23 giờ, chuông điện thoại Trạm Thông tin và Cứu hộ chó mèo Đà Nẵng (DARIC) đột ngột reo, một giọng thiếu niên thông báo trên đường Trần Cao Vân xuất hiện một con chó lang thang quanh khu vực đã 2 ngày nay, đang bị một nhóm thanh niên khống chế bằng thòng lọng và đánh đập dã man. Xác định đây là một vụ bạo hành động vật nghiêm trọng, anh Vũ Văn Chính, Trạm trưởng DARIC, lập tức thông báo với các tình nguyện viên chuẩn bị vật dụng lên đường.
Xả thân vì động vật
Từ quận Sơn Trà, 2 chiếc xe máy chở 4 tình nguyện viên lao đi trong đêm để kịp đến giải cứu con chó tội nghiệp. Sau gần 20 phút, “biệt đội” giải cứu đã tiếp cận được hiện trường. Hoàn cảnh có vẻ rất tệ hại bởi con chó vàng khoảng 5 tháng tuổi đang nằm bẹp dúm vì bị đòn đau, nhóm thanh niên trong tình trạng say rượu vừa đánh vừa cười, tất cả chưa có dấu hiệu chấm dứt cuộc tra tấn. Một kế hoạch nhỏ được cả nhóm bàn bạc.
Theo đó, Trạm trưởng Vũ Văn Chính sẽ nhận mình là chủ nhân con chó và yêu cầu nhóm thanh niên rời đi. Cả nhóm thống nhất ý kiến và quyết định 4 người cùng đến để hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị nhóm thanh niên chống cự. Trong đêm tối, 4 người tiến đến gần nhóm thanh niên, bắt đầu có lời lẽ qua lại, 4 tình nguyện viên vẫn kiên nhẫn và nhẹ nhàng thuyết phục nhưng nhóm thanh niên buộc phải chứng minh là chủ thì mới buông tha con chó.
Bất ngờ, Trạm trưởng Vũ Văn Chính cúi xuống, anh đưa tay một cách chậm rãi vuốt ve lên đầu con chó, nó nhe nanh gầm gừ rồi nằm phủ phục. Anh Chính nhẹ nhàng ôm lấy con chó, nhóm thanh niên cảm thấy khó chịu nhưng cũng phải rời đi. Bốn tình nguyện viên nhanh chóng đưa “nạn nhân” về trạm. Tại trụ sở, con chó vàng được khám sơ bộ, trên thân có nhiều vết bầm do bị đánh, nhiều mảng lông bị bong tróc do ghẻ, có dấu hiệu suy dinh dưỡng.
Cả nhóm tiến hành rửa sạch vết thương, bôi thuốc, pha sữa, mọi hoạt động đều diễn ra chậm rãi, hạn chế tiếng động và liên tục vuốt ve để con chó cảm thấy yên tâm. Một giờ sáng, con chó được đưa vào chuồng, Trạm trưởng Vũ Văn Chính thở phào: “Nó sẽ có một đêm bình yên”.
Đó là một ngày vất vả trong chuỗi ngày hoạt động của DARIC. Theo anh Chính, đến nay, trạm đã giải cứu gần 1.000 trường hợp, trung bình mỗi ngày có khoảng 2 - 3 chó, mèo bị bỏ hoang cần giải cứu. Các tình nguyện viên luôn phải đối mặt với những nguy cơ nhiễm bệnh do vết cào, cắn của chó, mèo; bên cạnh đó là muôn vàn nguy hiểm do thiếu thiết bị, dụng cụ.
“Mỗi hoạt động giải cứu chó, mèo đều có những nguy hiểm đặc thù, riêng chó bị bỏ hoang lâu ngày thường trở nên hung dữ do đói và thường xuyên bị đánh đập nên đòi hỏi tình nguyện viên phải có kinh nghiệm và sự kiên nhẫn. Chúng tôi xem những vết sẹo như là minh chứng cho tinh thần xả thân vì động vật của tình nguyện viên” - anh Chính tếu táo.
Tình yêu giành chiến thắng
DARIC ra đời vào tháng 8-2014 với 6 tình nguyện viên ban đầu, mục tiêu mang đến cho chó, mèo hoang một mái ấm mới. Đến nay, trạm đã gây dựng được cộng đồng hơn 30 tình nguyện viên trải rộng khắp Đà Nẵng và một mạng lưới hơn 24.000 người theo dõi trên Facebook. Trạm như một trung tâm thông tin cho các hoạt động tìm kiếm chó, mèo lạc; kêu gọi người nhận nuôi chó, mèo bị bỏ rơi. Theo anh Chính, những thành viên làm việc tại DARIC đều đến với tinh thần tự nguyện và tấm lòng yêu thương động vật vô hạn.
Trụ sở DARIC là mái ấm của hơn 30 con chó, mèo được đem về từ đường phố Đà Nẵng. Ở đây có 5 tình nguyện viên thường xuyên chăm sóc, thuốc men và cho ăn. Mỗi con vật đều mang theo mình một câu chuyện đáng thương bởi sự vô tình của những người chủ. Uýt-ky là con chó ngao Tây Tạng hơn 1 năm tuổi, nặng 30 kg đã bị một người chủ Tây bỏ rơi chỉ vì ghẻ lở; con mèo tam thể tên Chan, 8 tháng tuổi, được các tình nguyện viên nhặt ở ngoài đường từ khi mới 1 tháng tuổi.
Đa số những con vật bị bệnh khi được đem đến trung tâm đều phục hồi tốt và cực kỳ thân thiện với người lạ. Trần Thị Thục Trang (SN 1994, sinh viên tại Đà Nẵng) - tình nguyện viên thường xuyên tại DARIC - cho biết: “Công việc hằng ngày của tôi là cho chó mèo ăn, tắm rửa, dọn chuồng, đem chúng đi khám bệnh. Khá vất vả và mất thời gian nhưng tôi thấy vui vì xem chúng như những người bạn”.
Hành trình xây dựng DARIC phải đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi những người điều hành là các bạn trẻ, xoay xở mỗi tháng gần 20 triệu đồng chi phí để duy trì hoạt động thực sự là gánh nặng rất lớn. Chi phí hằng ngày dựa vào một số hoạt động dịch vụ cho thú cưng như triệt sản, lưu trú chó, mèo và sự hỗ trợ của các thành viên. “Mỗi ngày kiếm được 600.000 là một bài toán đau đầu” - anh Chính nói.
Hy vọng có được mái ấm
Qua nhiều khó khăn, thử thách, các thành viên DARIC đã có thể tự hào vì công việc của mình được nhiều người dân Đà Nẵng biết đến và ủng hộ. Giờ đây, điều mong muốn lớn nhất của Trạm trưởng Vũ Văn Chính là có thể xây dựng một khuôn viên rộng gồm nhà ở và sân vườn để bảo đảm các điều kiện chăm sóc tốt nhất cho đàn thú. “Chúng tôi cũng hy vọng sẽ tìm được chủ mới cho những con chó, mèo bị bỏ rơi ở đây” - anh Chính bộc bạch.
Bình luận (0)