Trao đổi với báo chí sáng 11-6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lên danh sách chất vấn dự kiến 4 Bộ trưởng các bộ: Công an, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường và Công Thương. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Chính phủ chốt lại phiên chất vấn của các thành viên Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Công an cũng báo cáo thêm với Quốc hội về những vấn đề liên quan đến trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông và một số vấn đề khác có liên quan.
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư trả lời chất vấn đề các vấn đề phân bổ quản lý đầu tư công, làm rõ sự chậm trễ trong việc phân bổ nguồn vốn tập trung cho những mục tiêu quốc gia của năm 2012.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường tập trung trả lời về các nhóm vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng. "Vừa qua có một số vụ việc gây bức xúc về vấn đề giải phóng mặt bằng, một số chính sách về đất đai..." - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Với Bộ trưởng Công Thương là các vấn đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hàng tồn kho lớn, thị trường thì bị co hẹp.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trong quá trình các thành viên trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ mời thêm 7 Bộ trưởng các bộ như Bộ Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Y tế... và các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực giải trình, báo cáo thêm.
Lý giải về việc có nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị nhưng Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng không nằm trong số các Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thời gian qua Bộ Giao thông - Vận tải và Chính phủ đã có những báo cáo về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Khóa XIII về chất vấn và Bộ Giao thông - Vận tải đã đặt ra một số giải pháp, đang được triển khai thực hiện.
Trước câu hỏi Thủ tướng Chính phủ có nhận được câu hỏi nào liên quan đến vụ việc Vinalines hay không? Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, đây là câu hỏi liên quan đến Bộ Giao thông - Vận tải vì đây là trách nhiệm của Bộ và cán bộ thuộc thẩm quyền của Bộ.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ tiếp tục được đổi mới bằng cách gom các nhóm vấn đề để các đại biểu Quốc hội tập trung vào các nhóm vấn đề, tránh dàn trải nội dung, tập trung đúng người đúng việc để trả lời.
Để nhiều đại biểu Quốc hội có thể chất vấn, thời gian đặt câu hỏi được quy định là 2 phút/lần. Lần thứ 2 sẽ là 3 phút và đại biểu Quốc hội đưa ra câu hỏi ngắn gọn, không lan man khai thác thông tin và tìm hiểu sự việc.
Theo đoàn thư ký kỳ họp, tính đến nay đã có hơn 100 câu hỏi chất vấn đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày, từ sáng 13 đến sáng 15-6, được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình và Đài tiếng nói Việt Nam.
Bình luận (0)