Bộ VH-TT-DL vừa cho biết cũng trong lễ hội hoa xuân và đồ uống tết sắp tới sẽ khởi động bình chọn quốc tửu, quốc phục. Thông tin này nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Dự kiến bình chọn quốc tửu khiến không ít người ngạc nhiên. Liệu có cần thiết phải có quốc tửu không?
Người phụ trách đề án quốc tửu, ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho biết: “Việt Nam đang trên đà hội nhập nên quốc phục và quốc tửu là vô cùng cần thiết khi tiếp khách quốc tế. Rượu ở đây là rượu văn hóa, nó là bản sắc văn hóa của cả dân tộc”.
GS-TS Trần Lâm Biền có ý kiến phản biện: “Tôi cho rằng các cuộc bầu chọn này là biểu hiện của những người no hơi ấm cật chứ chẳng có ý nghĩa gì đến số đông người dân nghèo vẫn còn kham khổ cả. Chúng ta còn quá nhiều việc quan trọng cấp thiết hơn phải giải quyết. Quan trọng hơn hết là chúng ta chưa có đầy đủ kiến thức, nghiên cứu đầy đủ để đưa ra một quyết định vào thời điểm này...”.
Trước thắc mắc của nhiều người về tiêu chí chọn rượu là gì, kế hoạch bình chọn ra sao, Bộ VH-TT-DL đã chuẩn bị gì để khởi động và tuổi thọ của những quốc tửu, quốc hoa này sẽ là vĩnh viễn hay có thời hạn, ông Bảo cho biết: “Văn hóa là không thể bất thành, bất biến. Chưa bàn vội. Nên nhớ là chúng tôi chỉ mới bắt đầu trên lộ trình đi tìm quốc tửu”.
Họa sĩ Trịnh Quang Vũ có cách nhìn khác: “Tôi cho rằng quốc phục, quốc tửu, quốc hoa hay quốc gì đi nữa thì đều là cần thiết khi nó gợi nhắc, gợi nhớ và khơi gợi trong lòng người dân một niềm tự hào về những tinh hoa, truyền thống xưa cũ.
Việt Nam là cái nôi của nền nông nghiệp, nơi sản xuất ra những loại gạo ngon thì cũng cần có một loại rượu được chọn làm quốc tửu để bạn bè thế giới biết đến. Nhưng có điều chúng ta đã không bảo lưu mà tự tay tiêu diệt hết những tinh hoa ấy đi rồi. Rượu ngon nhất nhờ men nhưng bây giờ kiếm ai còn biết cách làm men truyền thống nữa?”.
Cứ “đóng mác” là thành quốc tửu?
Khi được hỏi những loại rượu nổi tiếng được xem là quốc tửu của các nước khác, hầu hết đều là được công nhận từ chính người dân trong nước và bạn bè thế giới chứ hầu như chẳng có nước nào lại đi tìm như chúng ta đang làm, ông Bảo trả lời: “Có những cái do nhân dân bầu lên và Nhà nước công nhận nó nhưng cũng có những giá trị Nhà nước “đóng mác” và tuyên truyền cho người dân. Chúng tôi sẽ huy động nhiều kênh bình chọn để lấy được nhiều nhất ý kiến của người dân. Nếu cái gì dân thích mà Nhà nước công nhận và hợp thức hóa thì vẫn tốt nhất”.
Họa sĩ Trịnh Quang Vũ đưa ý kiến: “Điều khó khăn bây giờ là chúng ta như những người kinh doanh mất hết vốn liếng, hầu như tất cả tinh hoa truyền thống chúng ta đã thất truyền, nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành là phải có một chiến lược lớn để tìm kiếm, gạn lọc và phục hồi đến mức cao nhất có thể chứ không phải là tuyên truyền, vận động bắt buộc người dân phải thích nó. Nhưng đây là công việc dài hơi và khó khăn, tốn kém rất nhiều công sức và tiền bạc, vì vậy phải chọn đúng người, đúng chỗ mà làm chứ không thể bạ đâu làm đấy thì sẽ rất lãng phí. Làm văn hóa thì phải xác định mưa dầm thấm đất, không được áp đặt, những cái gì áp đặt thì sẽ không tồn tại, cái tồn tại cũng chỉ là hư danh”.
Áp đặt là phản văn hóa Tại sao phải có quốc hoa? Mỗi vùng miền có một loài hoa riêng, một biểu trưng riêng, một niềm tự hào riêng. Văn hóa luôn tôn trọng sự đa dạng, thế tại sao phải ép mọi người cùng phải thích một loài hoa do Nhà nước đặt ra? Văn hóa là tình yêu xuất phát tự trong lòng người dân, thể hiện khát vọng của họ. Khi nào tất cả người dân cùng có khát vọng chọn một loài hoa nào đó làm quốc hoa thì lúc ấy hãy công nhận nó. Không thể nói bình chọn, bầu bán trong khi cả triển lãm chỉ trưng bày hình ảnh một loài hoa. Đó là áp đặt, mà áp đặt là đi ngược lại nguyên tắc của văn hóa! Còn quốc tửu thì tôi thật sự không còn gì để nói nữa… PGS-TS Ngô Đức Thịnh
Triển lãm hoa sen đề cử quốc hoa
Sáu tháng qua, kể từ khi Bộ VH-TT-DL thành lập Ban biên soạn và Tổ biên soạn đề án quốc hoa Việt Nam, đến nay đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức với sự tham gia của đông đảo nhà chuyên môn, nhà khoa học, nhà văn hóa… nhưng đến nay loài hoa nào được chọn là quốc hoa của Việt Nam vẫn chưa ngã ngũ.
Đến 1-1-2011, theo kết quả bình chọn trên mạng Internet thì hoa sen hiện là ứng cử viên sáng giá nhất với 40,3% phiếu bầu. Theo thông tin báo chí, ngày 29-1, tại lễ hội hoa xuân và đồ uống tết 2011 (từ ngày 25 đến 30-1) sẽ công bố kết quả bình chọn quốc hoa, nhiều khả năng hoa sen sẽ được tôn vinh. Trao đổi với Pháp luật TPHCM, ông Nguyễn Trung Nhật, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (đơn vị thành viên đề án quốc hoa), cho biết: “29-1 chưa phải là công bố tôn vinh hoa sen làm quốc hoa mà đây chỉ là triển lãm trực quan giới thiệu về hoa sen như một đề cử của quốc hoa. Sau đó, chúng tôi còn tổ chức hai buổi triển lãm để trưng cầu dân ý ở TP.HCM và Đà Nẵng. Sau khi tổng hợp ý kiến từ nhiều nguồn, Bộ mới có hồ sơ trình lên Thủ tướng mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân xem, khi nào được phép thì Bộ mới tổ chức công bố”.
____________________________________________________ Việt Nam có nhiều loại rượu nhưng để chọn làm quốc tửu thì nên lưu ý tới rượu làng Vân (Bắc Giang), rượu Bàu Đá (Bình Định) và rượu Gò Đen (Long An). Nếu có thể thì chúng ta nên tìm ra công thức nấu một loại rượu trắng bằng các nguyên liệu của quê hương, ví dụ như từ hoa cúc để làm quốc tửu. Yêu cầu của loại rượu đó là mạnh một chút nhưng không hại đến sức khỏe. Giáo sư Trần Văn Khê
Quốc tửu bên cạnh tiêu chuẩn có hương, có vị thì men là tiêu chuẩn vô cùng quan trọng, không thể bỏ qua. Tôi thiết nghĩ men của quốc tửu phải là loại men cổ truyền, làm bằng rễ, lá và hoa của đất nước. Vì đất quê hương nuôi dưỡng rễ và lá sẽ cho ra sản vật tinh túy hơn cả.
Ông Nguyễn Vĩnh Hảo, Giám đốc Bảo tàng gốm Chăm Về quốc tửu, rất khó thống nhất được về ý kiến vì nó còn phụ thuộc vào cái gu và sở thích, khẩu vị của từng người. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An |
Bình luận (0)