“Tự xử” khi gặp sự cố
Ngày 12-4, chúng tôi trở lại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, địa phương đi tiên phong trong việc mua bò Úc với 39 con được chuyển giao cho dân nuôi trong một năm qua. Nhiều hộ dân địa phương thừa nhận, đến nay con bò Úc đã thích nghi dần với điều kiện chăn nuôi mới và sản lượng sữa đạt, có chiều hướng tăng dần, bình quân 15-24 kg/ngày. Tuy vậy, bà con ước tính, sản lượng sữa trên cũng chỉ tương đương với con bò lai Sind F2 trong nước. Trong khi giá một con bò F2 có thể rẻ hơn bò Úc 1-2 triệu đồng, chi phí nuôi (gồm thức ăn, đầu tư chuồng trại, thuốc thú y...) lại thấp hơn.
Điều trớ trêu là nuôi bò Úc chưa thấy có lợi gì hơn bò lai Sind, chỉ thấy đáng lo nhất là hiện tượng bò đẻ toàn... bê đực! Trong tổng số gần 20 con bò Úc có thai tại đây thì trên 70% sinh ra bê đực. Ông Thái Văn Minh, ngụ ấp 2, chán nản kể: “Gia đình tôi vay vốn ngân hàng 22 triệu đồng để mua một con về nuôi, đến khi bò đẻ thì lại ra bê đực. Nó lại bị bệnh viêm, xơ bầu vú không thể nào vắt sữa được. Coi như lỗ vốn, còn nợ thì chưa biết tính sao”. Các hộ chăn nuôi ở đây cho biết, mặc dù Công ty Bò sữa TPHCM hứa thu mua bê đực nhưng bà con phải tới lui liên lạc nhiều lần, trong khi giá mua cũng không cao hơn giá thị trường (giá một con bê đực mới sinh chỉ có 400.000-500.000 đồng trong khi giá một con bê cái lên đến 5-6 triệu đồng), nên bà con đành “tự xử” khi gặp sự cố.
Theo ông Trần Quốc Quay, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, người dân vẫn phải nuôi bò Úc theo kiểu... tự mày mò. Mạng lưới thú y tại cơ sở còn quá mỏng và ngay cả bản thân những người này cũng không nắm được đầy đủ thông tin và kỹ thuật nuôi bò HF... Đây cũng là hoàn cảnh chung của một số hộ nuôi bò Úc khác ở huyện Củ Chi, Bình Chánh, quận 9...
Cần ít nhất 2 năm nuôi thử nghiệm
Ông Phạm Đức Nhoai, Giám đốc Công ty Bò sữa TP, thừa nhận:“Đây là giống bò mới nên còn rất khó nuôi, lại đòi hỏi điều kiện chăn nuôi, chuồng trại, thức ăn, thú y cao mà không phải hộ nông dân nào cũng đáp ứng được. Đơn cử như chuyện bò Úc cần ăn cỏ tươi đủ chất dinh dưỡng nhưng lại bị người chăn nuôi cho ăn thức ăn tinh, rơm... nên khó đạt năng suất về sữa và trọng lượng”. Ông Nhoai cũng cho rằng, con bò Úc không thể dùng là vật nuôi XĐGN cho người dân mà vật nuôi xóa nghèo chủ yếu vẫn phải là con bò lai Sind trong nước.
Sau khi xảy ra “sự cố” bò Úc vào tháng 5-2002, Công ty Bò sữa TPHCM đã nâng thời gian nuôi thích nghi tại đơn vị là khoảng một năm mới đưa ra dân. Theo phương án này, hiện có hơn phân nửa đàn bò Úc của TP đã đủ thời gian bán cho nông dân. Với giá bình quân một con bò có thai khoảng 25 triệu đồng/con. Công ty đã đưa ra dân gần 150 con.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nông nghiệp nhận định, muốn khảo sát, rõ ràng, sự thích nghi của bò Úc tại Việt Nam đòi hỏi phải có thời gian từ 2-3 năm trở lên. Do vậy, chỉ nên nhập về một số lượng ít và nuôi tại các nông trường, trạm, trại để khảo sát và lai tạo thành giống bò Việt Nam có chất lượng tốt.
Làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP trong đầu tháng 4 vừa qua, ông Phạm Xuân Ái, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách-HĐND TP, cho rằng chủ trương nhập bò là nhằm phát triển kinh tế chứ không chỉ xem đơn thuần là XĐGN. Đối với số bò đang dự định đưa ra dân, cần hết sức thận trọng và hạn chế, chỉ nên chuyển giao cho những hộ, trang trại có đầy đủ điều kiện về kinh tế lẫn tay nghề. Không thể để người dân thử nghiệm với chuyện may rủi khi mua những con bò trên.
Bình luận (0)