Sáng mùng 2 Tết Mậu Thân (1968), nhiều đường phố Sài Gòn nhộn nhạo khi quân ngụy áp giải một số chiến sĩ biệt động bị bắt sau vài giờ giao tranh trước đó. Trong số ấy có Bảy Lớp (Nguyễn Văn Lém), chỉ huy đội 3 Biệt động Sài Gòn đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân, đang bị trói, mình đầy thương tích. Bỗng “đoàng…”, người chiến sĩ quả cảm ấy ngã xuống sau phát súng bắn thẳng vào thái dương tàn nhẫn của chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan - Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia kiêm Giám đốc Nha An ninh quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Đau thương mà anh dũng
Khoảnh khắc ấy được Eddie Adams, phóng viên ảnh của Hãng Thông tấn AP (Mỹ), kịp chụp lại. Hôm sau, bức ảnh mang tên Saigon Execution (Hành quyết ở Sài Gòn) xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo quốc tế, gây căm phẫn khắp thế giới vì hành vi xử bắn đã vi phạm Công ước Genève về tù binh chiến tranh; như một bằng chứng tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy, dấy lên phong trào phản chiến tại Mỹ và một số quốc gia tiến bộ.
Một ngày cuối tháng 4-2014, tôi tìm Nguyễn Dũng Thông, người con út của liệt sĩ Bảy Lớp. Ngày ông ngã xuống, Thông mới chỉ vừa hoài thai trong bụng mẹ - bà Nguyễn Thị Lớp (vợ ông Bảy Lớp, là giao liên của phe ta). Gần 9 tháng sau, Thông chào đời và mãi đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cậu bé mới hay tin về số phận của cha mình.
Ấy là đêm giao thừa Tết Mậu Thân, Bảy Lớp cùng đồng đội từ căn cứ bí mật xâm nhập và tập kết tại nội thành Sài Gòn, chuẩn bị cho trận đánh một mất một còn vào rạng sáng mùng 2 Tết. Ông quê huyện Bình Chánh; bà ngụ phường Tân Thới, quận Tân Bình (nay là quận Tân Phú), quen nhau qua hoạt động cách mạng nhưng ít gặp nhau bởi ông ở căn cứ, còn bà ở ngoại thành thành phố. Khi ấy, bà Nguyễn Thị Lớp đưa hai con gái là Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Ngọc Loan từ phường Tân Thới theo về nội đô thăm cha. Bà đang là giao liên, không trực tiếp phục vụ chiến đấu trong đợt 1 Mậu Thân và chồng bà cũng giấu biệt chuyện mình sắp vào trận đánh sinh tử. Sau phút gặp gỡ ngắn ngủi, Bảy Lớp giục:
- Thôi, em đưa các con trở lại nhà đi, khuya rồi.
- Lâu quá mới gặp. Ở chơi với anh thêm một chút, cho tụi nhỏ đỡ nhớ.
Ông lại nói:
- Chuyến này anh rời cứ sẽ lâu. Bữa nay giao thừa, em về mà lo cúng ông bà, để tụi nhỏ còn ăn Tết.
Nghe vậy, bà và hai con tạm biệt, quay về Tân Thới mà đâu biết đó là lần gặp chồng - cha cuối cùng. Khi ấy, bà mang thai đứa út (Nguyễn Dũng Thông) vài tuần.
Hung tin đến từ đồng đội kèm theo tấm ảnh của Eddie Adams chụp cảnh chồng bà bị bắn như sét đánh ngang tai. Bà Lớp như chết nửa người song vẫn gắng gượng vừa tham gia hoạt động cách mạng vừa quần quật buôn thúng bán bưng để nuôi các con.
Một ngày gần 30-4-1975, một xe tăng của bộ đội ta từ hướng Long An trên đường về trung tâm Sài Gòn đã rẽ ngang phường Tân Thới, quận Tân Bình. Anh em, đồng đội đến thăm và động viên vợ con Bảy Lớp. Khi ấy, Thông chừng 7 tuổi, ôm vai một sĩ quan, hỏi mãi: “Ba con đâu?”. Không trả lời, ông xoa đầu đứa bé, rồi ôm chặt vào lòng, khóc. Bà Lớp khóc theo. Hai con gái Hạnh, Loan hiểu chuyện cũng òa lên nức nở. Đã bao năm gian khổ, nay ngày vui đã tới gần mà người chồng, người cha biệt động thành của họ lại không trở về để cùng ca khúc khải hoàn. Có nỗi buồn, mất mát nào lớn hơn!
Chỉ mong tìm được hài cốt cha
Sau giải phóng, bà Lớp sống cùng các con, đến năm 2011 thì qua đời. Cuộc sống của mẹ con bà hết sức bình dị. Rồi đứa con út Nguyễn Dũng Thông lập gia đình. Vợ anh làm công nhân may, anh cũng là công nhân, làm đủ thứ việc. Những ngày này, anh đang trông coi khâu thi công nhà xưởng cho một người thân ở Long An. “Chị Hạnh ở Long Khánh (Đồng Nai), làm nông; chị Loan thì bán tạp hóa ở đường Âu Cơ, quận Tân Phú, TP HCM” - Thông cho biết.
Cửa hàng tạp hóa Hồng Loan của chị Nguyễn Ngọc Loan, người con gái thứ hai của chỉ huy đội 3 Biệt động Sài Gòn, nhỏ hẹp và bày lỉnh kỉnh hàng hóa. Vừa tiếp tôi vừa bán hàng, chị Loan tâm sự: “Những ngày này, sắp 30-4 rồi, nhớ ba lắm!”. Rồi chị khóc. Cuộc trò chuyện diễn ra ngắn nhưng chị khóc đôi lần, giọng nghèn nghẹn nhưng vẫn hào sảng: “Mấy anh em tôi rất tự hào về ba. Mỗi khi nhắc đến cảnh ba bị xử tử, gia đình căm thù lắm nhưng rồi nghĩ đó là chiến tranh, ba ngã xuống cho đất nước, đó là sự hy sinh anh hùng” - chị quệt ngang dòng nước mắt. Gương mặt chị, ở cái tuổi gần 50, sở hữu nhiều nét giống hệt người cha. Tôi buột miệng nói lên điều ấy. Chị cười: “Nhiều người tìm hiểu về biệt động Sài Gòn cũng nhận xét y chang vậy đó!”.
Tôi hỏi vì sao chị mang tên Nguyễn Ngọc Loan, giống y cái tên của viên tướng ngụy, kẻ đã bắn chết cha chị năm Loan mới 2 tuổi, chị nói tránh đi, bảo không biết. Nhiều đồng đội của ông Bảy Lớp thì nói rằng sự trùng hợp ấy như là định mệnh, để cho thù hận gắn với yêu thương, khi nào còn thù hận thì lấy yêu thương mà gột rửa, bao giờ sạch mới thôi. Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm rồi còn gì…!
Mùng 6 Tết hằng năm, cứ đến ngày giỗ biệt động Sài Gòn là những người con ông Bảy Lớp tụ về nhà ông Tư Chu, nguyên chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Đó cũng là dịp để nghe ngóng tin tức về hài cốt của cha mình - điều mà người mẹ của họ đã đeo đuổi từ trước ngày giải phóng. Những cựu thủ trưởng và đồng đội của ông Bảy Lớp cũng vào cuộc. Cuộc tìm kiếm đầy cảm xúc và kiên trì, nối thời chiến với thời bình, vắt mình qua cả hai thế kỷ đã nói lên tất cả, đó là: Không ai được phép quên những người đã ngã xuống cho đất nước đứng lên!
Ngày 17-4-2010, liệt sĩ Nguyễn Văn Lém cùng đơn vị từng do ông chỉ huy (đội 3, Biệt động Sài Gòn - Gia Định) được truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Kỳ tới: Đi qua chiến tranh
Bình luận (0)