Sau lần bay thử tại một khu đất gần nhà, ngày 14-9, ông Bùi Hiển (sống thị xã Thuận An – Bình Dương) cho Báo Người Lao Động biết ông đang làm các thủ tục để được Bộ Quốc phòng cấp phép bay thử trên bầu trời.
Ông Hiển nói lần này ông đã tự lái trực thăng thử nghiệm thành công kỹ thuật “bay treo” và “bay vòng”. Do đó ông mới tự tin dán dòng chữ “Giấc mơ” và dòng chữ “Bùi Hiển” vào chiếc trực thăng trị giá hơn 400 triệu đồng do mình làm ra. Ông xem đây là một phiên bản trực thăng chưa hoàn hảo nhưng đầy hứa hẹn!
Ông Bùi Hiển và "phiên bản trực thăng" mang tên Giấc Mơ
Ông Hiển cho rằng ông đã tự nhốt mình trong gara ô tô để chế tạo trực thăng. Việc sáng chế và bay thử của ông Hiển đã diễn ra trong thời gian dài và gây nhiều chú ý cho dư luận cũng như cơ quan chức năng.
Ngày 14-9, phóng viên báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi ngắn với Đại tá Võ Đức Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, về chiếc trực thăng và giấc mơ bay của người thương binh đồng thời là người thợ sửa ô tô Bùi Hiển.
Đại tá Võ Đức Thành khuyến khích ông Bùi Hiển sáng tạo nhưng yêu cầu mọi thử nghiệm cần chú ý tính an toàn
PV: Việc ông Bùi Hiển lái trực thăng do mình tự chế bay trên một khu đất ở Thuận An – Bình Dương theo Đại tá là có vi phạm gì không?
-Đại tá Võ Đức Thành: Theo thông tin tôi nắm hiện anh Bùi Hiển chỉ bay là là trên mặt đất. Tôi không cho rằng đó là sự vi phạm gì đáng phải nói. Có một lần anh ấy cho trực thăng vận hành thử nhưng phần cánh bị văng ra, bay về phía nhà dân rất nguy hiểm. Nghe thông tin này địa phương có nhắc nhở anh Hiển mọi thử nghiệm cần chú trọng tính an toàn. Sự cố đó không gây ra hậu quả nghiêm trọng nên tôi thấy không cần làm ồn ào khiến anh Hiển phải buồn.
Quan điểm của tôi đây là một hoạt động dân sự. Thế nhưng làm gì cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp lý. Nếu anh Hiển cho phương tiện của mình bay lên cao thì phải được cấp phép. Chúng tôi có theo dõi và thường xuyên nhắc nhở anh Hiển việc này.
- Đại tá đánh giá như thế nào về chiếc trực thăng của ông Bùi Hiển?
- Phát minh sáng chế có lợi luôn luôn cần được cổ vũ để khuyến mọi người có ước mơ, có hoài bảo. Sự đam mê của anh Bùi Hiển phải nói là hết sức đáng khích lệ. Nó thể tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu khoa học. Nó thể hiện trí tuệ, khát khao của người Việt Nam.
Tuy nhiên, theo tôi cái mà anh Hiển làm ra ở thời điểm này chưa thể gọi là máy bay mà chỉ là một phương tiện bay do anh ấy sáng chế rồi mua cái này lắp ráp với cái kia.
Nổ lực của ông Hiển nhận được sự ái mộ của nhiều bạn trẻ
- PV: Ông Hiển muốn xin phép Bộ Quốc phòng để được bay thử nghiệm lên không trung. Theo ông, Bộ Quốc phòng có chấp nhận không?
- Việc anh Hiển xin phép, bày tỏ ý định là quyền của công dân. Có một lần bên Không quân đến nhà anh ấy tìm hiểu chiếc trực thăng. Họ bảo nghiên cứu, lắp đặt và thử nghiệm trong nhà xưởng của anh thì được, ra ngoài trời mà bay cao thì phải được cấp phép. Không ai gây khó khăn gì cả.
Nếu anh Hiển tha thiết xin được phép bay lên cao ở ngoài trời thì sẽ được cơ quan chức năng xem xét. Riêng quan điểm cá nhân của tôi thì việc này khó thành. Lỡ phương tiện đang hoạt động mà trục trặc rơi xuống nhà dân hoặc bản thân anh ấy có sự cố gì thì sao?
Trường hợp Bộ Quốc phòng chấp nhận cho anh ấy bay thử nghiệm thì tôi nghĩ khó mà thử nghiệm ở khu vực sân bay quân sự. Việc bay thử có thể xem xét cho diễn ra tại một môi trường, một khu vực an toàn nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng chế.
- PV: Ông Hiển muốn cơ quan chức năng phối hợp với mình để làm những chiếc trực thăng như vậy nhằm phục vụ hoạt động tưới tiêu. Đại tá đánh giá thế nào về ý định này?
- Đó là mong muốn chính đáng! Tuy nhiên, nó là cả một vấn đề nan giải. Ngày trước tôi nhớ cũng có dự án dùng trực thăng, máy may vào việc xạ lúa nhưng dự án không thành. Hiện nay muốn trang bị trực thăng chữa cháy cũng đã là một vấn đề. Trực thăng có nhà xưởng, nhà máy kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ còn có khi bị rơi, huống gì…
Về mặt cá nhân tôi, luôn muốn động viên anh Hiển. Qua anh để khích lệ tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ. Nhưng muốn ứng dụng sản phẩm công nghệ cao như máy bay trực thăng thì phải thì phải tuân thủ những quy chuẩn khắt khe. Phải có các ngành chức năng các nhà khoa học thẩm định, đưa ra ý kiến. Đây không phải là chuyện đơn giản!
Bình luận (0)