Tình trạng trên diễn ra là vì Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) nằm ven biển nên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Theo đó, việc xói lở là điều khó tránh khỏi nếu không có các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn.
Ngày càng nghiêm trọng
Theo thống kê, từ tháng 4 đến tháng 12-2016, hiện tượng biển xâm thực diễn ra mạnh nhất ở BR-VT. Những khu vực diễn biến phức tạp nhất là bờ biển các xã Phước Thuận, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Lộc An (huyện Đất Đỏ) và khu vực Trại Nhái (TP Vũng Tàu).
Cụ thể, nếu tính theo hiện trạng lúc triều cường so với mép bờ biển thể hiện trên bản đồ địa chính lập năm 1997, 1998 thì các khu vực như Hồ Tràm, khu du lịch Sanctuary, khu du lịch Gió Biển, khu du lịch Minh Tuấn… mức độ biển xâm thực trung bình từ 20-40 m. Đoạn từ khu du lịch Saigon Container đến Lộc An có chiều dài khoảng 1.200 m trung bình bị xói lở từ 20 m đến 30 m, có những điểm xói lở rất nặng khuyết sâu vào các khu du lịch như Hồng Hà, Sông Ray.
Từ khu du lịch Sài Gòn Hồ Cóc đến Cây số 06-07 (hướng về Bình Châu) chiều dài khoảng 2 km, năm 2005 lúc bắt đầu làm đường ven biển, biển còn cách chân đường chỗ gần nhất là 50 m, xa nhất là 100 m, đến nay đoạn này biển đã vào sát chân đường.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, đoạn này bị sạt lở nghiêm trọng. Theo bản đồ địa chính năm 1997, tình trạng sạt lở sâu vào đất liền đã là 200 m. Bằng chứng là ở ấp Khu 1, xã Bình Châu, một diện tích lớn đã sạt lở, ăn sâu vào hàng cây phi lao, thậm chí hình thành một dòng chảy. Anh Nguyễn Tiến Hòa (ngụ ấp Khu 1, xã Bình Châu) lo lắng: “Ngày xưa, từ hàng cây xuống tắm biển, người dân phải đi rất xa, bãi biển rộng hàng trăm mét nhưng giờ thì bãi cát ngày càng rút ngắn lại, nước biển tiến vào nhiều hơn”.
Chỉ vào một nhánh sông đã bị cát biển bồi lấp, ông Hồ Văn Bốn (ngụ xã Bình Châu) lo ngại: “Biển Bình Châu nhiều nơi đã không còn bãi cát trải dài như xưa, thay vào đó là tình trạng xói lở mỗi năm càng nghiêm trọng.
Còn chờ giải pháp
Trước tình hình biển xâm thực đất liền ngày càng nghiêm trọng, năm 2014, UBND tỉnh BR-VT đã có quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống đê biển của địa phương. Để triển khai dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT kết hợp cùng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình chung. Nếu đúng theo quy hoạch thì giai đoạn 1 của dự án đã được triển khai từ năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch trên hiện vẫn nằm trên giấy.
Lý giải về việc chậm triển khai dự án, một vị lãnh đạo của ban quản lý dự án chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng việc đánh giá mức độ biển xâm thực căn cứ vào thời tiết, thời điểm, tình hình thực tế nên cần rất nhiều thời gian thực hiện bởi phải có những nghiên cứu chuyên sâu, xác định mức độ mới đưa ra được giải pháp phù hợp cho từng khu vực. Theo dự tính, báo cáo sẽ thực hiện trong 18 tháng nhưng tới nay viện vẫn chưa gửi báo cáo để tiếp tục các bước triển khai.
Trong khi chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm giải pháp thì nhiều doanh nghiệp (DN) không thể đứng yên nhìn những gì mình đang gầy dựng bị lấy đi nên đã tự xây kè chắn sóng, trong đó nhiều nhất là các DN ở huyện Xuyên Mộc. Cụ thể, DN Hương Phong đã xây dựng bờ kè khoảng 250 m để bảo vệ đất của mình; khu du lịch Minh Tuấn cũng làm bờ kè đá; Công ty CP Rừng Dương đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng kè chắn sóng hiện đại, ngăn biển xâm thực vào dự án của công ty; khu du lịch dầu khí Vietsovpetro buộc phải làm bờ kè dài khoảng 600 m chạy dọc theo bờ biển trên phần đất của mình để ngăn sóng biển tấn công…
Dù vậy, theo cơ quan chức năng BR-VT, việc các DN tự làm rào chắn hay xây dựng kè biển giữ bờ chỉ là giải pháp trước mắt và có phần nguy hại. Bởi chính việc xây dựng tự phát, thiếu sự đồng nhất có thể hạn chế tình trạng xâm thực ở khu du lịch này nhưng lại gây nguy cơ xâm thực mạnh hơn ở những khu du lịch gần kề.
Đầu tư 3.394 tỉ đồng
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các công trình của quy hoạch hệ thống đê biển tỉnh BR-VT là khoảng 3.394 tỉ đồng.
Trong đó, thứ tự ưu tiên sẽ là củng cố nâng cấp các công trình đê kè biển có nguy cơ bị đổ vỡ và những khu vực bị xói lở nghiêm trọng. Kế đến là xây dựng các công trình bảo vệ khu dân cư, cơ sở hạ tầng khu du lịch; xây dựng công trình bảo vệ sản xuất, chống xói lở đất. Công trình sẽ chia thành 3 giai đoạn, thời gian thực hiện từ khi phê duyệt dự án là năm 2014 - 2020.
Bình luận (0)