Nguồn tin từ Ủy ban Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị và thành phố của tỉnh Bình Định đã xác nhận thông tin này.
Tại thị xã An Nhơn, theo ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng, đã có đến 3 người chết và 2 người mất tích. Trong đó, em Đỗ Thị Lộc (SN 1998, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, thị xã An Nhơn) bị lũ cuốn trôi trên đường đi học về.
Đoàn xe bị kẹt do sập cầu Bình Định (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: H.Ánh
Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Thị ủy An Nhơn, cho biết mặc dù trong đợt lũ lần này, mưa không nhiều như đợt lũ lịch sử năm 2009 nhưng nước lên nhanh và lớn hơn. Đặc biệt, nước lên lúc đêm tối nên nhiều người không trở tay kịp.
Ngoài thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước có 2 người chết, huyện Tây Sơn có 3 người chết, huyện Phù Cát và huyện Hoài Ân cùng có 1 người chết, huyện Vân Canh và TP Quy Nhơn cùng có 1 người mất tích.
Chia nhau gói xôi khi chạy lũ. Ảnh: H.Ánh
Đến trưa 16-11, vẫn còn đến 80% hộ gia đình ở thị xã An Nhơn bị cô lập. Lãnh đạo thị xã và tỉnh Bình Định phải cứu trợ mì gói và nước uống để người dân chống chọi với lũ dữ.
Cả tỉnh Bình Định có 11 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và gần 95.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng nặng.
Một số nhà trên cao ở thị xã An Nhơn (Bình Định) bắt đầu dọn dẹp. Ảnh: H.Ánh
Mưa lớn cùng với việc xả lũ ở các hồ thủy lợi như Định Bình, Hội Sơn, Thuận Ninh được xem là nguyên nhân gây nên trận lũ lịch sử này.
Ở vùng núi Trà My, tỉnh Quảng Nam trong đêm 15 và ngày 16-11 vẫn duy trì lượng mưa khá lớn, tiếp tục gây lũ, sạt lở đất nghiêm trọng làm hai huyện Nam và Bắc Trà My bị cô lập.
Tuyến giao thông độc đạo DT616 từ Tam Kỳ lên Trà My bị chia cắt hoàn toàn bởi hai điểm sạt lở lớn tại khu vực thôn Dương Thạnh, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My.
Điểm sạt lở lớn trên tỉnh lộ 616 thuộc địa phận xã Trà Dương khiến giao thông bị ách tắc. Ảnh: Lan Anh
Theo anh Lê Chí Tâm, Thôn đội phó thôn Dương Thạnh, tình trạng sạt lở này xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 15-11, khi một quả đồi bị nước mưa làm đổ xuống vùi lấp hoàn toàn một đoạn đường dài hàng trăm mét. Nhiều người đi xe máy buộc phải thuê người khiêng rất nguy hiểm, còn ô tô thì “bó tay”. Đã có trên 20 ô tô con, xe tải và xe khách từ Tam Ky lên và Trà My về xuôi bị mắc kẹt.
Anh Tâm cho biết trong khi chờ cơ quan chủ quản khắc phục, từ sáng sớm 16-11, anh và một công an viên đã túc trực tại điểm sạt lở này để giữ không cho người, phương tiện qua lại và hướng dẫn người dân đi đường tránh để an toàn.
Điểm sạt lở rất nguy hiểm. Ảnh: Lan Anh
Tính đến chiều 16-11, tại vùng núi Trà My, lượng mưa có giảm song lưu lượng nước lũ đổ về đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn duy trì bình quân khoảng 1.800 m3/s, mực nước hồ chứa ở trên ngưỡng xả tràn hơn 3,3 m, nước lũ tự chảy qua các cửa xả về phía hạ du 2.300 m3/s.
Anh Lê Chí Tâm, Thôn đội phó thôn Dương Thạnh (người đội mũ cối), hướng dẫn người dân đi đường Ảnh: Lan Anh
Bình luận (0)