Tình hình mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung. Theo số liệu của Văn phòng Chính phủ và thống kê của các tỉnh, đã có ít nhất 33 người chết và mất tích, riêng Bình Định là 16 người. Ngày 16-12, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã có mặt tại tỉnh Bình Định để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt.
Hạ tầng trở lại thời 10 năm trước
Toàn tỉnh Bình Định đã chìm trong lũ. Tất cả 11 huyện, thị xã với 100 xã, phường bị ngập lụt, trong đó khoảng 50 xã, phường bị ngập sâu, 26 xã bị cô lập. “Về tài sản thì chưa thống kê được thiệt hại nhưng chắc chắn riêng tại Bình Định, hạ tầng giao thông đã hư hỏng nặng, trở lại tình trạng như 10 năm trước” - ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo với Phó Thủ tướng.
Vì vậy, theo ông Hồ Quốc Dũng, dân rất cần lương khô, không thể ăn mì gói được nữa vì ngay cả nước sôi cũng thiếu. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo xuất cấp 5 tấn lương khô, 10.000 chai nước để hỗ trợ Bình Định. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cũng khẳng định sẽ xuất cấp gạo từ kho dự trữ quốc gia để cứu đói cho dân...
Thiếu bao nhiêu gạo, Chính phủ sẽ hỗ trợ
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ với những khó khăn chưa từng có mà tỉnh Bình Định và một số tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu.
Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết phải rà soát thật kỹ để sơ tán dân khỏi những khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, dễ xảy ra sạt lở, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân. Tỉnh Bình Định cần tập trung cứu trợ khẩn cấp cho người dân, nhất là dân ở những vùng bị cô lập, nước lũ đang tiếp tục dâng cao.
“Trước mắt, Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh Bình Định thêm 10 tấn lương khô cùng với 5 tấn đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo xuất cấp trước đó. Các địa phương thiếu bao nhiêu gạo, Chính phủ sẽ hỗ trợ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói, khát. Các địa phương hết sức lưu ý việc hỗ trợ lương thực cho người dân vì đây đã là đợt mưa lũ, ngập lụt thứ 4 kể từ đầu tháng 11 nên đời sống người dân đang rất khó khăn.
Đua với mưa lũ để thông tàu, xe
Tại tỉnh Khánh Hòa, suốt ngày 16-12, hàng chục công nhân tập trung ở khu vực phía Nam đèo Rù Rì (TP Nha Trang) để khắc phục sự cố sạt lở. Một tốp khác ra hướng Bắc của đèo để khơi thông dòng chảy do ở đây bị ngập nước.
Ông Đỗ Viết Chương, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt Nha Trang, cho biết các công nhân phải tăng ca liên tục. Đoạn đường này bị sạt nặng mà nước chảy xiết nên cứ lấp vào lại bị cuốn đi. Đơn vị phải túc trực chờ nước rút mới có thể khắc phục sự cố, trả đường cho tàu chạy.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, cho biết do bị sạt lở ở nhiều nơi nên đường sắt bị tê liệt hoàn toàn khu đoạn Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận. Toàn bộ các đoàn tàu đến Khánh Hòa từ đêm 15-12 đến chiều 16-12 đều bị mắc kẹt tại các ga. Chiều cùng ngày, khoảng 1.700 hành khách trên các chuyến tàu ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã được Công ty CP Đường sắt Phú Khánh thuê 15 ô tô loại 50 chỗ để đưa vào Ninh Thuận.
Tại hiện trường ở đèo Cả, Chi cục Quản lý đường bộ III.3 - Tổng cục Đường bộ huy động tối đa toàn bộ cán bộ, công nhân, phương tiện của chi cục và các nhà thầu thi công, Công ty CP BOT Đèo Cả thức trắng đêm khắc phục khoảng 15 điểm sạt lở đoạn từ đèo Cổ Mã đến đèo Cả.
Sự cố nghiêm trọng này xảy ra từ rạng sáng 16-12. Đến chiều tối, hàng ngàn ô tô nối đuôi nhau trên Quốc lộ 1 kéo dài hàng chục km từ Tu Bông (xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh) đến đèo Cổ Mã. Suốt đoạn từ Ninh Hòa đến đèo Cổ Mã, rất nhiều tài xế cho xe vượt lên, chen ngang khiến giao thông hỗn loạn, ùn tắc kéo dài.
Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh đã xin phép và được Ban An toàn giao thông quốc gia cho mở cửa hầm đường bộ qua đèo Cổ Mã để giải phóng ách tắc. Còn trên Quốc lộ 27C nối Nha Trang - Đà Lạt (Lâm Đồng), mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường sạt lở đất, đá ở nhiều điểm.
Công an đưa thai phụ đi sinh
Trung tá Lê Nho Tâm - Trưởng Công an huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - xác nhận vào khoảng 8 giờ ngày 16-12, chị Vũ Thị Việt Trinh (23 tuổi, quê xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên; trú xã Đại An, huyện Đại Lộc) chuyển dạ. Do đây là ca sinh khó, các trạm y tế cấp xã không thể thực hiện nên phải chuyển lên tuyến trên mới hy vọng sinh thành công.
Tuy nhiên, do nước lũ dâng cao, các phương tiện ghe thuyền nhỏ ở xã không thể đưa đi được, các chiến sĩ Công an huyện Đại Lộc đã lái ca-nô băng lũ đến xã Đại An đưa chị Trinh đến Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam để vượt cạn. Tr.Thường
Bình luận (0)