Ngày 5-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị mở cuộc điều tra thông tin về nạn nhận hoa hồng trong ngành y tế được một số báo trong và ngoài nước đăng tải; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, điều tra thông tin để xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm.
Bio-Rad đã bất ngờ rút khỏi Việt Nam
Liên quan đến sự việc Công ty Bio-Rad Laboratories bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Ủy ban Chứng khoán - Giao dịch Mỹ (SEC) cáo buộc “hối lộ quan chức Việt Nam”, ngày 5-11, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi giám đốc các sở y tế, giám đốc các bệnh viện trực thuộc yêu cầu rà soát việc mua sắm thiết bị từ công ty này.
Theo ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, giai đoạn rà soát là từ ngày 1-1-2005 đến 5-11-2014, kết quả báo cáo về thanh tra bộ trước 15-11. Bộ Y tế cũng sẽ đề nghị các cơ quan chức năng của Mỹ cung cấp thông tin để phía Việt Nam có thêm cơ sở làm rõ vụ việc.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế, đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép nhập khẩu trang thiết bị vật tư y tế vào Việt Nam, Bio-Rad không chỉ biết đến là một công ty chuyên sản xuất trang thiết bị trong lĩnh vực y tế mà còn phân phối thuốc, hóa chất. Bio-Rad từng cung cấp thiết bị y tế cho Việt Nam nhưng cách đây một thời gian, công ty này bất ngờ rút khỏi thị trường nước ta.
Liên quan đến vấn đề chi hoa hồng trong quá trình đấu thầu trang thiết bị y tế vào bệnh viện, ông Tuấn cho rằng việc đấu thầu thiết bị y tế và hóa chất cho các cơ sở y tế đã được phân cấp cho chủ đầu tư mua sắm. Hiện Thanh tra Bộ Y tế đang xem xét những đơn vị đã mua sắm thiết bị của công ty này.
2,2 triệu USD “tiền hoa hồng”, “phí quảng cáo”...
Trước đó, Công ty Bio-Rad bị FBI phanh phui vụ hối lộ 7,5 triệu USD cho các quan chức ở Nga, Thái Lan và Việt Nam để thu lợi nhuận trái phép 35 triệu USD. Theo báo cáo trình lên SEC và Bộ Tư pháp Mỹ, Bio-Rad thừa nhận các vụ hối lộ quan chức tại 3 quốc gia này và lập hồ sơ giả mạo để che giấu các khoản thanh toán gây bất lợi cho công ty.
Thiết bị xét nghiệm đóng vai trò quan trọng trong công tác khám chữa bệnh (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: NGỌC DUNG
Cụ thể, từ năm 2005-2010, chi nhánh Bio-Rad tại Pháp là Bio-Rad SNC đã chi tiền dưới danh nghĩa hoa hồng từ 15%-30% cho các đại lý ở Nga để giành các hợp đồng của Bộ Y tế Nga. Các công ty con khác của Bio-Rad ở châu Á cũng bị cáo buộc sử dụng những trung gian ở Việt Nam và Thái Lan để giành hợp đồng với chiêu thức tương tự.
Theo SEC, Bio-Rad đã mở một văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2005 đến cuối năm 2009. Trực thuộc quản lý của giám đốc bán hàng khu vực Đông Nam Á (RSM) của Bio-Rad Singapore, giám đốc văn phòng Việt Nam được phép thông qua các hợp đồng có trị giá đến 100.000 USD và tiền hoa hồng đến 20.000 USD/hợp đồng. Trong giai đoạn 2005-2009, giám đốc Bio-Rad tại Việt Nam cho phép các đại diện bán hàng hối lộ một số lãnh đạo bệnh viện và phòng thí nghiệm nhà nước để đổi lấy hợp đồng mua sản phẩm.
Trong thư điện tử gửi RSM ngày 18-5-2006, giám đốc chi nhánh Việt Nam cảnh báo Bio-Rad sẽ mất 80% doanh số nếu không chi hối lộ và đề xuất giải pháp đưa hối lộ qua một nhân vật trung gian để tránh rủi ro pháp lý. Theo đó, Bio-Rad Singapore bán sản phẩm cho một nhà phân phối Việt Nam với giá ưu đãi. Nhà phân phối này sẽ bán sản phẩm lại cho các bệnh viện Việt Nam với giá gốc. Một phần tiền ưu đãi trong các hợp đồng của Bio-Rad là dành cho hối lộ.
Tổng cộng từ năm 2005 đến 2009, văn phòng đại diện của Bio-Rad tại Việt Nam đã chi 2,2 triệu USD cho các đại lý và nhà phân phối để chuyển lại cho những quan chức sở tại, nhờ đó mang về doanh số ước tính 23,7 triệu USD cho Bio-Rad Singapore. Các khoản tiền này được ghi trên sổ sách là “tiền hoa hồng”, “phí quảng cáo“ và “phí đào tạo”.
Giá “trời ơi” nhưng bỏ phế hậu mãi
Ngày 5-11, một nguồn tin cho biết thiết bị y tế do hãng Bio-Rad cung cấp hiện vẫn còn đặt tại một số bệnh viện công lập lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi được hỏi, có nơi giải thích rằng thiết bị này vẫn trong tình trạng “chạy đề mô” (thử nghiệm).
Theo lãnh đạo một số bệnh viện, các thiết bị y tế và một số hóa chất do Bio-Rad cung ứng được đánh giá cao về chất lượng, tính năng. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết bệnh viện này từng sử dụng thiết bị xét nghiệm của Bio-Rad theo hình thức xã hội hóa nhưng hiện nay không còn dùng nữa. Còn theo lãnh đạo một bệnh viện ở TP HCM, Bio-Rad trước đây thường kinh doanh các mặt hàng hóa chất, chế phẩm vi sinh… phục vụ cho việc chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm... Tuy nhiên, công ty này đã đóng cửa chi nhánh tại Việt Nam cách đây 1 năm. Về trang thiết bị y khoa, Bio-Rad đã ngưng cung cấp tại Việt Nam nhiều năm nay.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa TP HCM (Medic), cho biết vào năm 2005, trung tâm có mua của Bio-Rad 2 máy xét nghiệm huyết học với giá tổng cộng khoảng 50.000 USD. “Với thương hiệu Mỹ, Bio-Rad đưa hàng vào Việt Nam trong điều kiện các hãng khác chưa đủ sức cạnh tranh. Thế nên, họ không chỉ bán máy mà sau đó còn độc quyền bán bộ test kit và hóa chất - vốn là thứ quan trọng trong hệ thống khép kín này. Thật tình mà nói, họ đã bán 2 chiếc máy cho chúng tôi với giá “trời ơi” nhưng lại không quan tâm gì đến chính sách hậu mãi. Bây giờ thì tôi cho cả 2 chiếc máy trùm mền để khỏi phải lệ thuộc vào test kit hay hóa chất của Bio-Rad” - ông Hải nói.
Về lý do Bio-Rad rút khỏi Việt Nam, theo ông Hải, vì họ không thể cạnh tranh với các “đại gia” công nghệ khác về cách làm ăn bài bản, giá cả và chính sách chăm sóc khách hàng. “Về vấn đề Bio-Rad “bôi trơn” hàng triệu USD mà báo chí nêu, tôi nghĩ rằng chỉ cần họ “chơi ngon” thì vẫn thu hút nhiều khách hàng” - ông Hải nhận định.
“Ma trận” cung cấp thiết bị y tế
Dược sĩ của một công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm cho biết trong lĩnh vực y tế, thiết bị y tế như “ma trận”, phức tạp gấp rất nhiều lần so với mặt hàng thuốc.
Theo một chuyên gia trong giới dược phẩm, mỹ phẩm tại TP HCM, một sản phẩm y tế trước khi vào bệnh viện đã qua rất nhiều tầng nấc, công ty phân phối, đấu thầu trung gian. Vì vậy, giá trị sản phẩm đã nâng thêm 40%-50% so với giá trị thực. Không riêng gì thuốc và hóa chất xét nghiệm, một thiết bị y tế muốn vào được bệnh viện thì phải chấp nhận quy luật này. 50% chi phí nâng lên đó được các nhà cung cấp hợp thức hóa bằng cách tổ chức mời lãnh đạo, thuộc cấp liên quan đi nước ngoài, tham dự hội thảo, hội nghị, du lịch...
Thoát truy tố nhờ hợp tác điều tra
Theo điều tra của FBI, ngoài Nga và Việt Nam, Bio-Rad còn hối lộ để bán được sản phẩm thiết bị y tế tại Thái Lan. Tháng 10-2007, Bio-Rad mua lại 49% cổ phần của hãng Diamed Thái Lan. Từ năm 2007-2010, Diamed Thailand hối lộ 708.608 USD cho các quan chức, tạo ra doanh thu bán hàng 5,5 triệu USD. Giám đốc Bio-Rad khu vực châu Á - Thái Bình Dương biết về các vụ hối lộ của Diamed Thailand nhưng không lên tiếng.
Khi công ty mẹ Bio-Rad ở Mỹ phát hiện vụ việc, họ đã lập một bản báo cáo trình lên SEC và Bộ Tư pháp Mỹ, đồng thời mở một cuộc điều tra rộng rãi. Nhằm tránh bị truy tố trách nhiệm hình sự, Bio-Rad chấp nhận trả 14,35 triệu USD tiền phạt cho Bộ Tư pháp Mỹ và 40,7 triệu USD cho SEC. Bio-Rad còn phải trình báo cáo định kỳ chứng minh nỗ lực “làm ăn trong sạch” lên Bộ Tư pháp trong vòng 2 năm bên cạnh việc tuân thủ và ngăn chặn mọi hành vi có ý định vi phạm Đạo luật Chống tham nhũng tại nước ngoài của Mỹ (FCPA).
Bio-Rad cho biết công ty đã chấm dứt hợp đồng với các nhân viên tham gia các vụ hối lộ, đồng thời cam kết không để xảy ra điều tương tự trong tương lai. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Bio-Rad thoát khỏi truy tố hình sự chủ yếu nhờ công ty này đã tự nguyện tiết lộ các hành vi sai trái cho chính phủ và hợp tác điều tra trên tinh thần thiện chí.
Bình luận (0)