Liên quan đến việc Bộ GTVT cấp phép cho Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước) khai thác cát trên sông Đồng Nai (Báo Người Lao Động ngày 20-4 đã thông tin), Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TP đình chỉ hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai của công ty này.
Nhiều sai phạm
Trước đó, ngày 20-4, Sở TN-MT đã có văn bản gửi Công ty Hiệp Phước, thông báo không chấp thuận việc đăng ký khối lượng nạo vét, tận thu khoáng sản. Đồng thời, đề nghị Công ty Hiệp Phước ngưng ngay các hoạt động nạo vét cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo đại diện phường Long Phước, quận 9, trừ ngày 19-4, Công ty Hiệp Phước ngưng hoạt động để đối phó với đoàn kiểm tra của các sở, ngành TPHCM, thời gian còn lại vẫn hoạt động bình thường. Ngày 23-4, Trạm CSGT đường thủy số 6 (Công an TPHCM) đã tiến hành lập biên bản vi phạm và đình chỉ hoạt động đối với 2 xáng cạp đã hết hạn đăng kiểm. Còn theo ghi nhận của chúng tôi, đến chiều 25-4, vẫn còn 5 xáng cạp của Công ty Hiệp Phước hoạt động trên sông Đồng Nai.
Báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ
Theo thống kê của Sở TN-MT, tình trạng khai thác, bơm hút cát trên sông Đồng Nai diễn ra khá phức tạp, gây sạt lở bờ sông. Mặc dù những năm qua, TPHCM và Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực đấu tranh nhưng chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đến năm 2004, Thủ tướng Chính phủ phải vào cuộc bằng văn bản cấm khai thác cát trên sông Đồng Nai khu vực hạ lưu thủy điện Trị An. Như vậy, dự án được khai thác với khối lượng lên đến 10 triệu m3 thì tất cả các nỗ lực đấu tranh của 2 tỉnh, thành và chỉ đạo của Thủ tướng thời gian qua đều bị vô hiệu hóa. Bên cạnh đó, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2009, phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, thì cảng trên sông Đồng Nai chỉ tiếp nhận tàu công suất 5.000 DWT. Đến năm 2011, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ do chính Bộ GTVT đã phê duyệt, xác định rõ khu bến cảng trên sông Đồng Nai và Bình Dương tiếp nhận tàu tải trọng 5.000 DWT. Quy hoạch cũng chỉ rõ việc cải tạo, nâng cấp luồng tàu, luồng sông Đồng Nai giữ nguyên hiện trạng khai thác cho đoạn luồng bắt đầu từ ngã ba Mũi Đèn Đỏ đến cảng Đồng Nai, dài khoảng 36 m. Như vậy, việc nạo vét để lòng sông sâu từ 10 - 12m, nâng cấp cho tàu có tải trọng 10.000 DWT hoạt động là trái với quyết định của Thủ tướng và quyết định của chính Bộ GTVT.
Cấp phép khai thác trong khu vực cấm Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước được Bộ GTVT cấp phép nạo vét, duy tu và nâng cấp tuyến luồng đường sông Đồng Nai (đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai). Dự án được thực hiện trong 9 năm với tổng khối lượng khoáng sản thu được là 9,9 triệu m3, trong đó, cát xây dựng hơn 1 triệu m3, bùn san lấp hơn 7 triệu m3 và bùn sét hơn 1,6 triệu m3. Dự án này đã vấp phải sự phản đối của chính quyền tỉnh Đồng Nai và TPHCM vì nằm trong khu vực cấm khai thác khoáng sản và cũng là vị trí nhạy cảm thường xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, gây nguy hiểm đời sống nhân dân trong khu vực. |
Bình luận (0)