Dù biết nghề dời nhà thuộc dạng nguy hiểm cao nhưng vì nhu cầu xã hội và vì có nhiều “thần đèn” ăn nên làm ra nên nhiều người không rành nghề cũng lao vào. Trong khi “thần đèn” đang ngày càng rộ lên thì các địa phương, ngành chức năng loay hoay, chưa quản lý được.
Quá nhiều rủi ro
Đã có nhiều người trở thành tàn phế, thậm chí mất mạng từ công việc làm “thần đèn”. Ở Chợ Mới - An Giang, nhiều người vẫn còn nhắc đến cái chết của ông Nguyễn Văn Kia để làm bài học cho những “thần đèn” trẻ. Trước đây, ông Kia cũng là công nhân của một đội di dời nhà ở xã Long Điền A - Chợ Mới. Sau vài năm học lỏm, ông Kia rủ thêm 8 công nhân trong đội hùn vốn, lập đội riêng để di dời nhà. Không ngờ, chuyến làm ăn đầu tiên đội gặp sự cố sập nhà, ông Kia bị nạn chết ngay tại chỗ.
Ông Phan Văn Vạn, một công nhân bị nạn nằm liệt giường 14 năm nay vì đi theo “thần đèn”. Năm 1997, ông làm công nhân cho “thần đèn” Hai Lý. Trong một lần di dời và nâng sàn một căn nhà gỗ ở xã Long Giang - Chợ Mới thì tai nạn xảy ra. Ông kể: “Lúc đó quá trưa, mọi người đã thấm mệt nhưng vì muốn xong sớm, ông Hai Lý phân công hai nhóm, một nhóm của tôi và nhóm khác tranh thủ làm nhanh, nhóm nào xong trước thì nghỉ trước.
Vì muốn nghỉ sớm, nhóm công nhân kia đã đội cột nhà lên và chêm đế cẩu thả. Đến khi nhóm tôi vừa đội sàn nhà lên thì bất ngờ cột bị xệ, căn nhà đổ sập. Cả 3 người của nhóm tôi không kịp chạy thoát. Tôi bị gãy cột sống, thương tật nặng nhất và trở thành người tàn phế từ đó đến nay”. Ông Vạn cho biết từ sau khi bị tai nạn, ông trở thành gánh nặng của gia đình.
Vợ ông vì không chịu nổi cảnh khó khăn, đã bỏ ông đi biền biệt. Tuy thế, ông cho rằng mình còn may mắn hơn nhiều người khác. Ông nhớ rõ tên những người tử nạn do theo nhầm “thần đèn” không có tay nghề. “Tôi không thể quên thằng Duyên. Hồi đó, nó theo di dời một căn nhà gỗ ở Đồng Tháp, cũng giống như tôi, nhà sập không chạy kịp nên mất mạng” - ông nhớ lại.
Theo nghiệp “thần đèn”, ông Phan Văn Vạn bị tai nạn, liệt nửa người nằm một chỗ từ 14 năm nay
Nhiều công nhân trong các đội, doanh nghiệp làm dịch vụ di dời nhà ở Chợ Mới vẫn chưa thể quên cái chết thảm của một công nhân di dời nhà. Nạn nhân là anh Nguyễn Thanh Phong, 26 tuổi, lính của “thần đèn” Lê Văn Rời. Ông Nguyễn Văn Giỏi, cha nạn nhân, xót xa kể năm 2004, ông Rời nhận di dời một căn nhà tường ở TP Mỹ Tho - Tiền Giang.
Trong lúc kéo căn nhà trên ván trượt, bất ngờ một sự cố xảy ra. Khi căn nhà vừa tiến đến vị trí đã được định sẵn nhưng chưa ổn định thì một công nhân khác liền nhấn đội lên cao. Trong lúc căn nhà đang bị chao lắc vì các góc đội không đồng đều thì lại bị một người khác dùng cục gỗ chêm đại vào càng khiến căn nhà bị nghiêng thêm và đổ ập sang một bên. Công nhân túa chạy, còn Phong bị kẹt cứng giữa 2 vách tường, chết tại chỗ.
Không quản lý được
Ông Lê Văn Sang, lính ruột “thần đèn” Lương Thành Lũy, cho biết trong hơn 10 năm theo nghề, ông đã chứng kiến rất nhiều “đệ tử” mới chập chững vào nghề đã lập đội làm ăn riêng. Không ít người vì tay nghề kém, học hỏi chưa được bao nhiêu đã liều mạng nhận thầu. Chỉ cần gặp sự cố và xử lý sai một li là sẽ đi... cả căn nhà, thậm chí gây tai nạn chết người.
Nhưng hiện nay, trong lúc dịch vụ di dời nhà cửa và phong trào làm “thần đèn” đang ngày càng rộ lên, gần như việc quản lý các… “thần” này đang bị bỏ quên. Theo ông Ngô Hoàng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, nghề di dời nhà có từ rất lâu ở Chợ Mới. Hai xã Long Điền A và Long Điền B là nơi tập trung nhiều nhất các đội dời nhà, ít nhất khoảng 20 đội, phần đông không đăng ký, không đủ năng lực, điều kiện hành nghề. “Hiện nay, huyện cũng chưa thể biết có bao nhiêu người theo làm nghề vì chưa có sự quản lý của Nhà nước. Vì nó tự phát nên khi xảy ra tai nạn lao động thì chủ di dời và gia đình nạn nhân tự dàn xếp êm xuôi với nhau, chính quyền địa phương không biết, không can thiệp được” - ông Hiếu thẳng thắn nhìn nhận.
Việc quản lý “thần đèn” và dịch vụ di dời nhà, theo chúng tôi, phải được coi trọng vì trên thực tế không phải thiếu quy định về quản lý Nhà nước. Ông Trần Thanh Vũ, Phó trưởng Phòng Quản lý hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh An Giang, cho rằng hành nghề “thần đèn” thuộc lĩnh vực xây dựng và thuộc phạm vi quản lý của sở này.
Về phân cấp quản lý, phòng kinh tế xây dựng và hạ tầng của các huyện phải có trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động của các “thần đèn” trên địa bàn mình. Đáng tiếc là theo ông Vũ, do chưa làm tốt công tác quản lý Nhà nước nên phần lớn cơ sở, doanh nghiệp tư nhân không đủ năng lực, điều kiện theo quy định vẫn cứ thế hoạt động. Hiện Sở Xây dựng tỉnh An Giang đang quản lý 10 DNTN hoạt động di dời nhà nhưng hầu hết không đáp ứng đủ điều kiện hành nghề.
Trình độ trường làng
Trong số hơn 40 “thần đèn” của các đội, cơ sở và DNTN hoạt động trong lĩnh vực di dời, chống nghiêng, chống lún nhà ở huyện Chợ Mới hầu hết đều có trình độ... trường làng. Ngay như “thần đèn” Lương Thành Lũy (Tư Lũy) được xem là nổi tiếng nhưng chữ nghĩa cũng ít.
Người cháu ruột nối nghiệp ông là Lương Văn Phú cũng chỉ mới học hết lớp 4. “Thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy (Đồng Tháp) tiếng tăm lừng lẫy khắp trong Nam, ngoài Bắc nhưng trình độ cũng không là bao. “Thần đèn” Lê Văn Rời ở xã Long Điền A - Chợ Mới thừa nhận nghiệp “thần đèn” là cái nghề... ngang hông.
Giám đốc một công ty xây dựng có uy tín tại TP Long Xuyên - An Giang cho rằng đúng là có những công trình mà các “thần đèn” thực hiện ngoài sức tưởng tượng. Nhưng làm nghề xây dựng phải có trình độ, kiến thức chuyên môn chứ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm được. |
Bình luận (0)