Trên địa bàn TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 18 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 1 di tích lịch sử cấp tỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phân cấp cho TP Vũng Tàu quản lý 17 di tích, còn lại 2 di tích là Bạch Dinh và Trận địa pháo cổ Sao Mai (núi Lớn) thì do Bảo tàng tỉnh quản lý.
Lấn chiếm bán hàng, xây nhà
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, rất nhiều di tích như Bạch Dinh, Trận địa pháo cổ Sao Mai, Thích Ca Phật Đài, Linh Sơn Cổ Tự, Phước Lâm Tự... đang bị xâm hại, xuống cấp.
Di tích Bạch Dinh là một dinh thự có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ XIX, nằm bên sườn núi Lớn của TP Vũng Tàu, từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, vua Bảo Đại... Ngày nay, ngoài là địa điểm tham quan du lịch, Bạch Dinh được dùng làm bảo tàng, trưng bày những hiện vật có giá trị qua các thời kỳ như đồ gốm, súng thần công. Nhiều năm trở lại đây, du khách muốn tham quan Bạch Dinh thì phải để ý kỹ mới thấy bởi hàng loạt quán cà phê mọc lên san sát phía dưới khu di tích. Thậm chí, vỉa hè được tận dụng làm nơi trông giữ xe máy, ô tô nên lối đi lên khu di tích này ngày càng bị thu hẹp. Từ Bãi Trước quan sát, Bạch Dinh nằm lọt thỏm trong hàng trăm tấm tôn, bạt lụp xụp. Không chỉ vậy, một số du khách tham quan mà không cần phải mua vé bởi sau khi uống cà phê ngay phía dưới núi thì có thể bước qua hàng rào để đi lên Bạch Dinh.
Khu Di tích Thích Ca Phật Đài được đánh giá là một quần thể kiến trúc Phật giáo lớn, điểm tham quan du lịch và tín ngưỡng nổi tiếng ở TP Vũng Tàu, nổi bật với bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền. Khuôn viên nơi đây rộng chừng 5 ha, bao gồm một quần thể các chùa và tượng Phật. Vào các dịp lễ, Tết, khu di tích đón một lượng khách du lịch, tham quan rất lớn. Tuy nhiên, ngay tại cổng, nhiều hàng quán mọc lên, người buôn bán vào khuôn viên để kinh doanh. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã lấn chiếm đất di tích để xây dựng nhà ở, hình thành những xóm tạm bợ.
Ngoài ra, hàng chục khu di tích khác ở TP Vũng Tàu cũng xảy ra tình trạng lộn xộn, nhếch nhác, xả rác bừa bãi. Một số di tích đã xuống cấp nhưng chưa được tôn tạo như di tích lịch sử cách mạng tại số 86 Phan Chu Trinh, di tích trụ sở Ủy ban Việt Minh tại số 1 Ba Cu...
Đổ sập bất cứ lúc nào
Khu di tích cấp quốc gia Trịnh Khả (làng Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nằm sát Quốc lộ 217, trên một triền đồi lưng tựa núi, mặt hướng ra sông Mã. Theo sử sách, Trịnh Khả (1391-1451) người làng Kim Bôi, tổng Sóc Sơn (nay là làng Giang Đông, xã Vĩnh Hòa). Ông là 1 trong 18 người tham gia Hội thề Lũng Nhai năm 1416. Với tài thao lược, ông nhanh chóng trở thành tướng tài của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. Trịnh Khả làm quan dưới 3 triều vua (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông). Sau khi mất, ông được truy tặng Thái úy liệt quốc công, sau truy phong là Hiển Khánh Vương, vua truyền sắc chỉ xây dựng đền tại quê hương. Năm 1993, đền thờ Trịnh Khả tại làng Giang Đông được công nhận là di tích cấp quốc gia nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng.
Toàn bộ di tích gồm hệ thống tường rào, cổng nghinh môn, nhà thờ, văn bia... đều xuống cấp. Trước cổng nghinh môn, những cánh cửa bị bật bản lề, dựng chỏng chơ; hoa văn họa tiết trang trí rêu mốc; tường nứt nẻ. Men theo các bậc thang dẫn vào khu đền thờ, hệ thống tường xây dọc hai bên bị đổ vỡ; các bậc lên xuống được lát gạch, xi măng đã bong tróc... Đặc biệt, tại khu đền chính 3 gian với cấu trúc hình chữ nhị (=), tường của tiền đường đã bị nứt, một phần mái ngói đổ sập...
Ông Trịnh Ngọc Ngân, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Hòa, cho biết có nhiều hiện vật của di tích đã được bảo quản cẩn thận, cắt cử người trông coi. Tuy nhiên, nếu không được trùng tu sớm thì di tích có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.
Đề ra các phương án bảo tồn
Vừa qua, UBND TP Vũng Tàu đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thành lập ban quản lý di tích để quản lý, khai thác và tôn tạo các di tích trên địa bàn. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phối hợp với UBND TP Vũng Tàu tổ chức khảo sát thực trạng tại một số di tích trên địa bàn TP Vũng Tàu và ghi nhận nhiều di tích xảy ra tình trạng lộn xộn, nhếch nhác, bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán. “Sau khi đi khảo sát các di tích trên, sở sẽ làm việc với UBND TP Vũng Tàu để triển khai một số giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng di tích bị xâm hại như thời gian qua. Ngoài ra, cũng sẽ đề ra các phương án bảo tồn các khu di tích trên” - ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết.
Trong khi đó, theo ông Lê Thanh Chương, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hòa, trước việc xuống cấp của di tích cấp quốc gia Trịnh Khả, năm 2008, địa phương đã đề nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa và huyện về kiểm tra để có hướng trùng tu, tôn tạo. Năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư vốn để trùng tu, tôn tạo với kinh phí 15 tỉ đồng nhưng sau đó điều chỉnh lại còn 9,8 tỉ đồng. Năm 2010, dự án được chính thức trùng tu nhưng nhà thầu chỉ làm xong tường rào thì dừng lại. Ông Chương cho biết dự án bị “đắp chiếu” là do thiếu kinh phí và năng lực nhà thầu yếu kém, làm ảnh hưởng không nhỏ đến một số hạng mục kiến trúc.
Bình luận (0)