Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết đang làm rõ trách nhiệm của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ya Hội và BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê cùng những đơn vị liên quan về việc để người dân lấn chiếm đất rừng diễn ra trong thời gian dài ở huyện Đắk Pơ.
Chủ rừng có cũng như không
Hai BQL rừng phòng hộ Ya Hội và Bắc An Khê được giao quản lý tổng cộng hơn 14.300 ha rừng, đất rừng. Vừa qua, tổ công tác gồm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cùng với chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng kiểm tra thực tế đã phát hiện có tới gần 771/1.300 ha đất và rừng thuộc lâm phần của BQL rừng phòng hộ Ya Hội bị người dân lấn chiếm, trong đó trên 590 ha đất không có rừng và 181 ha đất rừng. Giai đoạn mất đất và rừng nhiều nhất là trước năm 2008 với hơn 710 ha, còn từ 2008 tới nay là 60 ha.
Theo giải trình của BQL rừng phòng hộ Ya Hội, số diện tích đất không có rừng bị lấn chiếm được xác định xảy ra từ trước khi thành lập BQL này nhưng lại không được tách ra khỏi diện tích quản lý được giao. Trong số 181 ha đất rừng, hơn 113 ha bị người dân lấn chiếm sau khi chủ rừng khai thác xong nhưng chưa trồng lại rừng.
Tại lâm phần của BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê, đoàn kiểm tra xác định có tới hơn 1.266/1.466 ha bị người dân lấn chiếm. Trong đó, hơn 72 ha đất rừng phòng hộ giờ không còn một bóng cây; hơn 320 ha rừng bị người dân chiếm làm nương rẫy từ năm 2008 đến nay.
Buông lỏng quản lý
Dù tình trạng chiếm đất rừng, phá rừng làm rẫy diễn ra từ nhiều năm qua nhưng việc ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng không hiệu quả. Đến nay, 2 BQL trên phát hiện 42 vụ vi phạm với diện tích 207 ha nhưng chỉ lập hồ sơ, xử lý được 5 vụ với diện tích hơn 76 ha.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân mất rừng là do chủ rừng buông lỏng quản lý; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc xử lý các hành vi vi phạm chưa đồng bộ, thống nhất. Đáng nói là tại BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê, khi hết hạn hợp đồng trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy MDF, đơn vị chủ rừng vẫn không tiến hành thanh lý và thu hồi lại diện tích, dẫn đến việc người dân vô tư chiếm dụng.
Ông Kpah Thuyên cho biết vừa nhận được báo cáo của 2 BQL rừng phòng hộ Ya Hội và Bắc An Khê. Tuy nhiên, do báo cáo chưa rõ ràng nên UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra mất rừng qua từng giai đoạn, thời điểm cụ thể.
Theo ông Kpah Thuyên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới đây, UBND tỉnh Gia Lai sẽ rà soát tất cả dự án và tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.
Bình luận (0)