Hiện tượng kênh Ba Bò nổi đầy bọt trắng hôm 22-12 với người dân sống lân cận không có gì lạ, có chăng chỉ là nước thải và bọt về nhiều hơn từ khi lòng kênh mở rộng. Năm nào cũng vậy, cứ sắp đến Tết, thời điểm các cơ sở sản xuất gia tăng công suất, cũng chính là lúc Báo Người Lao Động liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm của dòng kênh này.
Ô nhiễm vẫn trầm trọng
Từ lâu, kênh Ba Bò đã trở thành một ví dụ điển hình về ô nhiễm kênh rạch trong rất nhiều cuộc họp hành, hội nghị cho đến những câu chuyện bên ngoài công sở.
Những năm 2000, các chỉ tiêu ô nhiễm lấy mẫu tại kênh Ba Bò vượt quá quy chuẩn cho phép đến hàng trăm lần. Vì thế, Ba Bò được gọi là “dòng kênh chết”. Nhà ở, thiết bị có kim loại đều bị bào mòn vì nước thải ô nhiễm; sức khỏe người dân cũng ảnh hưởng, chủ yếu là mắc các bệnh về hô hấp.
Năm 2003, Sở GTVT TP HCM đã đề xuất UBND TP dự án cải tạo kênh Ba Bò. Mục tiêu là cải tạo tuyến kênh chính để thoát nước, giảm ngập và giảm một phần ô nhiễm. Đến năm 2008, dự án được chuyển sang Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (TTCN) TP HCM. Tổng kinh phí lúc này tăng gấp đôi, từ 307 tỉ lên 743 tỉ đồng do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng và bổ sung hạng mục hồ sinh học xử lý nước thải, 2 trạm bơm.
Theo TTCN TP HCM, ô nhiễm kênh Ba Bò chủ yếu do nước thải từ các KCN Đồng An, Sóng Thần 1- 2 (Bình Dương), Linh Trung (quận Thủ Đức, TP HCM) và một phần nhỏ từ nước thải sinh hoạt. Ba Bò chủ yếu ô nhiễm hữu cơ và vi sinh nên TTCN xây dựng hồ sinh học để xử lý nước kênh, bảo vệ lưu vực sông Sài Gòn. Hồ sinh học được đặt tại vị trí tiếp giáp giữa Bình Dương và TP HCM.
Khi đó, rất nhiều chuyên gia đề xuất nên xây dựng hồ điều tiết ở phía cuối nguồn. Đồng thời, chỉ nên mở rộng lòng dẫn kênh Ba Bò khi đã xử lý được nguồn nước ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả thải. Nếu không, việc mở rộng lòng kênh không khác nào mở đường cho ô nhiễm chảy nhanh, chảy nhiều ra sông Sài Gòn.
Đến thời điểm hiện tại, người dân sống trong lưu vực cho rằng chất lượng nước kênh Ba Bò vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Ngược lại, dường như từ khi lòng kênh được mở rộng, nước thải đổ về ngày càng nhiều hơn, ô nhiễm lại có dấu hiệu trầm trọng.
Bình Dương sẽ làm rõ nguyên nhân
Bà Trần Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, khẳng định tất cả doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn quận không đấu nối nước thải ra kênh, nguồn ô nhiễm là từ phía Bình Dương xả qua. Theo bà, phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm gia tăng tại kênh Ba Bò là chính xác, nhất là lúc đêm khuya.
Quận Thủ Đức sẽ tổng hợp thêm thông tin trên báo chí để báo cáo UBND TP HCM; đồng thời kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP phối hợp với Bình Dương kiểm tra các doanh nghiệp vận hành hệ thống xử lý nước thải.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định đã biết tin kênh Ba Bò gần đây nổi bọt trắng xóa và đã chỉ đạo giám đốc Sở TN-MT tỉnh kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân. Theo một cán bộ Công ty Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương, qua tìm hiểu, ông được biết đoạn kênh Ba Bò nổi bọt trắng xóa nằm ở địa phận TP HCM.
“Không biết nguồn xả ô nhiễm nằm ở hạ nguồn TP HCM hay thượng nguồn Bình Dương. Nếu Bình Dương xả thì chỉ có thể là 1 trong 3 “ông” là KCN Đồng An, KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 vì ở tỉnh này, chỉ có 3 KCN này xả nước ra kênh Ba Bò” - ông nhận xét.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết trong quý I/2014, tỉnh sẽ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp kênh Ba Bò (địa phận Bình Dương) với tổng chi phí 345 tỉ đồng.
Nhiều tai tiếng, chậm tiến độ
Dự án cải tạo kênh Ba Bò từ lúc bắt đầu thực hiện đã xuất hiện nhiều tai tiếng: Sai phạm trong bồi thường - giải phóng mặt bằng khiến nhiều lãnh đạo địa phương mất chức, 2 cháu nhỏ đuối nước tại công trình do quá trình thi công bất cẩn không đặt rào chắn cẩn thận, nhiều sự cố trong quá trình thi công như sạt lở đường, gây ngập… Dự án liên tục trễ hạn và đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ông Võ Thanh Huy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cải tạo kênh Ba Bò - TTCN TP HCM, cho biết hiện đã hoàn thành 2 gói thầu trong số 6 gói thầu xây lắp. Gói thầu xây dựng đoạn 2-3 của tuyến kênh chính dự kiến đến Tết Giáp Ngọ sẽ hoàn thành. Gói thầu xây dựng hồ điều tiết và đoạn 1 tuyến kênh nhánh mới thi công được một nửa. Gói thầu này vẫn vướng mặt bằng khoảng vài trăm mét vuông đất do quận Thủ Đức chưa bàn giao vì... chưa xác định được chủ nhân! Hai gói thầu còn lại là cây xanh và chiếu sáng công cộng phải chờ đến khi các gói thầu trên hoàn tất mới khởi công.
M.Khanh
Bình luận (0)