Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy năm 2016 là năm ngành nông nghiệp dồn dập gánh chịu các đợt thiên tai nặng nề như: trận rét đậm, rét hại lịch sử ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc; đợt hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn, mặn lịch sử tại ĐBSCL... Từ đầu tháng 10-2016 đến nay, 8 tỉnh Nam Trung Bộ đã hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử. Thiên tai đã cướp đi mạng sống của 253 người, gây thiệt hại 39.000 tỉ đồng.
Nghiêm trọng hơn là sự cố môi trường biển do Formosa gây ra ảnh hưởng đến đời sống người dân nhiều tỉnh miền Trung. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu: gạo, cà phê, cao su, sắn, tôm… đều sụt giảm cả về số lượng và giá trị.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận con số tăng trưởng GDP mà ngành đạt 1,2% sau một năm đầy thử thách rất đáng ghi nhận. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả lần đầu tiên đã vượt qua mặt hàng gạo, cán đích 2,4 tỉ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự “bùng nổ” mạnh mẽ.
Mục tiêu năm 2017, bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Sản phẩm quốc gia (bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu 1 tỉ USD trở lên); sản phẩm cấp tỉnh theo hướng mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm và trục sản phẩm đặc sản của địa phương như rau, hoa.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bất cứ người dân, tổ chức, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao đều được hoan nghênh nhưng không làm phong trào và đặc biệt không làm theo cơ chế xin cho. Gói tín dụng 50.000-60.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ triển khai tại nhiều ngân hàng để tạo cơ chế thông thoáng cho người có nhu cầu.
Thủ tướng nêu rõ nền nông nghiệp thường xuyên phải chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu nên cần được tập trung cơ cấu lại sản xuất cho phù hợp; phải hướng đến một nền nông nghiệp thông minh; không chỉ ứng dụng khoa học - công nghệ để có các sản phẩm giá trị cao mà còn phải hướng tới giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, sinh kế cho nông dân.
Nhấn mạnh đến việc sửa đổi cơ chế đất đai, “cởi trói” cho nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ những chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông thôn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì sẽ ký bãi bỏ. “Thể chế là do chúng ta nghĩ ra nhưng chúng ta lại sợ nó; phải bãi bỏ vì dân, vì nông nghiệp, nông thôn, đừng để các cơ chế, chính sách đó ảnh hưởng. Đây là nội dung quan trọng số một của Đảng, nhà nước, các cấp chính quyền. Tránh quy định lạc hậu mà bắt người dân thực hiện mãi” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Bình luận (0)