn và đặc biệt ghiền món bí đỏ. Phi cho biết: “Con rất thích xem thời sự (thời sự trên tivi - PV), Chiếc nón kỳ diệu, thích chú Long Vũ, chị Maika; chú Quyền Linh với Tam sao thất bản (các chương trình giải trí trên tivi - PV), lâu lâu còn giải được một ô chữ (Chiếc nón kỳ diệu- PV)”.
Anh Nguyễn Văn Bảy làm nghề thợ mộc ở Khu Công nghiệp Điện Nam Điện Ngọc, thu nhập 1,2 triệu đồng/tháng. Trận sốt bại não của Trung còn ám ảnh gia đình tới tận bây giờ, chị Tín lo lắng: “Cháu Phi rất yếu, biết đi chậm, thường xuyên đau ốm, tính trầm, ít nói chứ không như những trẻ con khác”. Từ khi Trung bị bại não, Phi lại còn quá nhỏ, chị Tín phải ở nhà chăm con và dù khó khăn nhưng sang niên khóa mới, gia đình cũng ráng gói ghém để cháu được đi học mẫu giáo.
Bình luận (0)