Ngày 18-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Đáng chú ý, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã không có quy định điều chỉnh đối với mạng xã hội, trang tin điện tử mà chỉ điều chỉnh hoạt động báo chí nhà nước.
Không ổn!
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng thông tin trên mạng ngày càng nhiều, nhu cầu tra cứu của người dân cũng rất lớn. Theo ông Phước, thông tin trên mạng có 3 loại: Loại thứ 1 là của các cơ quan, loại thứ 2 là của tư nhân và đặc biệt, loại thứ 3 nằm ngoài phạm vi quốc gia. “Không quy định rõ trong luật thì quản lý chỉ đạt 40%, còn 60% là bỏ trống trận địa” - ông Phước nhận định.
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn việc trang tin điện tử bị đưa ra ngoài nội dung của luật thì có phải là một ấn phẩm thông tin báo chí không? “Trang tin điện tử được cấp phép rồi lấy thông tin từ các báo và có tới hàng triệu lượt người xem. Nay lại bỏ ra ngoài mà quản bằng nghị định là không ổn, cần phải đưa vào luật” - ông Phúc kiến nghị.
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son cho biết Luật Báo chí chỉ điều chỉnh hoạt động báo chí nhà nước chứ không điều chỉnh truyền thông xã hội. Truyền thông xã hội đã được quy định rất chặt chẽ theo Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. “Nếu đưa trang tin điện tử, trang mạng, blog cá nhân vào đây thì vô hình trung chúng ta thừa nhận tất cả loại hình này là báo chí. Quan điểm nhất quán của chúng ta cho đến nay là không chấp nhận báo chí tư nhân” - ông Son nói.
Muốn cấm, phải có luật
Tham dự phiên họp, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng các sở TT-TT Hà Nội, TP HCM… đã cấp phép cho hàng ngàn trang thông tin điện tử nên muốn quản cũng rất khó. “Chúng ta khẳng định các trang thông tin không phải là báo chí nhưng hoạt động lại có tính chất như báo chí, trong khi mọi thông tin trên mạng bình đẳng như nhau. Vì thế, cũng cần nghiên cứu hình thức quản lý để quy định cụ thể” - ông Kỷ nêu.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị luật phải bám sát Hiến pháp, nêu rõ quyền tự do báo chí, ngôn luận, quyền tự do tiếp cận thông tin… Chủ tịch QH dẫn lại câu chuyện Bác Hồ hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp “dân chủ là gì?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời nhiều ý nhưng Bác Hồ tóm gọn lại rất đơn giản, sâu sắc và dễ hiểu: “Dân chủ là để cho dân được mở mồm ra!”.
“Quyền tự do ngôn luận đã được hiến định. Vì thế, muốn cấm cái gì thì phải đưa vào luật chứ không thể để trong nghị định. Ngày nay, xu hướng đọc đã khác trước, người dân mở điện thoại ra là có vô vàn thông tin. Nếu nói đó không phải là báo nên không quản lý là không được. Phải nhớ rằng quyền “mở mồm” là quyền của mỗi người dân” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Từ 18 tuổi trở xuống là trẻ em
Cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). UBTVQH cho rằng việc dự luật điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ về “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người từ 18 tuổi trở xuống quy định trong các luật khác.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết các đại biểu thống nhất đặt tên dự thảo luật là Luật Trẻ em và trình nội dung này ra QH.
Bảo vệ nguồn tin
Về việc bảo vệ người cung cấp thông tin cho báo chí, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) bổ sung quy định: “Viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương bảo vệ người cung cấp thông tin”.
Bình luận (0)