Không chỉ vậy, cách đây không lâu, nhiều hộ nuôi cá bè ở một số tỉnh miền Tây cũng trắng tay vì cá chết. Những thông tin trên làm người dân lo ngại cho chính môi trường sống của mình bởi nguyên nhân ban đầu đã được các cơ quan chức năng xác nhận do nguồn nước ô nhiễm. Mà nguồn ô nhiễm này chính từ các nhà máy, cơ sở sản xuất thoải mái xả ra sông suối, các cửa biển.
Dốc vốn liếng, vay tiền đầu tư vào vụ cá, chỉ cần một lần cá bị chết như thế, nông dân dễ rơi vào khánh kiệt; việc sinh sống, học hành của con cái bị ảnh hưởng nặng nề. Người dân kêu van khắp nơi, chỉ tận mặt doanh nghiệp gây ô nhiễm nhưng có vẻ như nỗi đau của họ rơi vào vô vọng. Nhiều nơi, chính quyền địa phương cũng không mặn mòi gì với việc này, nơi khác thì ngại đụng chạm vì sợ ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Nguy hiểm hơn, có nơi chính quyền địa phương chẳng dám đụng đến những “ông lớn” gây ô nhiễm...
Các nhà khoa học nhiều năm qua đã chứng minh việc ô nhiễm nguồn nước gây chết cá chỉ là phần nổi của một thực trạng nguy hiểm vô cùng: môi sinh bị hủy hoại. Nguồn nước ô nhiễm (tùy loại) phá vỡ môi trường sống của cả hệ động, thực vật, ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm hệ thống nước ngầm và đầu độc nguồn sống của chính con người. Việc cải tạo nguồn nước bị ô nhiễm là hết sức khó khăn, có khi kéo dài cả mấy mươi năm nhưng không bao giờ môi sinh được hồi phục như ban đầu.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất không đồng nghĩa với việc đánh đổi mọi thứ, kể cả môi trường sống tự nhiên, kế sinh nhai của bao người và sức khỏe của cộng đồng. Vấn đề xác định thủ phạm thực ra đâu quá khó, quy định pháp luật liên quan để xử lý cũng đã rõ ràng. Thế nhưng, vì sao lại nhắm mắt cho qua, nhiều nơi xử lý cho có lệ, để bây giờ vấn đề ô nhiễm như bệnh dịch, tràn lan khắp các địa phương.
Ở nhiều quốc gia phát triển, họ thẳng tay xử lý doanh nghiệp vi phạm. Điển hình là vụ Tập đoàn Chiso xả nước thải có chứa thủy ngân vào vịnh Minamata tại Nhật Bản. Người dân đã khởi kiện tập đoàn này và vụ án kéo dài đến mấy chục năm. Cuối cùng, chính phủ tuyên tập đoàn này phải bồi thường một số tiền khổng lồ, đến mức gần như phá sản. Ngoài ra, 2 quan chức của tập đoàn bị truy tố. Gần 40 năm sau, chính phủ Nhật vẫn cảnh báo người dân không được sử dụng nước tại đây bởi vẫn còn độc tố. Hoặc gần đây là vụ tràn dầu ra biển tại giàn khoan của Tập đoàn Dầu khí BP, Bộ Tư pháp của Mỹ tuyên bố mức phạt và bồi thường đối với với tập đoàn này lên đến 20 tỉ USD.
Đã quá muộn rồi, phải kiên quyết nói không với những hành vi gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi sinh. Càng chần chừ dù với bất kỳ lý do nào thì người dân càng phải trả giá đắt và hậu quả của việc này ai cũng phải gánh chịu, kể cả những người vô tâm, dung dưỡng nó.
Bình luận (0)